Mời quý độc giả theo dõi video:
Không gian văn hóa – tín ngưỡng gắn bó với người dân Khmer từ khi sinh ra cho đến khi mất đi chính là ngôi chùa, văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống và các phong tục.
Thời gian qua, việc bảo tồn không gian văn hóa, phát huy quyền tự do tín ngưỡng của người Khmer được Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền các cấp ở tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm.
Nghệ thuật trình diễn dân gian như đua ghe ngo, nhạc ngũ âm, múa rô băm, múa rom vong, nghệ thuật dù kê của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật múa của người Khmer Sóc Trăng hội tụ cả tài năng, tri thức sáng tạo, những bản sắc, giá trị văn hóa, xã hội và giá trị thẩm mỹ của cộng đồng.
Tại nhiều ngôi chùa ở Sóc Trăng, bên cạnh hoạt động tôn giáo, địa phương cùng ban quản trị các chùa đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật nhằm phát triển văn hóa truyền thống của người Khmer.
Chúng tôi có dịp đến thăm chùa Bốn Mặt ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Ngôi chùa được xây dựng khoảng thế kỷ 16, trên diện tích 6,5ha. Hằng năm, khuôn viên chùa tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của người Khmer.
Những năm qua, nhà chùa cùng bà con phật tử đã có nhiều đóng góp trong phát triển, bảo tồn văn hóa dân gian của người Khmer với Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt.
Phó chủ nhiệm câu lạc bộ kiêm người hướng dẫn múa là chị Sơn Thị Diệu, một cô gái Khmer.
Để đội văn nghệ Tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt duy trì được đến hôm nay, chị Diệu cùng một số thành viên chủ chốt trong câu lạc bộ đến từng nhà, vận động các gia đình cho con em tham gia. Hiện, câu lạc bộ có khoảng 40 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, bao gồm cả nam và nữ.
Từ nhỏ, chị Diệu rất đam mê và tâm huyết với các điệu múa truyền thống của người Khmer.
Sau này trưởng thành, quá trình tham gia các buổi văn nghệ tại chùa, chị được nghệ sĩ trong Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và Đoàn Nghệ thuật quần chúng Ron Ron hướng dẫn, truyền dạy thêm những điệu múa cơ bản, cộng với việc học hỏi trên mạng xã hội, những động tác, bài múa của chị ngày càng uyển chuyển, chuyên nghiệp hơn.
Đồng thời, chị cũng là hạt nhân được đề cử tham gia học thêm các khóa ngắn hạn về múa, biên đạo để nâng cao trình độ, qua đó thúc đẩy câu lạc bộ nghệ thuật địa phương phát triển. Điệu múa đặc trưng được câu lạc bộ biểu diễn tại nhiều nơi là múa gáo dừa và các điệu rô băm cổ điển.
Từ xưa, cây dừa đã gắn bó với cuộc sống lao động của ngươi Khmer. Quá trình sinh hoạt, lao động, người Khmer xưa đã sáng tạo ra điệu múa gáo dừa.
Với chiếc gáo dừa bình dị, cùng với tiết tấu nhạc nhịp nhàng, các chàng trai, cô gái Khmer cùng nhau vui múa. Trên tay mỗi người múa cầm một chiếc gáo dừa nhỏ xinh, họ quây thành vòng tròn, rồi tản ra thành hàng ngang, hàng dọc, kết hợp tay chân nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển
Điệu múa này thường được người Khmer biểu diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan hay sau những giờ lao động hăng say…
Đầu năm 2023, tỉnh Sóc Trăng và Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã hỗ trợ thiết bị âm thanh, trang phục dân tộc cho Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt, gồm các thiết bị loa full, micro cầm tay không dây, trang phục múa sinh hoạt, micro cài tai và 50.000.000 triệu đồng.
Nguồn kinh phí trên nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng.
Với chị Diệu cũng như ban quản trị chùa Bốn Mặt và các thành viên trong câu lạc bộ, việc phát triển, gìn giữ các điệu múa truyền thống của người Khmer mang ý nghĩa quan trọng, góp phần rất lớn trong duy trì, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Quỳnh Nga - Xuân Quý