Mời quý độc giả theo dõi video:
Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào Khmer đứng đầu ở đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 30% tổng số dân của tỉnh.
Các huyện, thị xã trong tỉnh có đông đồng bào Khmer là Vĩnh Châu, Trần Đề, Châu Thành, Thạnh Trị và Mỹ Xuyên.
Những năm qua, Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với công tác vùng đồng bào Khmer; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào Khmer còn nhiều vấn đề cần quan tâm; các thế lực thù địch luôn xuyên tạc, tìm cách phá vỡ mối đoàn kết các dân tộc. Bởi vậy, Sóc Trăng luôn chú trọng công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin tới bà con.
Một trong những nỗ lực của tỉnh thời gian qua là đặc biệt quan tâm, đầu tư các khóa đào tạo tiếng dân tộc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con; có thể giao tiếp để hiểu tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn của bà con.
Để việc đào tiếng tiếng Khmer được bài bản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng Đề án Đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tháng 7/2019, đề án hoàn thành và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt tại Quyết định số 1702-QĐ/TU ngày 11/7/2019.
Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai thực hiện đề án, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội. Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án Đào tạo tiếng Khmer tỉnh để phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan cụ thể hóa những nội dung của đề án thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện đề án.
Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng thẩm định nội dung, chương trình đào tạo và trực tiếp mở tại trường. Lớp học do giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng Khmer nên chất lượng đào tạo đạt kết quả cao.
Năm 2019, tỉnh đã mở 3 lớp thí điểm (2 lớp căn bản và 1 lớp nâng cao), trên cơ sở đó, tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo của các lớp thí điểm để triển khai các lớp tiếp theo (trung bình hàng năm mở 4 lớp. Riêng năm 2022, số lớp tăng thêm do nhu cầu của địa phương, nhu cầu học tập của cán bộ nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu của Ban Chỉ đạo Đề án); theo đó, tỉnh đã tổ chức khai giảng với 6 lớp/220 học viên.
Thông qua các lớp học sẽ giúp học viên nâng cao trình độ tiếng Khmer, trang bị thêm những kiến thức cơ bản, cần thiết để am hiểu một số phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chuyên môn.
Qua 4 năm triển khai, Đề án đã đào tạo 741 học viên, đạt 108,9% chỉ tiêu theo tiến độ và đạt 56,5% tổng chỉ tiêu của Đề án. Qua 2 năm thực hiện phát sóng Chương trình “Cùng học tiếng Khmer" trên Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, đã phát sóng 68 kỳ và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh và nhu cầu chung của xã hội.
Được biết, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của công tác đào tạo tiếng Khmer; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập của học viên; tiếp thu các ý kiến đóng góp của người có uy tín trong đồng bào Khmer hoặc các nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.
Quỳnh Nga - Xuân Quý