Vai trò tuyên truyền về dân tộc tôn giáo bằng tiếng dân tộc
Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Riêng tỉnh Sóc Trăng có dân số hơn 1,2 triệu người, với 03 dân tộc chủ yếu là dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Trong đó, người Khmer chiếm khoảng 30,2% (khoảng 365 nghìn người), đứng đầu so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào và từng bước giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào Khmer còn nhiều vấn đề quan tâm.
Các thế lực thù địch sử dụng nhiều cách thức từ tuyên truyền qua kênh riêng, lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để bóp méo sự thật; đưa người xâm nhập vùng đồng bào dân tộc Khmer để kích động những người nhẹ dạ, cả tin, khiến đồng bào suy nghĩ sai lệch về lịch sử, quá khứ của mình… Hoặc lợi dụng các hộ kinh tế còn khó khăn, các vụ khiếu kiện, tranh chấp trong nhân dân, kích động một số phần tử vu cáo chính quyền không quan tâm, phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền.
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng luôn gắn liền với tôn giáo.
Trước những luận điệu này, lực lượng chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bà con nâng cao ý thức cảnh giác, từ đó không bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Đối với phần tử đã bị móc nối, lôi kéo, có biểu hiện vi phạm pháp luật, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở.
Bên cạnh đó, Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn cũng chia sẻ, công tác đảm bảo an ninh vùng dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn.
“Sự khó khăn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó công tác tuyên truyền chưa được phát huy đúng mức; hoạt động của hệ thống chính trị và công tác quản lý xã hội ở cơ sở vẫn còn một số mặt hạn chế. Cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa thật sự truyền tải hết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đi vào thực tế, nhất là trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an ninh quốc gia…”, Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào Khmer và công tác ở các ngành, các lĩnh vực đòi hỏi giao tiếp trực tiếp với đồng bào Khmer lại không biết tiếng Khmer. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức người Khmer nhưng lại không thể nghe - nói hoặc đọc - viết được tiếng Khmer làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, cũng như ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Xuất phát từ thực tế trên, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án về đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Từ nghe, hiểu tiếng Khmer đến thấu hiểu đồng bào
Đề án về đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức được Tỉnh ủy Sóc Trăng phê duyệt dự kiến sẽ đào tạo cho hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh với lộ trình thực hiện gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2019 - 2020 sẽ đào tạo 30% với 660 học viên; Giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ đào tạo 70% với 1.650 học viên.
Chương trình đào tạo ở 3 mức độ khác nhau gồm: Lớp căn bản dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Lớp nâng cao áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các xã có đông đồng bào Khmer và các ngành, lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với đồng bào Khmer; Lớp nâng cao về kỹ năng biên dịch, phiên dịch để phục vụ công tác chuyên môn ở một số ngành, lĩnh vực đặc thù.
Ban Chỉ đạo đề án giao cho Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng thẩm định nội dung, chương trình đào tạo và trực tiếp mở tại trường. Lớp học do giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng Khmer nên chất lượng đào tạo đạt kết quả cao.
Ông Lâm Nhum, Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ chia sẻ, trường đã triển khai xong giai đoạn 1 của đề án và chuyển sang giai đoạn 2. Trường đang đào tạo cho khoảng 1.000 học viên theo 3 cấp độ: Căn bản, nâng cao và biên phiên dịch. Cấp biên phiên dịch phục vụ cho 1 số cơ quan, sở ngành cần biên phiên dịch như: Viện kiểm sát, Tòa án, Đài truyền hình, Báo Sóc Trăng…
Qua thời gian triển khai, Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức rất thiết thực, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Qua đó giúp cho cán bộ biết được tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, tạo điều kiện cho cán bộ có thể giao tiếp, trao đổi với đồng bào, đảm bảo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chị Nguyễn Thị Diện Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng là học viên lớp tiếng Khmer nâng cao. Chị từng gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp với bà con, vì đa số đồng bào không biết tiếng Kinh. Trong quá trình xuống với đồng bào, muốn tuyên truyền tốt phải tương tác, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của họ. Nếu hỏi bằng tiếng Kinh, họ không thể trả lời hay giãi bày với chị. Họ nói tiếng Khmer thì chị không hiểu, dẫn đến bất đồng về ngôn ngữ, tuy có người phiên dịch đi theo nhưng không mang tính bền vững.
“Chúng tôi đang triển khai Đề án 08 về bình đẳng giới và giải quyết 1 số vấn đề cấp thiết về phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu không biết tiếng sẽ là trở ngại lớn trong công việc.
Tôi nghĩ việc học tiếng Khmer là cách trang bị cho bản thân kiến thức, để làm tốt công tác tuyên truyền. Từ chỗ hiểu tiếng Khmer, chúng tôi sẽ hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Khmer”, chị Diện chia sẻ.
Sau lớp học cơ bản, chị tiếp tục học lớp nâng cao. Lớp cơ bản dạy về chữ cái, cách đọc. Lớp nâng cao học cách nói, giao tiếp… Chị Diện khẳng định, việc học giúp chị rất nhiều trong quá trình công tác. Khi đến một buổi tuyên truyền, vận động, nếu các cán hội chào bằng tiếng Khmer sẽ tạo ngay thiện cảm ban đầu, bà con sẽ thân thiết, gần gũi, cởi mở hơn.
“Phương pháp ở đây là giáo dục chủ động, học viên tự tham gia nghiên cứu, thầy cô là người hướng dẫn, định hướng. Trên lớp, thầy cô sẽ hỗ trợ mình, để mình ôn lại bài cũ, trả lời các câu giao tiếp thông thường. Nếu học viên không nghiên cứu, sẽ khó tiếp cận nhanh được ngôn ngữ này”, chị cho biết thêm.
Quỳnh Nga