Theo tờ Business Insider, ngày càng nhiều kỹ sư người Mỹ tại Thung lũng Silion chuyển sang làm việc cho Tiktok, mạng xã hội đến từ Trung Quốc. Ví dụ điển hình trong đó là Lucas Ou Yang, cựu kỹ sư cho Facebook, Snapchat, Instagram trong suốt 7 năm và hiện đã chuyển sang làm nhóm trưởng đội kỹ thuật Tiktok.
Anh Yang cho biết dù đều là những hãng công nghệ lớn nhưng văn hoá của Tiktok, công ty đến từ Trung Quốc lại khác rất nhiều so với những ông lớn cùng ngành.
Họp hoành tráng
Kỹ sư Yang cho biết phần lớn các cuộc họp ở ByteDance, công ty mẹ của Tiktok đều có số lượng lớn người tham gia, thông thường hơn 50 người với khoảng 2-3 người thuyết trình. Đây là kiểu họp hành thường được những tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc ưa chuộng.
Trái ngược lại, những tập đoàn Mỹ thường có kiểu họp 1-1 hoặc tách biệt ra thành nhóm nhỏ thảo luận, điều vốn cực kỳ hiếm gặp ở ByteDance.
Trên thực tế, việc Tiktok thường họp hoành tránh cũng dễ hiểu bởi họ không có sự phân công rõ ràng hay tách biệt giữa các nhóm phát triển. Một số nhóm đông tới 50-200 người và chỉ có 1 người quản lý. Anh Yang cho biết phần lớn nhân viên của ByteDance sẽ phải liên lạc với 20-30 đồng nghiệp tại các khu vực khác nhau, có múi giờ khác nhau để có thể hoàn thiện dự án.
Chính điều này cùng với kiểu quản lý từ trên xuống, giám đốc yêu cầu nhân viên hoàn thành mục tiêu thay vì trao đổi đưa ra ý kiến như Phương Tây, đã khiến các cuộc họp của Tiktok trở nên khá đồ sộ.
Thậm chí do họp hành với quá nhiều người từ múi giờ khác nhau, văn hoá hay ngôn ngữ khác nhau mà hãng phải dùng đến phần mềm phiên dịch video thời gian thực để có thể thực hiện.
Dẫu vậy điểm đang thú vị của kiểu họp này là các đồng nghiệp tại Tiktok không thích dùng ảnh avatar thật mà hay dùng những hình hoạt hình hay ẩn danh để tham dự.
Dựa vào nhân lực
Bạn nghe không có nhầm đâu, mạng xã hội đến từ Trung Quốc này dù là tập đoàn công nghệ nhưng vẫn dựa chủ yếu vào nhân lực do giá thành rẻ hơn so với Phương Tây. Điều này trái ngược với phong cách tiếp cận dữ liệu, dùng trí thông minh nhân tạo hay thiết lập các cơ chế tự động để giảm nhân lực tại Mỹ. Chuyện cũng dễ hiểu khi chi phí nhân công cao khiến chủ doanh nghiệp phải tìm kiếm cách hạ giá thành, tăng lợi nhuận.
Ví dụ Tiktok sẽ dùng nhân lực để đi mời gọi những người nổi tiếng, Influencer, hợp đồng quảng cáo hay các thương vụ có lợi về cho nền tảng thay vì dùng những cơ chế tự động trên diện rộng. Tập đoàn mặc dù vẫn chi tiền cho các quảng cáo hay nghiên cứu với những thị trường địa phương, đồng thời cũng thuê nhân viên bản địa để hợp tác phát triển Tiktok.
Năm 2020, Tiktok đã trích 200 triệu USD thành lập quỹ sáng tạo, bao gồm cả một đội quân đến từ vô số các nhóm làm việc khác nhau chỉ để nhằm tạo ra các nội dung hấp dẫn người dùng Mỹ. Sự thành công của quỹ này lớn đến mức Instagram và Youtube ngay lập tức cũng phải bắt chiếc.
Chính chiến lược thúc đẩy sản xuất nội dung đầy chủ động như vậy mà Tiktok đã phá vỡ và xâm chiếm được nhiều thị trường quan trọng một cách nhanh chóng, điều mà các tập đoàn công nghệ Phương Tây cũng phải ngạc nhiên.
Văn hoá 996
Trái với văn hoá cân bằng công việc-cuộc sống của Mỹ, Trung Quốc có chính sách làm việc "đến chết" khi các nhân viên thường xuyên bị yêu cầu làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần, hay còn gọi là "996".
Mặc dù đội của kỹ sư Yang tại Mỹ hay nhiều đội ngũ phụ trách khác ở Singapore không phải làm việc muộn theo quy định luật pháp nhưng bản thân họ thường xuyên phải họp muộn đến khuya cùng các đồng nghiệp ở Châu Á.
Đây là điều hiếm khi xảy ra tại Mỹ vì nó trái với quy định luật pháp cũng như văn hoá làm việc. Thông thường đội ngũ kỹ sư Mỹ sẽ chuyển giao các quy trình còn lại cho đối tác ở Châu Âu, Trung Quốc hoặc Ấn Độ khi hết giờ làm vào lúc 5h chiều.
Rõ ràng, Tiktok hiểu rõ được áp lực công việc khi mạng xã hội của họ mở rộng toàn cầu và việc cần sự hợp tác, lao động, cống hiến dài hơn là điều dễ hiểu. Chỉ có điều chúng lại chẳng thứ vui vẻ gì cho những người lao động.
Thực dụng
Người Mỹ từng nổi tiếng với văn hoá thực dụng, thế nhưng giờ đây những tập đoàn công nghệ như Tiktok mới là các doanh nghiệp thực dụng hơn. ByteDance đang ngày càng ít đánh giá công việc dựa trên báo cáo tài liệu hay chu trình làm việc. Thay vì quan tâm đến quá trình phát triển sản phẩm, đánh giá dùng thử hay các cuộc điều tra chuyên sâu thì Tiktok chú ý nhiều hơn đến các tính năng mới, ngày ra mắt sản phẩm.
Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu khi Tiktok trải rộng toàn cầu và cần sự nhanh chóng, nội dung dồi dào để có thể duy trì sức hút, bởi vậy tính thực dụng và kết quả cuối cùng mới là thứ họ quan tâm.
Theo Business Insider, cách làm việc này đem lại hiệu quả cao hơn cho Tiktok nhưng lại tạo ra vô số những rủi ro tiềm ẩn trong dài hạn cho công ty.
Làm mọi thứ
Trái với Phương Tây khi thường xếp các nhóm khoảng 8-9 người để có thể làm việc hiệu quả nhất, Tiktok thường có những nhóm đến 200 người chỉ do 1 quản lý điều hành. Cấu trúc ngang như vậy khiến nhiều nhân viên thậm chí chẳng có cơ hội nhìn mặt sếp dù là qua họp trực tuyến đi chăng nữa. Thậm chí nhiều người còn chẳng biết mặt mũi sếp của mình như thế nào.
ByteDance cũng rất hay giấu cấu trúc, đội hình công ty do lo sợ cạnh tranh nhân tài ở Trung Quốc, điều rất hay xảy ra tại thị trường tỷ dân này.
Bên cạnh đó, trong khi các kỹ sư Phương Tây thường chỉ chịu trách nhiệm một phần trong toàn bộ dự án thì những nhân viên Trung Quốc phải làm hầu như mọi thứ được sếp giao.
Các cuộc họp tại Tiktok cũng coi trọng vấn đề cấp bậc thay vì không khí cởi mở, góp ý của Phương Tây. Bởi vậy kỹ sư Yang khuyến mọi người có dưới 5 năm kinh nghiệm thì không nên vào làm bởi sẽ chẳng có một hướng dẫn hay tiêu chuẩn nào cụ thể cho người mới. ByteDance chỉ thích người đã có kinh nghiệm thôi!
(Theo Tổ quốc, Business Insider)
TikTok trỗi dậy mạnh mẽ, đe dọa vị trí ứng dụng Facebook trong bộ nhớ smartphone người dùng
TikTok đang trên con đường chiếm lấy thị phần quảng cáo toàn cầu của Twitter và Snapchat kết hợp lại trong năm 2022, và trong vòng hai năm nữa sẽ sánh ngang với nền tảng chia sẻ video thần thánh YouTube.