Trong khuôn khổ triển lãm Thủy triều cảm xúc, nghệ sĩ Nhật Bản Chiharu Shiota đã có cuộc trò chuyện với khán giả cũng như những người làm nghệ thuật tại Việt Nam vào chiều 12/10 tại VCCA Hà Nội trước khi chính thức khai mạc triển lãm đầu tiên của chị ở Việt Nam.
Chiharu Shiota được đánh giá là một trong những nghệ sĩ châu Á có tầm ảnh hưởng nhất trong nghệ thuật đương đại thế giới. Qua nhiều thập kỷ, chị không ngừng thử nghiệm và thách thức mình trong mọi môi trường sáng tạo. Chị biến những vật liệu dung dị trong cuộc sống, từ sợi chỉ, chiếc thuyền cũ, va ly, chiếc giường hay những bộ quần áo... thành những thứ kỳ vĩ trong không gian rộng lớn và đầy sáng tạo của các bảo tàng, không gian nghệ thuật lớn trên thế giới.
Khởi nguồn ý tưởng cho triển lãm Thủy triều cảm xúc bắt đầu sau chuyến thăm của chị tới Việt Nam năm 2019 nhưng do dịch Covid-19 nên phải sau 4 năm sự kiện mới có thể diễn ra. Với những sợi chỉ đỏ và trắng cùng những con thuyền cũ, Chiharu Shiota phủ kín không gian VCCA bằng những hình ảnh kỳ vĩ nhưng cũng lộng lẫy, cô độc, dữ dội, biểu đạt cho cảm xúc của con người và sự kết nối với nhau.
Chia sẻ trong cuộc trò chuyện với khán giả và những người làm nghệ thuật Việt Nam, Chiharu Shiota cho hay sợi chỉ đỏ mang tính kết nối mọi người với nhau, nó cũng giống như mạch máu trong cơ thể. Về những sợi chỉ đỏ được Chiharu Shiota dùng trong triển lãm Thủy triều cảm xúc, chị nói đây hoàn toàn là lựa chọn mang tính cá nhân. Hồi trẻ, khi mang bầu tới tháng thứ 6 chị đã bị mất con do thai chết lưu, 3 tháng sau thì cha Chiharu Shiota qua đời.
Cảm giác mất mát, đau đớn khiến chị muốn dùng sợi chỉ đỏ như một hình thức níu kéo những gì thuộc về mình. Nữ nghệ sĩ đã sưu tầm 180.000 chiếc chìa khóa và sử dụng hơn 50.000 chiếc kết hợp với những sợi chỉ đỏ cho triển lãm đặc biệt tại Venice, Italy. Đó là lần đầu tiên Chiharu Shiota sử dụng chất liệu này trong các sáng tác của mình.
Tại Việt Nam, những sợi chỉ đỏ tiếp tục được sử dụng trong triển lãm để kết nối những con thuyền cũ. Chiharu Shiota nói những con thuyền không chỉ là vật dụng chuyên chở hàng hóa, con người mà chuyên chở cả văn hóa. Lần đến Việt Nam trước, chị đã được ngồi lên con thuyền ấy và quyết định sử dụng nó cho triển lãm Thủy triều cảm xúc. Thông thường để chuẩn bị cho triển lãm quy mô như vậy, Chiharu Shiota phải mất 6 tháng. Tuy vậy, với sự hỗ trợ từ phía Việt Nam cùng đội ngũ đông đảo các nghệ sĩ trẻ, nó đã được hoàn thành trong vài tuần.
Nữ nghệ sĩ sinh năm 1972 chia sẻ cởi mở về biến cố của bản thân có ảnh hưởng mạnh tới sáng tác của chị. "Tôi đã hai lần mắc ung thư. Trước đó tôi không hề vẽ được tranh. Sau khi mắc ung thư, tôi có cảm hứng vẽ. Lúc đó tôi không vẽ bằng mắt nữa mà vẽ bằng tâm hồn. Lần tôi bị ung thư thứ 2 vào năm 2017, khi tôi nhận lời mời của giám tuyển triển lãm ở Mori. Lúc đó tôi được chẩn đoán có khối u ác tính và phải tiến hành phẫu thuật.
Phải nói rằng năm 2019 là thời gian vất vả với tôi vì vừa phải trải qua cuộc phẫu thuật, vừa chuẩn bị cho triển lãm ở không gian quá rộng nên việc chuẩn bị cho triển lãm rất vất vả. Lúc đó trong quá trình sáng tác, tôi cảm nhận rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết. Lúc đó con gái tôi mới 9 tuổi, tôi đau đáu nghĩ rằng nếu mình mất thì con sẽ thế nào và khi tôi mất đi thì linh hồn tư tưởng tôi thế nào. Điều đó được tôi tái hiện trong tác phẩm Uncertain Journey ở triển lãm tại Mori, Nhật Bản", Chiharu Shiota.
Chiharu Shiota chia sẻ về quá trình cô bị ung thư