Bố tôi 60 tuổi, bị sỏi đường tiết niệu trên 2 năm nay. Ông không muốn đi bệnh viện, chỉ uống thuốc tại nhà, nhiều khi uống thuốc lá được mách để mong tiêu sỏi. Gần đây, ông hay đau vùng thắt lưng, dọc xuống hố chậu sinh dục và mặt trong đùi, đứng, ngồi hay nằm đều đau. Bệnh sỏi này nếu để lâu không điều trị có thể gây biến chứng không? Có cách nào điều trị nhanh, đỡ đau, ít nằm viện không? (Hoàng Long, Quảng Ninh).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), tư vấn:
Sỏi tiết niệu rất phổ biến, chiếm gần 2/3 tổng số các bệnh tiết niệu. Sỏi đường tiết niệu trên gồm sỏi thận, sỏi bể thận và sỏi niệu quản. Triệu chứng thường gặp là cơn đau quặn thận đột ngột hoặc sau khi gắng sức; khởi phát ở vùng hố thắt lưng một bên, đau lan ra phía trước, xuống dưới, cường độ đau thường mạnh và không có tư thế có thể giúp giảm đau.
Sỏi đường tiết niệu dưới thường có biểu hiện như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu són, tiểu tắc giữa dòng…
Nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời, sỏi tiết niệu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Tắc nghẽn: Là biến chứng cấp tính nặng cần can thiệp sớm. Nếu niệu quản bị tắc nghẽn hoàn toàn, bể thận giãn to, kéo dài trên 6 tuần thì nhu mô thận có thể không hồi phục. Nước tiểu bị ứ lại sẽ hủy hoại cấu trúc, chức năng thận.
- Suy thận cấp: Có thể do sỏi gây tình trạng tắc nghẽn nặng 2 bên niệu quản. Điều này có thể xảy ra trên bệnh nhân chỉ có sỏi niệu quản 1 bên nhưng gây phản xạ co mạch cả 2 bên dẫn đến vô niệu.
- Suy thận mạn: Viêm thận - bể thận mạn là biến chứng nguy hiểm nhất. Chức năng thận bị xơ hóa dần, không thể hồi phục.
Điều trị nội khoa áp dụng với sỏi có kích thước dưới 5mm, chưa gây biến chứng, chức năng thận còn tốt, người bệnh được dùng thuốc giãn cơ trơn, tăng cường vận động, uống nhiều nước để đẩy sỏi ra ngoài.
Nếu sỏi có kích thước lớn, không thể tự đào thải, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp ngoại khoa loại bỏ sỏi.
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng với sỏi thận dưới 15 mm, sỏi niệu quản ở vị trí 1/3 trên sát bể thận và dưới 1cm, chức năng thận tốt, lưu thông niệu quản tốt. Bác sĩ sử dụng sóng xung kích có tần số lớn để phá vỡ sỏi. Sỏi sẽ từ từ trôi ra ngoài theo đường tiểu. Phương pháp này không cần mổ, người bệnh không đau, tán xong có thể ra viện.
- Tán sỏi nội soi ngược dòng: Áp dụng cho sỏi niệu quản 1/3 dưới và 1/3 giữa. Ống nội soi đi ngược từ lỗ tiểu lên niệu đạo đến niệu quản để tiếp cận với vị trí của sỏi; thầy thuố dùng năng lượng từ laser, sóng siêu âm hoặc điện từ tán sỏi nhỏ rồi hút ra ngoài. Phương pháp này giúp không có vết mổ, ít đau, hồi phục nhanh, có thể ăn nhẹ sau 3-6 tiếng và về nhà sau 24 giờ nếu sức khỏe ổn định.
- Tán sỏi nội soi qua da: Áp dụng đối với các loại sỏi san hô, sỏi thận lớn hơn 15mm hay sỏi 1/3 trên niệu quản có kèm dị dạng đường tiết niệu. Một đường rạch siêu nhỏ (5mm) được tạo để lập đường hầm từ vùng da vào vị trí bên trong thận có chứa sỏi, đưa máy nội soi vào tiếp cận và tán vỡ, hút sỏi ra ngoài. Bệnh nhân ít đau, có thể ra viện sau 3 ngày, phục hồi nhanh, không lo sót sỏi.
- Mổ nội soi sau phúc mạc: sau khi được gây mê, ống nội soi được đưa vào vùng hông - lưng từ 3 đường hầm nhỏ, mở niệu quản và gắp sỏi ra ngoài.
- Mổ mở lấy sỏi được chỉ định khi kích thước sỏi quá lớn hoặc các phương pháp trên thất bại. Bệnh nhân đau nhiều, thời gian nằm viện tương đối lâu.