Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 5, 6 của Quốc hội tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/7, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri hết sức tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Điều đó khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao
Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, thiết kế lại môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Ngoài ra, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6/7 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ.
Theo đó, đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao đã kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; tình trạng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội về các loại thuốc, thực phẩm chức năng... không đúng như chất lượng của sản phẩm, gây thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc của người dân.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn lo lắng về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để khám, chữa bệnh cho người dân; tình hình dịch bệnh xuất huyết đang diễn biến phức tạp có xu hướng lan rộng, tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong; sự xâm nhập của biến chủng BA.5, BA.4 của Omicron…
Về phản ánh, kiến nghị của cử tri về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị, ông Bình cho hay, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế sớm có các giải pháp khắc phục; khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm ngay sau kỳ nghỉ lễ (30/4-1/5) có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 528 sản phẩm thuốc, tổng giá trị các gói thầu là 8.890 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 7, sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.
Khắc phục sớm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Từ các kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu trong nước nhằm giúp người dân và doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ tiếp tục có các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin quảng cáo sai sự thật, quảng cáo không phù hợp; quản lý chặt chẽ các thông tin xấu trên mạng nhất là việc đăng tải và lan truyền các thông tin liên quan đến việc tự tử của trẻ em.
Ông Bình cũng lưu ý đến việc khắc phục sớm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đảm bảo thuốc điều trị cho người dân; tăng cường các biện pháp kịp thời, hiệu quả phòng chống dịch sốt xuất huyết; chủ động giám sát kỹ biến chủng mới, từ đó triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19…
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ ngành có liên quan có giải pháp xử lý vướng mắc trong việc thực hiện xác định giá trị sử dụng đất và phương án sắp xếp, sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng tài sản công, nhất là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trái quy định gây thất thoát tài sản nhà nước…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu lên một vấn đề nóng hổi thời gian vừa qua là tình trạng cán bộ, nhân viên ngành y tế nghỉ việc rất nhiều nhưng báo cáo không đề cập đến việc này. Vì vậy, bà đề nghị báo cáo cần bổ sung nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng tình với đề xuất của bà Nga về tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, Chính phủ đã có những phản ứng tức thời và rất quyết liệt. Báo cáo dân nguyện cần thể hiện nội dung này.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, báo cáo dân nguyện nên có kiến nghị đề xuất các Ủy ban của Quốc hội nên như thế nào đối với các vấn đề nổi lên của xã hội.
“Cuối năm họp có báo cáo thẩm tra về kinh tế xã hội, nếu không vào cuộc từ sớm thì lúc đó không có đầy đủ dữ liệu cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thẩm định một cách chính xác”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban Dân Nguyện kiến nghị cả với các đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh thành nắm tình hình thực tế từ địa phương để kịp thời có giám sát.
“Bây giờ để tình trạng mua sắm các thứ không thực hiện được thì như thế, ngoài các cơ quan điều hành thì cũng có trách nhiệm của cơ quan giám sát chứ”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải vào cuộc, giám sát, giải trình, điều trần để làm rõ các vấn đề.