Theo đó, Sơn La thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số.
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, tăng cường khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, tỉnh Sơn La phát triển cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Năm 2024, tỉnh chú trọng huy động nguồn lực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; Số hóa dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực số; Ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung hạ tầng số, nền tảng số đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để từng bước xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong quản trị điều hành doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, quản lý hoạt động kinh tế...
Cùng với đó, tỉnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, cải tiến quy trình xử lý, giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.
100% cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được cấp chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng và sử dụng ký số dữ liệu, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tập huấn nghiệp vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Lò Văn Xoa, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Sơn La thông tin, việc thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn giảm áp lực cho cơ quan nhà nước. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận vào hệ thống phần mềm một cửa điện tử tỉnh trên 105.190 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó 90% hồ sơ tiếp nhận trực tuyến; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 94,5%.
Tỉnh Sơn La xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 ở cấp xã. Đồng thời triển khai quyết liệt công tác định danh điện tử, cấp căn cước, tạo nền tảng định danh số, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Về công tác xây dựng xã hội số, Sơn La tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số; Đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; Phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại...
Tạo nền tảng xây dựng hạ tầng số phục vụ phát triển xã hội số, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị viễn thông đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng; tăng nhanh tỷ lệ người sử dụng Internet, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đến nay, 100% các xã có hạ tầng băng rộng cáp quang, phủ sóng băng rộng di động 4G; tỷ lệ bản được phủ sóng băng rộng di động 4G đạt 98,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94,8%. Gần 60% số thuê bao sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh; 39% số hộ gia đình có thuê bao cáp quang; tỷ lệ người sử dụng Internet toàn tỉnh ước đạt 46,3%.
Với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, toàn tỉnh hiện có 706.105 người có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, tài khoản khác với tỷ lệ 79,5% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản.
Là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất; Cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, quản lý giám sát nguồn gốc; Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; Ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong quá trình sản xuất; Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Việc ứng dụng nền tảng số để quảng bá nông sản giúp các cơ sở sản xuất của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời giúp người dân thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng, nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế số phát triển.