Tỉnh Sơn La khuyến khích doanh nghiệp, người dân áp dụng, sử dụng tem, nhãn mác có mã QR-Code để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hướng đến một nền Nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, đảm bảo minh bạch về nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tăng sức cạnh tranh.
Tỉnh Sơn La khuyến khích doanh nghiệp, người dân áp dụng, sử dụng tem, nhãn mác có mã QR-Code để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hướng đến một nền Nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, HTX.
Triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (tem nhãn) đối với 72 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp các thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”, nhằm xác định nhiệm vụ cần triển khai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Tiếp đó, ngày 21/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (tem nhãn) đối với 72 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng toàn tỉnh đối với 205 mã số vùng trồng, 195 tài khoản nhật ký vùng trồng xuất khẩu trên hệ thống farmdiary.online; 11 tài khoản nhật ký vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên hệ thống cơ sở dữ liệu trồng trọt (csdltrongtrot.mard.gov.vn). Cung cấp quản lý dữ liệu 154 sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La trên phần mềm (https://sohoaocop.vn).
Đến nay, 7 huyện, thành phố đã áp dụng 2 hệ thống phần mềm truy xuất riêng biệt để truy xuất nguồn gốc cho 2 nhóm sản phẩm thuộc nông sản (OMFARM) và sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói (OMFOOD). Thiết kế và kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho 15 sản phẩm của 15 cơ sở trên hệ thống phần mềm tương ứng.
Các thông tin truy xuất được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn ISO 22000, VietGap, TCVN 12850:2019, tiêu chuẩn truy xuất toàn cầu GS1. Triển khai hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc hướng đến mục tiêu đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tạo ra chuỗi cung ứng an toàn, thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân trên nền tảng công nghệ số như hiện nay.
Ngày 05/7/2024, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch về thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024. Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, lập báo cáo đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân, lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa phù hợp, có khả năng thực hiện việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa năm 2024 cho 30 - 40 sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì 214 mã số vùng trồng, trong đó, 205 mã phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 3.000 ha, 9 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt với diện tích 124 ha; 11 mã số đóng gói nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: Cơ sở dữ liệu giám sát đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành (giamsatdanhgia.mard.gov.vn); hệ thống quản lý dữ liệu thống kê (thongke.mard.gov.vn); cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (msvt-csdg.ppd.gov.vn), phần mềm quản lý cơ sở đóng gói (cms.packinghouse.online), phần mềm quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu (farmdiary.online)…
Trong thời gian tới, Ngành Nông nghiệp Sơn La tiếp tục thông tin, tuyên truyền các ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín ứng dụng số hóa trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo phục vụ ông tác truy xuất nguồn gốc nông sản.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản thông qua các hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của công tác truy xuất nguồn gốc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với người sản xuất, bảo đảm sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản đã xây dựng.
Có chính sách hỗ trợ phát triển các hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm, số hóa trong quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Theo Nguyễn Hạnh(Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sơn La)