Nhờ bắt được sóng di động từ trạm biển đảo của Viettel, phượt thủ Bùi Lê Xuân Huy đã gọi được cứu trợ sau 5 ngày rơi xuống hố sâu ở bãi Sùng Cỏ (Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Như VietNamNet đưa tin, sáng 29/1, lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan giải cứu thành công nam du khách bị rơi xuống vực sâu ở đèo Hải Vân.
Phượt thủ Bùi Lê Xuân Huy được tìm thấy khi đang bị kẹt dưới ghềnh đá sát bãi biển, trong tình trạng đa chấn thương. Nạn nhân sau đó được sơ cứu, đưa về cầu cảng sông Hàn (Đà Nẵng) bằng cano và chuyển vào bệnh viện điều trị.
Bãi Sủng Cỏ nằm biệt lập trên đèo Hải Vân, cách trung tâm TP Đà Nẵng hơn 30km. Với địa hình hiểm trở, còn hoang sơ, đây là địa điểm các phượt thủ thường chọn để chinh phục.
Theo thông tin mới nhận được, sở dĩ nạn nhân Bùi Lê Xuân Huy được tìm thấy là nhờ bắt được sóng di động thành công.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Viettel cho biết, nạn nhân Bùi Lê Xuân Huy là một người dùng di động của nhà mạng này.
Vào tối 28/1, phượt thủ Bùi Lê Xuân Huy đã bắt được sóng thành công từ một trạm BTS biển đảo của Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks). Nạn nhân sau đó đã thực hiện một loạt cuộc gọi, bao gồm những cuộc gọi đến số điện thoại cá nhân và Trung tâm chỉ huy 114 Công an TP Đà Nẵng.
Theo đại diện Viettel, trường hợp của phượt thủ Huy được xem là rất may mắn. Vị trí gặp nạn của Huy là bãi Sùng Cỏ, khu vực biệt lập và rất hoang sơ, có mật độ dân cư thưa thớt và địa hình hiểm trở.
Đặc thù hố sâu, nhiều vách đá của địa điểm này gây cản trở cho việc bắt sóng viễn thông. Bãi Sùng Cỏ hiện chỉ có sóng Viettel phủ đến nhờ các trạm biển đảo chủ yếu phục vụ mục đích an sinh xã hội và quốc phòng an ninh thay vì lợi ích kinh tế.
Đây là những trạm BTS đặt tại vị trí xa xôi, hẻo lánh, neo người, giúp bà con ngư dân đi biển hay cư trú ở khu vực thưa thớt vẫn có thể sử dụng dịch vụ viễn thông.
Kinh phí xây dựng trạm biển đảo có thể gấp 3-5 lần trạm thông thường. Việc vận hành có thể tốn đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhưng chỉ phục vụ vài chục thuê bao hoạt động thường xuyên thay vì hàng nghìn thuê bao như trạm thường.
Thách thức lớn nhất là những trạm này hầu hết nằm ở khu vực miền núi, địa hình hiểm trở, vận chuyển vật tư thiết bị cũng như thi công vô cùng khó khăn, thậm chí một số nơi còn không có điện.
Trong hai năm 2021 và 2022, Bộ TT&TT đã chỉ đạo doanh nghiệp tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai phủ sóng những thôn bản đã có điện, bao gồm cả các thôn đặc biệt khó khăn.
Số liệu mới nhất cho thấy, 99,73% thôn bản trên toàn quốc đã có sóng viễn thông di động. Tỷ lệ này tương đương với 2.152 thôn được phủ sóng trong 2 năm qua.
Theo Bộ TT&TT, cả nước còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được, do một số nơi chưa có điện, dân cư thưa, địa hình khó khăn. Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục rà soát, cung cấp bổ sung các thôn còn lõm sóng để chỉ đạo doanh nghiệp triển khai phủ sóng.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ nhanh chóng giải ngân nguồn vốn từ Quỹ Viễn thông công ích để xây dựng hạ tầng viễn thông, phủ sóng các vùng lõm, phát triển mạng băng rộng cố định đến các thôn, bản theo mục tiêu của từng năm và cả giai đoạn đã đề ra.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở Peru không ngừng gia tăng, những người Viettel đã đi 600km đường sông, vượt qua những cuộc biểu tình và nhiều trở ngại do rừng thiêng nước độc, để phủ sóng di động tại vùng sâu nhất Amazon.
Các nhà mạng đã triển khai dịch vụ roaming miễn phí tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Nhờ vậy, người dùng di động có thể bắt sóng nhà mạng khác khi mất liên lạc do mưa lũ.