Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi, "Chuyện của những dòng sông”, để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng. Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. Xin trân trọng giới thiệu bài viết, Những nhịp cầu nối đôi bờ, vui của tác giả, Nguyễn Thị Thu Thủy.
27 năm (kể từ ngày tách tỉnh), Đà Nẵng đã tiến những bước thật dài cùng những đổi thay kỳ diệu ngỡ như trong một giấc mơ. Trong giấc mơ đó có hình ảnh của sông Hàn cùng những nhịp cầu nối đôi bờ vui.
Ai đã từng đến với sông Hương êm đềm chảy giữa lòng thành phố Huế hay về Hội An nhìn ngắm sông Hoài mới thấy rõ nét khác biệt tinh tế của sông Hàn. Mặc dù chảy về Đà Nẵng chỉ một đoạn ngắn chưa đến 8km, theo hướng từ Nam lên Bắc nhưng sông Hàn tươi vui, năng động hòa cùng nhịp sống trẻ của thành phố. Dòng sông ngày đêm mải miết chảy, âm thầm tiếp nhận nguồn nước khổng lồ từ hạ lưu sông Cẩm Lệ và sông Cái (hạ lưu sông Vĩnh Điện), rồi xuôi về biển lớn, chở trên mình bao mưa nắng, thăng trầm của một đô thị đang từng ngày phát triển.
Sông chảy bên đời, chứng kiến bao nỗi buồn trong những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, những con đường vắng tanh có thể nghe được tiếng lá rơi xào xạc bên thềm. Dòng sông thay đổi sắc diện khi thành phố thực hiện những ngày “bình thường mới”, reo vui cùng những tiếng còi xe tấp nập trên những con đường rộng rãi được phân bố hợp lý theo làn. Chiều chiều, khi nắng vừa tắt, ngồi bên vệ cỏ xanh ngút mắt bên bờ đông, ngắm hoàng hôn phủ tím mặt sông mới thấy quý giá biết bao những giây phút tĩnh lặng giữa những đua chen đời thường.
Dòng sông Hàn đến đoạn giữa thành phố hình như chần chừ không muốn xuôi về biển để tận hưởng hết vẻ đẹp của những cây cầu mà mỗi cây là một diện mạo khác nhau. Đó là cầu Trần Thị Lý thanh mảnh nghiêng nghiêng soi gương mặt sông chải tóc, mang dáng hình của cánh buồm vươn ra biển lớn, tượng trưng cho khát vọng hòa nhập và vươn lên của người dân thành phố.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi dành cho người đi bộ ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm có hình dáng cổ kính với mái vòm cong cong màu vàng như ánh nắng dịu nhẹ của mùa xuân. Cầu Rồng đẹp lộng lẫy hơn vào đêm thứ Bảy, Chủ Nhật, du khách tấp nập hồi hộp chờ đợi giờ phút Rồng phun nước, phun lửa. Hình dáng con Rồng bay qua sông vươn ra biển với kết cấu dầm thép hiện đại khiến cho chiếc cầu trở thành điểm thu hút cho Đà Nẵng về đêm.
Nếu cầu Rồng là thành tựu của thành phố những năm 20 của thế kỉ XXI thì cầu Sông Hàn là kết quả của ý hợp lòng dân bởi đó là chiếc cầu quay duy nhất của đất nước… Chiếc cầu quay mang tên của dòng sông được khởi công từ 1997, gắn với thời điểm thành phố được công nhận trực thuộc Trung ương và khánh thành năm 2000, cùng thời điểm thành phố chào đón thế kỉ mới. Mặc dù chiều dài của cầu quay chỉ 487,7m, còn khiêm tốn so với những chiếc cầu hình thành ở giai đoạn sau nhưng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực với hai nhịp dây văng nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và Sơn Trà. Điểm đặc biệt, hằng đêm vào khoảng từ 23h đến 0h phần giữa của cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo hướng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua.
Nhiều bạn bè của tôi từ Ninh Thuận, Đà Lạt, Cần Thơ… ra Đà Nẵng, chỉ muốn được lưu trú ở những khách sạn bên Sơn Trà để vừa thuận tiện ngắm cầu Rồng phun lửa trong những đêm cuối tuần, xem cầu sông Hàn quay lúc nửa đêm, vừa tranh thủ sáng sớm chạy ùa ra biển nhìn mặt trời giỡn sóng.
Trong 6 cây cầu bắc ngang qua sông Hàn thì Tiên Sơn là cây cầu duy nhất xây dựng chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu vận tải. Đêm về, chiếc cầu rộn rã với hàng nối dài xe tải, container xếp uy nghiêm chờ đến lượt ra cảng nhận hàng; để khi trời chuyển về khuya, những chiếc xe đầy ăm ắp từ đây túa đi khắp các ngả.
Dòng sông Hàn trước khi xuôi ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng hội ngộ cùng chiếc cầu thứ 6 bắc ngang qua cơ thể mình, trông xa như một chiếc võng dệt bằng kim tuyến mắc giữa hai dãy ngân hà. Cầu Thuận Phước, chiếc cầu treo dây văng dài nhất Việt Nam, hiện ra vừa lộng lẫy, vừa quyến rũ nối liền đường ven biển Nguyễn Tất Thành và đường Hoàng Sa, tạo nên tuyến giao thông liên hoàn từ Liên Chiểu - Sơn Trà - Hội An, mở ra nhiều tiềm năng du lịch cho Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An cũng như thành phố Huế lân cận. Người dân cả nước hồi hộp hướng về sông Hàn trong lễ hội pháo hoa Đà Nẵng vào dịp 30-4 và 1-5. Những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu báo hiệu một Đà Nẵng với giấc mơ “hóa rồng” trong niềm giao lưu cùng bè bạn năm châu.
Làm thế nào có những đột phá hơn để quảng bá vẻ đẹp khác lạ của sông Hàn cho du khách? Đó là câu hỏi luôn đặt ra cho ngành du lịch tại Đà Nẵng. Ngắm nhìn thành phố bằng đường bộ, xuôi ngược gần 8km theo chiều dài sông Hàn, tôi ao ước có những du thuyền được đầu tư kỹ lưỡng từ việc đảm bảo an toàn đến khâu trang trí, tổ chức các hoạt động nghệ thuật vùng miền, dịch vụ ăn uống phù hợp.
Thiết nghĩ, Đà Nẵng cần liên kết với thành phố Hội An tổ chức những tour du lịch hằng đêm bằng đường thủy dài hơi cho khách phương xa. Hình thức này góp phần đánh thức sông Cổ Cò sau khi đã được khai thông mạch nguồn, kết nối du lịch sông nước làng quê tạo thành một chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam - Đà Nẵng.
Có thể dựng một nhà hàng nổi có sân khấu lộ thiên ở ngã ba sông, đoạn hợp lưu sông Cẩm Lệ và sông Cái để các thuyền từ Hội An ra hay Đà Nẵng vào sau khi ghé thăm khu căn cứ Cách mạng K20, có thể dừng lại thưởng thức những đặc sản xứ Quảng, vừa giao lưu ca nhạc mùa nắng nóng với những tiết mục: bài chòi, quan họ, múa Chăm, hát bả trạo, dân ca quân khu V, trích đoạn tuồng…
Khép lại dòng chảy để tan hòa vào lòng đại dương, sông Hàn lưu luyến chia tay những chiếc cầu, để hồi sinh cho một hành trình tương lai…