Tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đều ở mức 6,8%, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,1%. Bình quân thu nhập đầu người trong xã năm 2021 là 55,73 triệu đồng/người/năm.
Tới hết năm 2023, theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, xã có 3 hộ thoát nghèo, 5 hộ thoát cận nghèo. Số hộ nghèo trong xã chỉ còn 13 hộ, chiếm 0,69%; 13 hộ cận nghèo, chiếm 0,69%; số hộ tái nghèo rất ít. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 60,8 triệu đồng/năm.
Chị Trần Thị Lý, thôn Yên Sơn, từng là hộ nghèo lâu năm của xã Lãng Công. Trước đây, 3 mẹ con chị phải sống trong căn nhà chật hẹp, xuống cấp trầm trọng. Chị Lý là lao động tự do, không có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh.
Năm 2020, chị Lý được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để chăn nuôi bò sinh sản. Nguồn vốn quay vòng giúp chị có điều kiện phát triển kinh tế. Một năm sau, cùng với 3 hộ nghèo khác của xã, chị tiếp tục được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà đại đoàn kết, thêm chút tiền tích cóp, xoay xở vay mượn, 3 mẹ con chị đã có căn nhà kiên cố, khang trang. Năm 2022, chị chính thức thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn.
Lãnh đạo xã Lãng Công cho biết thực hiện công tác giảm nghèo, trước hết, xã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo ở từng gia đình, thôn xóm; khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, cận nghèo, phân loại các hộ nghèo để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể.
Đối với những hộ thiếu nguồn vốn, xã chỉ đạo rà soát, xác định rõ nhu cầu của từng hộ, phối hợp chặt chẽ với phía ngân hàng tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi.
Xã cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của người nghèo; đồng thời, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để làm đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. 100% người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn xã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, ngoài việc hỗ trợ thường xuyên theo các chương trình, dự án, huyện Sông Lô xác định rõ tầm quan trọng của việc giải quyết chiều thiếu hụt việc làm (trong 6 chiều dịch vụ xã hội cơ bản của tiêu chí giảm nghèo đa chiều). Đây là yếu tố quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, đủ khả năng tự chủ, ổn định đời sống.
Ngoài việc hỗ trợ tập huấn về khoa học kỹ thuật, cung cấp kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề; các tổ vay vốn đã phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, lập hồ sơ cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn vay vốn.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, cùng sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, phát huy tiềm năng, lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh, cây, con giống phù hợp, nhiều mô hình giảm nghèo của huyện Sông Lô đã mang lại hiệu quả.
Tại nhiều địa phương ở huyện Sông Lô, rất nhiều hộ nghèo làm nông nghiệp muốn chuyển đổi ngành nghề, thiếu kỹ năng lao động được ưu tiên tham gia chương trình đào tạo nghề, dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người nghèo tăng thu nhập, vươn lên trong lao động sản xuất, từng bước thoát nghèo.
Tại thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, gia đình bà Nguyễn Thị Tình, tổ dân phố Bình Sơn, là hộ nghèo, có lúc gặp không ít khó khăn bởi gánh nặng tiền chữa bệnh hiểm nghèo hằng tháng. Hơn 1 năm nay, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà bà gọi là "đòn bẩy kinh tế", gia đình bà có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi gà thương phẩm, lợn sinh sản, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Huyện Sông Lô cũng thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thông báo nhu cầu đào tạo nghề, tuyển dụng; kết nối cung- cầu lao động nhằm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm và học nghề cho người nghèo.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,8%, hộ cận nghèo còn 2%. Phần lớn hộ nghèo đã nhận thức rõ trách nhiệm, nỗ lực vượt khó vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.