Ngày ấy, tôi gặp Sêrêpốk như chàng trai trẻ đi tìm ý trung nhân, gặp được cô nàng vừa xinh đẹp, vừa cá tính và bị hút hồn bởi vẻ đẹp của trùng trùng điệp điệp rừng xanh soi bóng trên dòng sông.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Huyền tích ly kỳ trên dòng sông chảy ngược của tác giả Đặng Bá Tiến.
Tôi sinh ra bên dòng sông Lam - con sông đã cho thi sĩ Trần Mạnh Hảo tuyệt hứng để ông làm nên thi phẩm Sông Lam - một thi phẩm mà nhiều người con xứ Nghệ, nhiều nhà phê bình văn học nhận xét là tuyệt bút:
“Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh
Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du
Sông đứng thành Hồng Lĩnh
Sông đi thành ví giặm trời xanh...”.
Thế nhưng, “duyên đưa lối, số dẫn đường”, năm 1985 tôi đến Đắk Lắk làm việc và gắn bó keo sơn với xứ sở này - nơi có dòng sông “chảy ngược”, mang cái tên khá gập ghềnh: Sêrêpốk. Và tôi đã yêu, có thể nói là máu thịt với Sêrêpốk, chẳng khác gì dòng sông Lam quê tôi.
Người ta nói Sêrêpốk “chảy ngược”, vì không như hầu hết các dòng sông khác ở nước ta chảy về phía đông, rồi hòa mình vào biển Đông bao la; mà ngược lại nó chảy về phía tây, rồi gửi mình vào nước bạn Campuchia.
Từ hai chi lưu của Sêrêpốk là Krông Na, Krông Nô, xuôi về thác Gia Long đến tận Bản Đôn, Ea Súp... đâu đâu cũng trùng điệp rừng xanh soi bóng. Rừng đẹp và có tính đa dạng sinh học cao, nhất là ở Vườn quốc gia Yok Đôn, có diện tích hơn 110.000 ha, có tới 1006 loài thực vật, 650 loài động vật; trong đó có nhiều động, thực vật quý hiếm, như voi, hổ, bò tót... các loài gỗ quý như cà te, cẩm lai, giáng hương… Nhiều chỗ bên dòng sông là những bãi cỏ xanh mượt mà, thỉnh thoảng lại thấy vài ba chú nai con tung tăng đùa nghịch và ung dung gặm cỏ. Ngày ấy rừng còn êm ả, thanh bình lắm!
Dòng sông chảy giữa đại ngàn núi non, nhưng lại có nhiều chỗ êm ả, lững lờ như cố tình làm mặt gương để rừng xanh soi bóng. Ở những chỗ như thế thường quần tụ nhiều cá lớn. Tôi đã thấy những thanh niên Ê đê, M’Nông mắt sáng da nâu, lướt thuyền độc mộc, tay cầm lao nhọn, đâm được những con cá lăng, cá chép cả chục kg. Nhưng vẻ đẹp cá tính nổi bật của “cô nàng” chính là những ngọn thác. Đoạn chảy trên địa phận Đắk Lắk của Sêrêpốk chỉ khoảng 125km, nhưng có tới hơn một chục ngọn thác: Gia Long, Đray Sáp, Đray Nur, Trinh Nữ, Đray H’Linh, Bảy Nhánh... Mỗi ngọn thác mang một vẻ đẹp riêng: Nơi dịu dàng như mái tóc thiếu nữ buông dài, nơi lại kỳ vĩ, hoành tráng, thét gào dữ dội. Nhưng đẹp nhất trong các ngọn thác trên dòng Sêrêpốk là Đray Sáp và Đray Nur. Đray Sáp (huyện Krông Nô, Đắk Nông) có nghĩa là thác Khói; bởi nước từ trên cao đổ xuống dữ dội, khiến bụi nước bay lên mù mịt như khói, tỏa mát cả một vùng rừng rộng lớn; giữa mùa khô dù ở đâu nóng nực, nhưng vào đây vẫn thấy mát lạnh thịt da.
Còn Đay Nur (huyện Krông Na, Đắk Lắk) có chiều cao ngọn thác hơn 20m, trải rộng gần 100m, trông xa như cái mành nước khổng lồ. Sáng, chiều trên ngọn thác này, khi mắt trời chênh chếch rọi vào, hiện lên những chiếc cầu vồng lung linh bảy sắc, đẹp đến ngơ ngẩn hồn người.
Mỗi ngọn thác ở đây đều gắn với một huyền thoại hấp dẫn. Nhưng hấp dẫn nhất là huyền thoại về nguồn gốc thác Đray H’Linh (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột). Người Ê đê ở đây kể rằng, thuở ấy có chàng trai tên là Y Dông mặt vuông, trán rộng, khỏe và nhanh như hổ. Chàng yêu cô gái ở cùng buôn là H’Linh, có khuôn mặt đẹp như bông hoa mới nở, mắt long lanh như hai hạt sương mai... Hai người yêu nhau say đắm, nhưng vì cha mẹ hai bên đều nghèo, không có đủ trâu, bò, lợn, gà... để làm đám cưới mời dân làng theo phong tục, nên cha mẹ hai bên và già làng không cho họ lấy nhau. Y Dông quyết chí ra đi tìm cách làm ra nhiều của cải. H’Linh đợi Y Dông ba mùa rẫy, không thấy chàng quay về liền đi tìm. Nàng đi qua mấy trăm buôn làng, mấy trăm ngọn núi cao, đi mãi, đi mãi... tới một ngày gặp sông Sêrêpốk, nàng cất tiếng gọi người yêu vang vọng cả trời xanh. Không có tiếng trả lời. Tuyệt vọng, H’Linh gieo mình xuống dòng Sêrêpốk. Còn Y Dông nuôi mộng làm giàu, nhưng thất bại, đành quay về làng. Nghe tin H’Linh đã đi tìm mình, Y Dông liền tức tốc đuổi theo. Đến bờ sông Sêrêpốk, hay tin nàng đã tuyệt vọng, gieo mình xuống khúc sông này, Y Dông vô cùng đau xót. Chàng liền nhảy xuống sông và thấy H’Linh đã nằm chết trên tảng đá trắng. Chàng ôm lấy nàng than khóc và cùng chết với nàng dưới đáy sông. Cảm thương mối tình thủy chung, thần Sông đã hóa phép, biến xác của hai người thành một ghềnh đá lớn, nổi cao trên mặt nước, chắn ngang dòng sông. Ghềnh đá ấy đã tạo nên Đray H’Linh…
Các thác nước trên sông Sêrêpốk cũng là nơi có nhiều cá mõm trâu (anh vũ) - một loài cá có miệng xòe như mõm trâu rất chắc khỏe, có thể bám vào các tảng đá dưới chân thác, dù nước dội mạnh, chảy xiết. Nó được xem là “đệ nhất cá” ở Tây Nguyên, bởi cái mõm toàn sụn, ăn sần sật, giòn tan, còn thịt thì thơm, béo, ngọt, nướng trên than hồng chấm muối ớt, hoặc nấu lẩu măng chua/ me chua/ lá giang, ai đã ăn một lần thì nhớ suốt đời. Ngoài cá mõm trâu, còn có rất nhiều cá lăng, cá leo, cá rô cờ cũng là những loài cá đặc sản tuyệt vời của Sêrêpốk mà sự ngon của nó so với mõm trâu chỉ một chín một mười.
Nhờ Sêrêpốk cho nước, cá tôm, nhờ hai bên bờ sông là rừng cây cho bao thứ sản vật, nên bao đời nay người Ê đê, M’Nông đã chọn những nơi thuận lợi nhất bên sông xây dựng buôn làng. Họ quần tụ nhau thành một cộng đồng với rất nhiều phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo. Phát triển nhất là Bản Đôn, ngày xưa từng là nơi tụ hội sầm uất, nơi giao thương giữa người dân ba nước Việt - Lào - Miên. Người Lào cưỡi voi băng rừng đến đây. Người Miên đi thuyền ngược dòng Sêrêpốk lên. Họ đến Bản Đôn để trao đổi vải vóc, mắm muối, các lâm sản quý, mua bán voi. Năm 1987, tôi đã có cả một mùa khô ở đây và được thấy rất nhiều lễ cúng: Lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, cầu mùa, lễ cưới cho voi... Đặc biệt nhất ở đây là các lễ cúng liên quan đến thần Ngoách Ngoan (N’guăch N’goal) - vị thần cai quản loài voi. Bởi nhiều người ở Bản Đôn sống bằng nghề săn bắn thuần dưỡng voi, xưa họ từng làm giàu bằng nghề này, nên thần Ngoách Ngoan được người Bản Đôn coi trọng nhất, họ có câu ca: “Thần chiêng chỉ to bằng chiếc rìu/ Thần ché chỉ to bằng ngón tay/ Thần voi to bằng núi cao”
Cũng vì con voi, thần voi là quan trọng nhất, quý giá nhất, nên ở Bản Đôn những ai săn được nhiều voi được dân làng nể phục tôn sùng là “Vua”. Nổi tiếng nhất là “Vua” săn voi Y Thu Knul (Khunjunob) từng săn được 498 con voi. “Vua” săn voi Ama Kông, từng săn được 297 con... Cũng nhờ săn được nhiều voi mà ở đây có hội đua voi độc nhất vô nhị trên thế giới
Đến bây giờ thì những cảnh đẹp của thác nước, rừng cây bên sông Sêrêpốk đã giảm nhiều do nạn phá rừng khốc liệt mấy chục năm qua, do thủy điện chặn dòng tích nước, khiến nhiều cánh rừng trơ trụi, sông vơi nước, thác cũng vơi dòng. Nhưng Sêrêpốk vẫn là cô gái đẹp có cá tính so với nhiều dòng sông khác. Các thác nước vẫn ngày đêm tuôn chảy, tung vào trời đất “tiếng ồn trắng” mê mẩn tai, mắt bao người. Vẫn còn đó những khúc sông bình lặng, như gương trời soi bóng nhân gian. Văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc dẫu bị mai một, phai nhạt không ít, do văn hóa ngoại lai xâm lấn, nhưng vẫn còn nhiều, nhiều lắm những thứ thuộc về bản chất văn hóa của các tộc người không thể phai nhạt.
Vì thế, ngành du lịch ở Đắk Lắk vẫn có thể tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, như: Thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng/ hùng vĩ của các thác nước; chèo thuyền kayak mạo hiểm vượt thác vào mùa mưa; đi thuyền độc mộc dọc sông ngắm vẻ đẹp của sông, của rừng; vào Vườn quốc gia Yok Đôn xem thú, xem cây, ngủ lại trong rừng; ghé thăm các buôn làng ven sông, cùng hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa của họ... Chẳng hạn ở Bản Đôn du khách có thể được xem voi, xem nhà sàn cổ của “vua voi” Y Thu, xem khu lăng mộ với rất nhiều tượng nhà mồ kỳ lạ, xem biểu diễn săn bắt voi và các lễ cúng, thưởng thức các món ăn như cơm lam, gà bản địa nướng than... Ở Hòa Phú (Buôn Ma Thuột) sau khi chơi thác Đray Nur, Đray H’Linh, nghe kể về sự tích các thác nước, du khách sẽ được thưởng thức món cá lăng, cá leo nướng, hoặc làm lẩu lá giang/ măng rừng tuyệt hảo...
Bấy lâu nay các đơn vị du lịch trên địa bàn Đắk Lắk cũng đã tổ chức được một số sản phẩm du lịch kể trên, nhưng chỉ mang tính đơn lẻ từng sản phẩm, mạnh ai người ấy làm, chưa phối hợp tốt giữa các đơn vị du lịch để tạo thành chuỗi liên kết, thu hút du khách kéo dài hành trình, dùng nhiều sản phẩm tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hoạt động quảng bá du lịch của địa phương cũng còn mờ nhạt, chưa tạo được sức hấp dẫn, ấn tượng với du khách. Khách phương xa chưa hiểu nhiều, biết nhiều về các sản phẩm du lịch của Đắk Lắk. Vì thế hiệu quả từ hoạt động du lịch của tỉnh chưa cao. Năm 2023 cả tỉnh chỉ đón được 1,16 triệu lượt khách du lịch, doanh thu chỉ 925 tỷ đồng - một số quá nhỏ so với tiềm năng.
Muốn ngành du lịch của Đắk Lắk bùng nổ, không bỏ phí tài nguyên, đạt hiệu quả cao, thì việc liên kết giữa các đơn vị du lịch nhỏ lẻ hiện nay để tạo ra một chuỗi các sản phẩm đặc trưng không đâu có, gây ấn tượng mạnh với du khách, để khách đến rồi, thưởng thức rồi, vẫn muốn quay lại, là điều cần thiết mà Đắk Lắk phải hành động ngay.
Đặng Bá Tiến
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.