Ở Nghệ An trong những năm gần đây xuất hiện nhiều cá nhân tổ chức môi giới, buôn bán bất động sản (BĐS) làm cho thị trường từ thành phố Vinh đến vùng ven như huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò... trở nên rất sôi động. Giá đất ở khu vực này được đẩy lên rất cao so với thực tế.
"Cò đất" ở khắp quán cà phê
Buổi sáng lúc 8h, tại quán cà phê S., TP Vinh, mọi người chỉ cần ngồi ở một bàn uống nước bất kỳ, có thể dễ dàng bắt gặp những nam thanh nữ tú đang bàn về buôn bán đất. Khi một người cung cấp thông tin về thửa đất thì lập tức cả nhóm đăng tin lên mạng xã hội, kêu gọi và mời chào.
Anh Đức, một người đi mua đất với ý định để xây nhà, anh mua được mảnh đất 2 năm trước giá 7 triệu/m2 ở xã Nghi Ân (TP Vinh) nhưng chưa đủ tiền làm nhà. Gần 1 năm sau, nhiều người hỏi mua để bán lại, được giá anh bán thửa đất gần 200m2 thu lời hơn 1 tỷ đồng. Từ đây, anh Đức thấy việc tham gia buôn bán, chuyển nhượng bất động sản đã mang lại khoản thu nhập lớn cho gia đình.
“Giao dịch thửa đất cũng tại quán cà phê, đến khi bàn giao và chuyển nhượng lại cho người khác cũng ở quán. Giờ tôi thấy việc buôn bán một vài miếng đất để kiếm tiền cũng không phải là quá khó. Từ một mình tôi giờ nhóm có thêm 5 anh, chị em cùng tham gia. Có miếng đất mình chỉ cần giới thiệu người này đến mua thì đã được 1% hoa hồng từ gia chủ có tài sản” – anh Đức chia sẻ về việc tận dụng thời gian nhàn rỗi để buôn đất.
Quán cà phê nào ở TP Vinh cũng xuất hiện người buôn bán, giao dịch bất động sản |
Cũng theo anh Đức và nhóm kinh doanh, ở Nghệ An thời điểm này không chỉ dân chuyện nghiệp về BĐS mới tham gia kinh doanh, môi giới nhà đất mà rất nhiều người là bác sĩ, giáo viên, cán bộ công nhân viên chức cũng tranh thủ thời gian rỗi để rao bán đất qua mạng xã hội. Những thành phần này tham gia vào “cuộc chơi” với BĐS phần nhiều phát sinh từ sự mua đi bán lại và rất nhanh chóng có lãi lớn.
Cả nhóm mới trở về TP Vinh sau hơn 20 ngày có mặt tại Quảng Bình. Anh Phan Thế Danh -một người trong nhóm buôn đất cho biết, nhiều người buôn bán ô tô, doanh nghiệp, cá nhân đều đổ xô đi buôn bán đất. Vùng đất diễn ra mua đi, bán lại sôi động ở xã Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Đức, Nghi Kim, Nghi Liên, thị xã Cửa Lò (Nghệ An).
Cả nhóm anh Danh đang bàn về đất Quảng Bình tại quán cà phê ở TP Vinh |
Quy hoạch từng khu đất ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình |
“Có những lô đất ở TP Vinh lúc đầu chỉ mua giá 3 triệu đồng/m2, đến khi bán lãi 19 triệu đồng/m2. Hoa hồng cho người giới thiệu mua đất hoặc bán được hưởng 1% giá trị bán ra. Ở Vinh có hàng trăm nhóm người đi buôn bán đất, nhiều thợ hồ, bảo vệ cũng bỏ nghề đi buôn đất. Không có tiền thì làm môi giới, sau khi có ít tiền thì vừa đầu tư vừa môi giới” – anh Danh chia sẻ.
Hàng chục nhóm người buôn đất đổ xô vào Quảng Bình
Anh Phan Thế Danh cho biết, thị trường BĐS ở Quảng Bình đang diễn ra rất sôi động, có hàng chục nhóm “cò đất” đang đổ bộ về thị xã Ba Đồn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đầu tư đều là người Nghệ An.
“Qua giới thiệu của nhiều nhóm buôn đất vào trước, chúng tôi vào đến nay trở về sau 20 ngày. Đây là huyện mới thành lập nên có nhiều khu đất đấu giá cho cán bộ công nhân viên ở, đất tái định cư và đất ở cho công nhân khu công nghiệp như: Bàu Sen; có hạ tầng đường rộng từ 36-42m thông thoáng thu hút người xem” – anh Danh thông tin.
Khu hành chính ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình... |
Gần đó là sàn bất động sản |
Theo anh Danh, cơ sở hạ tầng đường, điện đầy đủ nên người bán và mua đất diễn ra tấp nập, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Buổi sáng mua lô đất hơn 1,2 tỷ đồng nhưng ngày mai đã bán lời lên 1,3 tỷ đồng. Mỗi miếng đất bán trao tay lãi ít nhất từ 30-50 triệu đồng và miếng lớn lãi đến 100 – 200 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Văn Hưng, quê Nam Đàn (Nghệ An) mới trở về từ Quảng Bình cho biết, mặt bằng chung về thị trường BĐS cả nước đang diễn ra “rất nóng”. Trong đó, Nghệ An mặt bằng chung là cao bậc nhất cả nước.
“Người người, nhà nhà đổ xô đầu tư đi buôn đất. Người mua đất ở thật sự rất ít nhưng người đi mua đầu tư kiếm lời thì rất nhiều. Trước tình hình giá xăng dầu, tài chính trên thế giới đang lạm phát nên người dân có tiền đã đầu tư vào đất kiếm lời” – anh Hưng cho biết.
Có hàng chục nhóm người từ Nghệ An và Quảng Bình đầu tư bất động sản |
Cũng theo anh Hưng, sau khi vào Quảng Bình tìm hiểu thị trường, lý do nơi này trở nên sôi động là do cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, tạo tầm nhìn cho nhà đầu tư hoặc người dân mua ở đều rất thoải mái, tự tin khi xuống tiền sở hữu lô đất.
Người mua bán đất trao tay hoạt động không kể ngày đêm |
“Người Nghệ An đang vào địa phương này đầu tư chiếm khoảng 45% trong hoạt động buôn bán bất động sản. Có một đại gia tên M. ở thị xã Cửa Lò vào Quảng Bình mua một lúc 82 lô đất. Bình quân mỗi lô đất ở đây dao động từ 1,2 – 2,5 tỷ đồng. Ông M. là người đứng đầu nhưng sau đó là rất nhiều cổ đông khác” – anh Hưng cho hay.
Cả nhóm còn kể rằng, ban đầu chỉ nghĩ vào Quảng Bình đi chơi và tìm hiểu vài ngày là trở về. Thế nhưng, khi vào đó nhận thấy thị trường quá sôi động nên ở lại 20 ngày. Bình quân nhóm của anh Danh giao dịch mỗi ngày một lô đất.
“Mua lô đất gặp người chủ đầu tiên thì có thể lời từ 100 – 150 triệu đồng. Nhóm của chúng tôi đang còn hơn 10 lô chưa bán và đang chờ ghim hàng lại. Ban đầu mình tìm nguồn gốc đất chính chủ, sau đó tìm đến sàn có uy tín ở địa phương để viết giấy đặt cọc và uỷ quyền. Đặt cọc càng kéo dài thì lợi nhuận càng cao và tránh được rủi ro” – anh Danh và những người trong nhóm bộc bạch.
'Cò' đất khuấy động làng quê Hà Tĩnh, vài ngày lại 'bay sạch'
Các dự án mới chỉ trên giấy, các nhóm “cò" đất đã kéo theo từng tốp tập trung về các vùng quê Hà Tĩnh tạo sóng. Tuy nhiên “cò” chỉ vây kín một vài ngày rồi lại kéo đến vùng quê khác.
Quốc Huy