
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trao quyết định cho phép Tập đoàn SpaceX triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam.
Theo Quyết định số 659 ngày 23/3 của Thủ tướng Chính phủ, SpaceX – đơn vị cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink – được phép triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp trong phạm vi toàn quốc.
Để triển khai dịch vụ, SpaceX sẽ phải thực hiện các thủ tục xin giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông và giấy phép tần số tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bắt buộc phải thành lập một công ty tại Việt Nam để được cấp phép kinh doanh.
Thời gian thí điểm sẽ kéo dài tối đa 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp do SpaceX thành lập tại Việt Nam được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, và kết thúc trước ngày 1/1/2031.
Quyết định của Thủ tướng cũng đưa ra một loạt điều kiện bắt buộc mà SpaceX và doanh nghiệp tại Việt Nam phải tuân thủ, bao gồm: loại hình dịch vụ được phép cung cấp, phạm vi hoạt động, số lượng thuê bao tối đa, tần số sử dụng, cùng các yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến quốc phòng và an ninh.
Các dịch vụ được phép triển khai bao gồm dịch vụ cố định vệ tinh (truy cập Internet, thuê kênh riêng cho trạm phát sóng di động) và dịch vụ di động vệ tinh (truy cập Internet trên biển và trên máy bay). Số thuê bao tối đa trong giai đoạn thí điểm là 600.000, bao gồm cả thuê bao trực tiếp của doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông bán lại dịch vụ.
SpaceX – công ty do tỷ phú Elon Musk sáng lập – dự kiến đầu tư 1,5 tỷ USD để triển khai dịch vụ Starlink tại Việt Nam, nhằm mang kết nối Internet băng rộng đến toàn lãnh thổ, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo – nơi hạ tầng viễn thông truyền thống còn hạn chế.
Bình luận về quyết định này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam – nhận định đây là một tín hiệu tích cực cho hạ tầng Internet quốc gia, giúp đa dạng hóa lựa chọn kết nối băng rộng, đặc biệt ở những khu vực chưa có cáp quang.
Dù Việt Nam hiện nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN về tỷ lệ người dân sử dụng Internet, vẫn còn nhiều khu vực chưa có kết nối băng rộng.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông, mạng di động đã phủ sóng 99,8% dân số nhưng mới chỉ bao phủ khoảng 58% diện tích đất liền và 14,5% tổng diện tích lãnh thổ (bao gồm cả biển).
Hiện vẫn còn khoảng 17% hộ gia đình chưa sử dụng cáp quang, phần lớn tập trung ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, việc đưa dịch vụ Internet vệ tinh Starlink vào thí điểm sẽ góp phần thu hẹp "khoảng cách số", tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho mọi người dân trên cả nước, đặc biệt là tại các khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận với hạ tầng băng rộng cố định hoặc mạng 4G, 5G.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Starlink tại Việt Nam vẫn chưa được công bố. Ở các thị trường khác, mức giá dịch vụ của Starlink khá cao – khoảng 99 USD/tháng (tương đương 2,4 triệu đồng), chưa bao gồm chi phí thiết bị.
Trong khi đó, giá cước Internet cáp quang tại Việt Nam chỉ dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng/tháng. Thêm vào đó, do có độ trễ cao hơn cáp quang và bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, Starlink khó có thể thay thế hoàn toàn hạ tầng truyền thống.