Được chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của Marvel, Spider-Man: Homecoming là bộ phim điện ảnh thứ 7 có sự góp mặt của nhân vật mang tính văn hóa đại chúng này. Spider-Man: Homecoming được đạo diễn bởi Jon Watts – một đạo diễn ít tên tuổi, đúng như những gì Marvel đã từng làm với hết thảy những bộ phim của họ.
Bộ phim có kinh phí 175 triệu Đô La, được hợp tác sản xuất bởi Marvel Studios và Sony Pictures. Tuy nhiên, mọi doanh thu từ tiền bán vé đều thuộc về phía Sony. Đây là lần thứ 2 Spider-Man xuất hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (ra mắt lần đầu trong Captain America: Civil War). Theo Marvel Studios thông báo, Người Nhện của Tom Holland sẽ xuất hiện ít nhất 5 bộ phim trong Vũ trụ điện ảnh Marvel. Như vậy, Tom sẽ còn xuất hiện trong Avengers: Infinity War, một bộ phim Avengers chưa đặt tên và Homecoming 2.
Lấy bối cảnh sau khi cuộc chiến tại sân bay Đức, Peter Parker/Spider-Man (Tom Holland) trở về Queens, New York để làm "Người hàng xóm thân thiện" tại nơi này. Trong khi đó Adrian Toomes/Vulture (Michael Keaton) – phản diện chính của phim, kẻ từng bị Tony Stark "ruồng bỏ" nên ôm hận và cướp lấy những thứ của người ngoài hành tinh để lại và chế tạo ra những thứ vũ khí chết người. Muốn được chứng tỏ bản thân trước Tony Stark, Peter Parker cố ý phá bỏ mọi nguyên tắc mà Tony đã đặt ra và gây ra nhiều rắc rối.
Kết hợp giữa thể loại siêu anh hùng và tình cảm học đường
Trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, nếu khán giả để ý theo dõi thì sẽ phát hiện ra rằng mỗi loạt phim sẽ mang một hơi hướng hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn như Iron Man là phim về công nghệ viễn tưởng, cháy nổ đã mắt; Captain America là phim hành động võ thuật, Ant-Man là tình cảm gia đình, Thor là thần thoại,… Còn Spider-Man: Homecoming là phim học đường.
Cô bé kì quái Michelle (Zendaya), hot girl của trường Lizz (Laura Harrier), cậu bạn thân mọt sách Ned (Batalon), ông giáo viên khù khờ Mr. Harrington (Martin Starr) và không thể quên được tên bắt nạt Flash (Tony Revolori). Các nhân vật kết hợp lại xây dựng nên một bộ phim đúng chất học đường với những những mối tình tuổi học trò, tình bạn gắn kết, những buổi tiệc tại gia nhộn nhịp…
Việc xây dựng Spider-Man: Homecoming thành phim học đường là ý tưởng xuất sắc, vì 2 loạt phim trước của đạo diễn Marc Webb và Sam Raimi vẫn lấy bối cảnh trường học nhưng quá tập trung vào đào sâu tâm lý nhân vật và hành động mà quên đi rằng Peter Parker là một cậu học sinh trung học.
Hành động không kém cạnh bất cứ phim siêu anh hùng nào
Bên cạnh đó, Spider-Man: Homecoming mang đến cho khán giả rất nhiều cảnh hàng động đã mắt. Chẳng hạn như Spidey cứu chuyến phà Stalen Island và chiến đấu với băng đảng Vulture; hay Spidey giải cứu bạn mình trong tòa tháp Washington Monument. Đảm bảo rằng, khán giả sẽ rất mãn nhãn khi cùng "Nhện con" giải quyết những vấn đề trên.
Cuộc chiến của một đứa trẻ 15 tuổi so với những siêu anh hùng đầy kinh nghiệm kia đương nhiên là có nhiều khác biệt. Một Spider-Man non nớt trong chiến đấu, mất phương hướng khi sự việc trở nên quá kinh khủng… đó là những điều mà các phiên bản Spider-Man trước đây chưa làm được. Phiên bản của Marc Webb hay Sam Raimi, Spider-Man đều khá thành thục trong chiến đấu và giải quyết vấn đề ngay từ những lần đầu tiên. Còn với Homecoming thì không, Spidey đã phải trày da tróc vẩy mới hoàn thành được nhiệm vụ, đã vậy còn bị ông chú Tony đòi lại bộ đồ nữa chứ!
Siêu phản diện được xây dựng tốt
Arian Toomes/Vulture (Michael Keaton), hắn là phản diện tồi tệ nhất từ trước đến nay từng xuất hiện trong Vũ trụ điện ảnh Marvel. Sau khi bị "mất thầu" dọn dẹp vệ sinh thành phố sau khi chiến trận xảy ra, Toomes cùng với nhóm của hắn quyết định trở thành tội phạm, ăn cắp những vũ khí công nghệ cao và bán lại cho bọn tội phạm.
Nhân vật Arian Toomes không có mục đích cao cả, không muốn chiếm lấy thế giới hay bá chủ một phương; cái hắn muốn chỉ là tiền, và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ như giết đồng đội của mình để đạt được mục đích. Vulture cũng là một kẻ rất tinh ranh, tinh ranh hơn bất kì kẻ thù nào của Spider-Man trước đây. Chỉ cần qua 1 vài màn đối thoại, Vulture như đã nhìn thấu cả tâm can của Spidey.
Marvel rất cần những phản diện như thế này, cần phải cho thế giới thấy rằng phản diện không chỉ là những tên sừng sỏ có sức mạnh vô biên và muốn chiếm cả thế giới. Mà phản diện là kẻ mà sẵn sàng làm tất cả mọi thứ vì đồng tiền, vì gia đình mình. Nếu muốn so sánh, Vulture có thể ngang hàng với Kingpin của loạt phim Daredevil của Marvel Studios trên Netflix.
Tom Holland, người nhện mà chúng ta mong đợi
Giống như bao phiên bản trước đây, Spider-Man khi mới tập trành trở thành siêu anh hùng là một cậu học sinh trung học. Nhưng đem so với các phiên bản Spider-Man trước đây, thì có vẻ Tom Holland ra dáng một cậu học sinh hơn. Mọi phiên bản trước xây dựng hình tượng nhân vật Peter Parker quá trưởng thành, không phù hợp lắm đối với một học sinh cấp 3.
Spider-man trong Homecoming thiếu kinh nghiệm, thiếu cả trách nhiệm với bản thân. Như trong trailer, Peter đã nói với Tony Stark rằng: "Cháu sẽ chẳng là gì nếu không có bộ đồ này". Tony đáp trả: "Nếu cháu không là gì khi không có nó thì cháu không nên giữ nó". Phân đoạn này khiến khán giả gợi nhớ đến cảnh Steve Rogers hỏi Tony Stark trong The Avengers: "Cởi bộ giáp ấy ra, anh là ai?" Tony nói: "Thiên tài, tỉ phú, tay chơi, nhà từ thiện". Tony nhìn vào Peter và thấy chính mình trong ấy, Tony đang chỉ dạy Peter, muốn cậu phát triển bản thân của mình về mọi mặt, muốn Peter biết gánh vác trách nhiệm đối với bản thân mình.
Kết luận
Spider-Man: Homecoming là bộ phim siêu anh hùng tuổi teen xuất sắc. Mọi người sẽ không phải mắt chứ A mồm chữ O khi xem phim vì nó quá hoành tráng, quá mãn nhãn. Nhưng khán giả sẽ cảm thấy thỏa mãn vì được chứng kiến một Spider-Man mà mọi người chờ đợi bấy lâu nay. Một Spider-Man góp nhặt được những cái tốt của 2 phiên bản trước cộng thêm những điểm mới và tạo ra phiên bản hoàn hảo.
Spider-Man: Homcoming được ra rạp vào ngày 7/7/2017.
Theo GameK