Theo Reuters, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe giữ vai trò quyền tổng thống sau khi Không quân Sri Lanka xác nhận vợ chồng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời bỏ đất nước đến Maldives hôm nay (13/7), vài giờ trước khi ông dự kiến phải từ chức.
Ông Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp giữa lúc hàng trăm người biểu tình vây hãm văn phòng làm việc của ông ở thủ đô Colombo, cố gắng leo rào, qua mặt lực lượng cảnh sát chống bạo động để đột nhập vào bên trong tòa nhà. Cảnh sát đã bắn nhiều loạt đạn hơi cay nhằm giải tán đám đông, trong khi một trực thăng quân sự quần đảo trên đầu.
"Với vai trò quyền tổng thống, thủ tướng đã ban bố tình trạng khẩn cấp khắp toàn quốc và áp lệnh giới nghiêm ở tỉnh miền tây", Dinouk Colombage, thư ký báo chí của ông Wickremesinghe cho biết.
Tỉnh miền tây bao gồm cả thủ đô Colombo. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức.
Khi tin tức về sự trốn chạy của tổng thống lan truyền, hàng nghìn người đã tụ tập tại địa điểm biểu tình chính ở Colombo, hô vang các khẩu hiệu "Gota tên trộm", ám chỉ biệt danh của ông Rajapaksa. Một nguồn tin chính phủ cũng như một người thân cận với Tổng thống Rajapaksa nói ông đang ở Male, Maldives và nhiều khả năng tiếp tục di chuyển tới một quốc gia châu Á khác.
Trước đó, ông Rajapaksa thông báo sẽ từ chức ngày 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực trong hòa bình" khi các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng. Ông được cho là ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị bắt giam.
Theo một số nguồn tin, các thành viên chủ chốt của đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền đã nhóm họp tối 12/7, thống nhất rằng ông Wickremesinghe sẽ thay thế Tổng thống Rajapaksa sau khi chính khách này từ chức. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena khẳng định vẫn chưa nhận được đơn từ chức của ông Rajapaksa. Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20/7.
Giới phân tích nhận định, rối loạn chính trị hiện nay có khả năng làm trầm trọng hơn nữa những nỗ lực nhằm giúp Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua. Gia tộc Rajapaksa cùng các đồng minh bị cáo buộc đã đưa ra những chính sách sai lầm, đẩy quốc đảo đến tình trạng này.
Do thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, quốc gia Nam Á hiện không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và dược phẩm. Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài suốt nhiều tháng và lên đỉnh điểm cuối tuần trước, khi hàng trăm nghìn người chiếm quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ ở Colombo, tràn vào dinh tổng thống.
Trước làn sóng phẫn nộ dâng cao của người dân, Thủ tướng Wickremesinghe cũng tuyên bố sẵn sàng từ chức nhằm mở đường cho một chính phủ đoàn kết dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Tuấn Anh