Sau khi được cấp phép hoạt động tại Philippines, Starlink của SpaceX cũng có kế hoạch mở rộng dịch vụ sang các nước khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Myanmar vào năm 2023.
Giải pháp Internet ổn định, tốc độ cao
Dịch vụ vệ tinh rõ ràng có nhiều lợi thế tại khu vực địa lý có nhiều biển đảo. Đông Nam Á là một khu vực như vậy. Chỉ riêng Philippines đã có hơn 7.100 đảo lớn nhỏ, trong khi Indonesia là hơn 16.000. Nhiều đảo và khu vực cách xa thành phố lớn không được tiếp cận truy cập Internet, các vệ tinh sẽ cung cấp giải pháp dễ dàng hơn so với cáp ngầm dưới biển.
Các vệ tinh cũng cải thiện trải nghiệm Internet cho khách hàng. Dịch vụ của Starlink có tốc độ tải (download) từ 100 – 200 megabit/giây, nhanh hơn nhiều so với tốc độ thông thường trong khu vực. Có được điều này là do vệ tinh Starlink có quỹ đạo thấp, chỉ từ 500 km đến 2.000 km, so với gần 36.000 km của vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh.
Người dân Đông Nam Á cũng dành nhiều thời gian trực tuyến. Theo công ty nghiên cứu WeAreSocial, thời lượng sử dụng Internet trung bình hàng ngày tại Philippines là hơn 10 tiếng, 8,5 tiếng tại Indonesia, cao hơn mức trung bình thế giới (7 tiếng).
Về tốc độ tải trên thiết bị di động, tính đến tháng 4, Indonesia xếp thứ 100 với 17,96 Mbps, Philippines đứng thứ 95 với 19,45 Mbps trong tổng số 142 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Philippines đang tích cực thu hút các nhà cung cấp dịch vụ Internet, từng bước hoàn chỉnh hành lang pháp lý để các công ty nước ngoài tham gia thị trường dễ dàng hơn.
“Hệ thống của công ty nước ngoài sẽ tăng cường cũng như nâng cao năng lực băng thông sẵn có”, Ramon Lopez, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Philippine cho biết. “Điều này sẽ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thúc đẩy học trực tuyến, thương mại điện tử và tài chính công nghệ”.
Thị trường nóng lên, cuộc đua bắt đầu
Các công ty khác cũng không đứng yên trước một thị trường tiềm năng như vậy. Gã khổng lồ viễn thông Philippine PLDT cho biết đã thử nghiệm thành công kết nối băng thông rộng tốc độ cao trên quỹ đạo bằng vệ tinh Telesat của Canada. Vệ tinh này cũng có quỹ đạo thấp tương tự như của Starlink.
Globe Telecom, một nhà cung cấp Internet khác, đã ký bản ghi nhớ cung cấp dịch vụ tại Philippines với nhà điều hành vệ tinh Mỹ AST SpaceMobile.
Trong khi đó, tập đoàn Sky Perfect JSAT của Nhật đã bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Philippines phục vụ hoạt động giám sát từ xa các tuabin gió ở miền bắc nước này. Công ty khởi nghiệp Kacific trụ sở tại Singapore ký thoả thuận vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 50 triệu USD để triển khai một dự án vệ tinh truyền thông.
Dù vậy, chi phí vẫn sẽ là một trở ngại với người dùng. Starlink cung cấp các gói dịch vụ từ 110 USD hoặc 500 USD/tháng, trong bối cảnh một số gói cước tại Philippines chỉ khoảng 300 peso (5,67 USD) hoặc thấp hơn cho 24 GB dữ liệu trong 30 ngày.
Do đó, dự kiến ban đầu chỉ có các công ty tại vùng sâu vùng xa, cũng như cơ quan chính phủ, quân đội và các cơ quan truyền thông sử dụng dịch vụ này như một phương án dự phòng khẩn cấp. Những dịch vụ như vậy chỉ có thể đạt độ bao phủ rộng tới khách hàng bình dân khi có thêm nhiều công ty tham gia vào thị trường và tạo ra sự cạnh tranh về giá.
Trong khi đó, bối cảnh địa chính trị tại khu vực Đông Nam Á cũng tạo ra nhu cầu liên lạc qua vệ tinh. Philippines và Việt Nam đều là các bên đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trên Biển Đông. Trong trường hợp đường truyền bằng cáp bị đứt, Internet vệ tinh có thể là một giải pháp truy cập thay thế.
Hiệu quả của các vệ tinh Starlink đã được chứng minh trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, khi dịch vụ của SpaceX đã giúp chính phủ Kiev duy trì truy cập Internet tại các khu vực chiến sự.
Trong khi đó, Trung Quốc đang có thái độ thận trọng với Starlink. Tờ Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin giới nghiên cứu Bắc Kinh đang kêu gọi vô hiệu hoá hoặc phá huỷ các vệ tinh này trong trường hợp chúng tạo ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Vinh Ngô (Theo Nikkei Asia)