Nhìn lại quá trình phát triển các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới cho thấy, nhiều startup công nghệ đã thành công và phát triển lớn mạnh như Dropbox, Airbnb, WhatsApp, Groupon và Pinterest. Họ đều được thành lập trong hoặc chỉ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đặc biệt, Taobao của Alibaba đã được khởi nghiệp, thành lập giữa đợt bùng phát dịch SARS ở Trung Quốc năm 2003.

Đến hai năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra những quy tắc và chuẩn mực mới nhằm tái thiết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp duy trì nền kinh tế. Trong đó, startup đóng vai trò như động lực chính cho sự tăng trưởng, tạo cơ hội việc làm, và là chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế đổi mới. 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP và 50% việc làm.

{keywords}
Nhiều cơ hội cho startup trong mùa dịch. Ảnh chụp gian hàng trưng bày sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp Việt Nam 2019

Nói vậy để thấy, thật đáng mừng khi năm qua được xem là năm thành công của các startup Việt giữa cơn bão đại dịch.

“Người mới đến” vững vàng trước thử thách

Tháng 5/2020, OnPoint - nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử đã gọi vốn thành công 8 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A. Khoản tài trợ mới đó sẽ giúp OnPoint phát triển các giải pháp thương mại điện tử sáng tạo.

Được thành lập năm 2017, Onpoint là công ty cung cấp các giải pháp dịch vụ trọn gói cho phép các thương hiệu đẩy mạnh sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội hoặc thông qua trang web bán hàng riêng của các thương hiệu đó, từ đó tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

Khoản tài trợ mới 8 triệu USD đã nâng tổng số vốn OnPoint huy động thành công lên 8 con số, hỗ trợ và thúc đẩy công ty đầu tư phát triển các công nghệ mang tính chiến lược, tuyển dụng thêm nhân tài, và phát triển năng lực phân tích dữ liệu để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các khách hàng.

Một startup Việt khác, Computer Vision Vietnam - chuyên cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính dành cho các công ty fintech cũng đã nhận được khoản đầu tư trị giá 500.000 USD từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100.tech vào tháng 8 năm ngoái.

Giải pháp của công ty startup này dựa trên công nghệ xử lý ảnh thông minh và trí tuệ nhân tạo, cung cấp giải pháp định danh, nhận diện khách hàng cho các công ty công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng. Công ty sở hữu tính năng trích xuất thông tin từ ảnh giúp công ty fintech tự động xử lý hồ sơ của khách hàng một cách nhanh chóng và hệ thống hơn.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều startup Việt năm 2020 đã gọi vốn thành công mặc dù dịch bệnh khiến nền kinh tế rất khó khăn.

Theo báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020” vừa phát hành, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019 nhưng chủ yếu là do sự vắng bóng của các vòng gọi vốn có giá trị đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước.

Báo cáo cũng chỉ ra, số lượng các khoản đầu tư năm 2020 giảm không đáng kể ở mức 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm - con số tương đương với cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II trở đi.

Nguồn vốn ổn định vào các startup giai đoạn đầu đặc biệt quan trọng. Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures ghi nhận hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa. 75% vốn đầu tư vào startup trong năm qua tại Việt Nam là do các quỹ này thực hiện. 

Đây là chỉ dấu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay.

Cụ thể, theo báo cáo, quy mô giao dịch trung bình của vòng Pre-A là 0,2 triệu USD/thương vụ (so với 0,4 triệu USD/thương vụ của năm 2019) và vòng series A là 1,4 triệu USD (3 triệu USD/thương vụ năm 2020). Quy mô giao dịch trung bình của vòng series B năm 2020 vọt lên 10 triệu USD/thương vụ, tăng đáng kể so với mức 6 triệu USD/thương vụ trong 2019.

“Khi các nhà đầu tư nước ngoài không tới được thì họ có hai giải pháp: chốt thương vụ online hoặc là thông qua hình thức đầu tư chung với các quỹ nội địa làm trung gian. Các quỹ nội địa với lợi thế có thể trực tiếp tiếp xúc với các startup, từ đó tham gia quá trình thẩm định chung với các quỹ đầu tư nước ngoài, giúp các công ty trong nước có thể gây quỹ trong thời gian xảy ra đại dịch", bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Do Ventures phân tích.

Bên cạnh đó, thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Internet.

{keywords}
Hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam năm qua được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa 

Một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi lượng vốn đổ vào các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) cũng đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau Covid-19.

Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư

Trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid-19, tuy số lượng nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ trong năm 2020 nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư.

Hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, trong khi số lượng nhà đầu tư đến từ Nhật Bản có giảm đáng kể.

Mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.

Đứng trước những làn sóng đầu tư vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với các startup Việt. Nhiều chuyên gia nhận định, quy mô startup tại thị trường Việt Nam tương đối nhỏ, trong khi các quỹ đầu tư lớn thường tập trung đầu tư từ vòng hạt giống trở lên với những yêu cầu về sản phẩm kiểm chứng thị trường nhất định.

Các startup Việt Nam mặc dù có lợi thế về ý tưởng và công nghệ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị phần. Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, kết nối, chưa có nhiều nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp dành cho việc phát triển và hỗ trợ các startup...

Hành lang pháp lý cho doanh nghiệp cũng đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp.

Đứng trước những cơ hội này, hi vọng startup Việt Nam, những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục vững vàng phát triển, là động lực cho sự tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động cũng là đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế.

Lan Anh

Khi cả thế giới bước vào kinh tế số, chúng ta không thể đứng ngoài

Khi cả thế giới bước vào kinh tế số, chúng ta không thể đứng ngoài

Báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế tại Đại hội Đảng 13 đặt ra mục tiêu kinh tế số đạt khoảng 20% GDP trong giai đoạn 2021-2025 và 30% GDP đến 2030.