Với niềm đam mê đọc sách, nhà sáng lập Tống Văn Huy đã phát triển ứng dụng có tên Reavol để phục vụ sở thích của mình. Tuy nhiên, khác với nhiều app đọc sách khác, Reavol lại mang đến một phong cách riêng khi tìm cách tối ưu hóa thời gian đọc sách cho người sử dụng.
Theo đó, app Reavol có khả năng rút ngắn thời gian đọc nhờ việc tóm tắt các nội dung. Người dùng của Reavol có thể tiết kiệm được tới 80% thời gian để đọc một cuốn sách.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, nhà sáng lập Tống Văn Huy cho biết, anh muốn lan tỏa văn hóa đọc vốn đang dần mai một trong cộng đồng. Ngoài ra, sự phát triển của ứng dụng này còn mở ra cơ hội mới cho những người làm sáng tạo nội dung (content creator) trên nền tảng do chính người Việt Nam phát triển.
Đến với Shark Tank, startup kêu gọi số vốn 23 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần của công ty. Quan trọng hơn cả, nhà sáng lập Reavol mong muốn có sự tham gia của các shark trong việc điều hành công việc.
Nói thêm về Reavol, nhà sáng lập Tống Văn Huy giải thích, ứng dụng này hoạt động trên cả 2 mô hình B2C và B2B. Trong đó, sàn thương mại điện tử sẽ là nơi bán các nội dung tóm tắt sách. Các tác giả sẽ đăng tác phẩm của mình lên nền tảng. Nhiệm vụ của đội ngũ vận hành Reavol là biên tập, kiểm duyệt chất lượng nội dung trước khi đưa nó đến người dùng.
Trước những lo ngại về bản quyền, nhóm phát triển Reavol cho biết, một cuốn sách có thể có tới 10 nội dung tóm tắt khác nhau. Mỗi bản tóm tắt này lại là một tác phẩm riêng với những cảm nhận riêng của chính tác giả.
Tuy vậy, Shark Hưng vẫn băn khoăn khi cho rằng việc dịch thuật hay review sách vì mục đích thương mại chính là tạo ra một “tác phẩm tái sinh”, điều này cần được sự cho phép của tác giả.
Theo đội ngũ phát triển sản phẩm, dù ứng dụng mới ra mắt được một năm, hoàn toàn chưa quảng cáo nhưng đã có 600.000 người sử dụng.
Tuy chỉ có 1% người dùng trả phí, doanh thu mà ứng dụng đạt được hiện ở mức 500 triệu đồng. Mức giá của ứng dụng này là 1,99 triệu đồng với gói trọn đời. Với gói 1 năm, số tiền người dùng phải trả là 999.000 đồng.
Trước những lo ngại về việc ứng dụng Reavol sẽ làm ảnh hưởng đến “văn hóa đọc”, nhà sáng lập Tống Văn Huy cho rằng, để đọc hết một cuốn sách đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Hoàn toàn có thể thu nhận nội dung từ cuốn sách đó ngay cả khi đang lái xe. Việc nghe tóm tắt sách cũng có ý nghĩa hơn nhiều thay vì cầm điện thoại để lướt TikTok.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, nhà sáng lập Mỹ Nga của Reavol cho biết, startup này đặt kế hoạch đến tháng 9/2023 sẽ có 2 triệu người dùng, đến năm 2024 là 5 triệu. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày startup lại có thêm 1.500 người đăng ký mới không tốn một khoản marketing nào.
Theo dự tính, trong trường hợp có 1,5 triệu người sử dụng, startup sẽ hoàn vốn và có tỷ suất lợi nhuận giai đoạn sau là 40%. Sau đó, mục tiêu của Reavol là trở thành công ty đại chúng và niêm yết lên thị trường chứng khoán.
Là “cá mập” duy nhất hứng thú với Reavol, Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch HĐQT Cen Group) đã ra giá 23 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần của startup. Tuy vậy, do không thỏa thuận được về % cổ phần, bộ đôi nhà sáng lập Reavol đã từ chối lời đề nghị của Shark Hưng và ra về.
Trọng Đạt