Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank mùa 5) vừa phát sóng số đầu tiên vào tối qua (5/6). Đây là show truyền hình thực tế, nơi các công ty khởi nghiệp xuất hiện trước công chúng và huy động vốn từ các nhà đầu tư.
Trong tập 1 của Shark Tank mùa 5 có sự xuất hiện của ba startup, gồm một dự án về du lịch và hai startup công nghệ. Đáng chú ý khi tại Shark Tank năm nay xuất hiện một mô hình kinh doanh khá đặc biệt, đó là tiệm kim hoàn 4.0 của startup HanaGold.
Theo giới thiệu của nữ sáng lập Ngô Thị Thảo (Hana Ngô), HanaGold là chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh.
Tại đây, người dùng có thể mua vàng tích lũy online chỉ từ 100.000 đồng và nhận vàng trực tiếp tại cửa hàng. HanaGold thành lập từ năm 2020 và đã có 3 cửa hàng. Startup này hiện có hơn 15.000 khách hàng sử dụng ứng dụng, trong đó khoảng 30% đã mua hàng.
Giải thích chi tiết hơn về mô hình của mình, Hana Ngô cho biết đây là hình thức đặt cọc mua vàng. HanaGold xây dựng website và ứng dụng điện thoại để khách hàng nạp tiền, mua vàng tích lũy chỉ từ 100.000 đồng. Khi nào đủ 1 chỉ vàng có thể ra tiệm vàng của HanaGold để nhận về vàng vật chất.
Trong phần trình bày trước các “cá mập” của chương trình, nữ CEO Hana Ngô cho biết, đây là dự án startup xuất phát từ mong muốn giúp người dân Việt Nam tích lũy vàng một cách dễ dàng hơn. Tại Shark Tank, Hana Ngô kêu gọi đầu tư 200.000 USD cho 10% cổ phần của dự án.
Do là mô hình kinh doanh mới, HanaGold là một trong những startup được đánh giá là đáng chờ đợi ở Shark Tank mùa 5. Tuy nhiên, sau màn thuyết trình, ứng dụng chuỗi tiệm kim hoàn 4.0 này lại không nhận được sự đầu tư của các shark.
Là người đầu tiên chốt deal, Shark Liên bày tỏ khá thích Hana Ngô, thế nhưng “cá mập” này cho rằng mô hình kinh doanh của startup có độ rủi ro cao. Chính vì thế bà không đầu tư cho startup.
Đồng quan điểm với Shark Liên, Shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư và khuyên startup nên xem lại mô hình của mình.
Với Shark Bình, ông cho rằng 4.0 hay công nghệ không phải là cây đũa thần và vẫn có những ngành kinh doanh không thay đổi được. Do không tin tưởng vào tương lai thành công của mô hình kinh doanh, ông quyết định không theo đuổi thương vụ này.
Trao đổi với VietNamNet sau khi rời Shark Tank, nữ CEO Hana Ngô cho biết: “Có thể hiểu, HanaGold là mô hình chuyển đổi số ngành kim hoàn, mua hàng online nhận hàng offline, dùng phương thức mua vàng tích lũy để thu hút trải nghiệm khách hàng”.
“Sản phẩm và dịch vụ của HanaGold là những trang sức thiết kế có bản quyền, đồng vàng mỹ nghệ, dịch vụ thiết kế gia công bộ sưu tập riêng độc bản cho khách hàng", cô chia sẻ.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, căn cứ pháp lý nào để HanaGold triển khai mô hình kinh doanh mua vàng tích lũy online như vậy, nữ CEO này cho biết, về bản chất mô hình kinh doanh của HanaGold chỉ là hoạt động mua bán vàng bình thường. Tuy nhiên, thay vì mua một số lượng lớn cùng lúc thì ứng dụng công nghệ của HanaGold cho phép người mua vàng có thể linh hoạt mua với số lượng nhỏ hơn.
Nữ CEO giải thích, ứng dụng của HanaGold sẽ giữ thay số vàng mà người mua đã mua, họ có thể lấy về bất kỳ lúc nào. Hoạt động này có thể hình dung như việc đi mua hàng nhưng nhờ người bán giữ hộ mà chưa lấy hàng, do đó không phải là hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.
Tuy phải rời Shark Tank mà không đạt được thỏa thuận với “cá mập” nào của chương trình, Hana Ngô cho biết sẽ không từ bỏ ước mơ và tiếp tục đưa startup mình tiến về phía trước.
Được biết, trong năm 2021, chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 của HanaGold từng đạt giải ba trong cuộc thi tìm kiếm tài tăng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Làng Fintech (Techfest 2021). Techfest là sự kiện thường niên dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức từ năm 2015 và hạng mục giải thưởng của làng Fintech là 1 nội dung trong sự kiện này.
Trọng Đạt