STEAM for Vietnam được anh khởi động ngay trong đại dịch Covid-19, khi mà tất cả các công ty công nghệ đều phải tìm cách chống chọi với đại dịch hoặc tận dụng cơ hội phát triển. Vì sao lúc đó anh lại muốn khởi động một chương trình xã hội thay vì dồn toàn lực cho Got It?
Thực ra thì mối quan tâm số 1 của mình vẫn là Got It thôi, công ty phải tồn tại và phát triển qua giai đoạn Covid-19 thì mới nói tới các câu chuyện khác được. Tuy nhiên, khi vận hành công ty trong giai đoạn đó thì mọi người tiết kiệm được rất nhiều thời gian vì 100% làm việc ở nhà (work from home) nên không phải đi lại, chưa kể không phải hội họp, đàn đúm…
Ở Mỹ hoặc các nước phương Tây, việc mỗi năm mọi người dành ra một chút thời gian làm việc thiện nguyện là điều rất bình thường. Trước đây, cũng như rất nhiều bạn tham gia dự án, mình dành thời gian đó cho việc quét trường cho trẻ con, đi sơn tường, làm nhà cho người vô gia cư…mỗi khi có cơ hội.
Vì dịch bệnh không ra ngoài được nên mình mới nghĩ sẽ làm cái gì khác cho cộng đồng từ thời gian rảnh tiết kiệm được do work from home. Thời điểm đó, tại Got It, mình chứng kiến giáo dục trực tuyến phát triển rất nhanh, và mình phát hiện, khi mọi hoạt động bị trì hoãn thì mọi người tập trung vào giáo dục rất nhiều.
Không chỉ mỗi mình mà nhiều người khác cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Ai cũng muốn làm một công việc thiện nguyện gì đó mặc dù không thể ra ngoài. Cho nên, ý tưởng sử dụng công nghệ để dạy học trực tuyến cho học sinh ở Việt Nam như một cơ hội do chính Covid-19 mang tới. Lúc đấy, mọi yếu tố giống như các mũi tên đều chỉ về một hướng nên mình đã nảy ra ý tưởng hiện thực hóa STEAM for Vietnam vốn đã được ấp ủ từ khá lâu trước đó.
Khi mình chia sẻ ý tưởng này với những bạn bè người Việt làm công nghệ ở Silicon Valley thì hầu như ai cũng giơ tay muốn tham gia thành lập tổ chức nên đó là thời điểm hợp lý để làm thôi.
Đương nhiên là khi bắt đầu từ số 0 thì rất khó nên ngoài việc phải đảm bảo công việc chính tại Got It, mình cũng phải dành thêm thời gian ngoài chỗ tiết kiệm được. Đối với các bạn khác cũng vậy, dù biết phải dành nhiều thời gian nhưng mọi người đều hiểu là nó có thể đem lại tác động rất lớn cho tụi trẻ con ở nhà nên quyết làm. Đơn giản vậy thôi!
Nhưng anh đâu phải là chuyên gia về giáo dục, làm sao có thể tạo ra được tác động lớn đối với các bạn nhỏ thông qua đào tạo, với một chương trình dạy học online mới toanh?
Trước khi khởi động STEAM for Vietnam thì mình cũng dạy tụi trẻ con nhiều rồi, nhưng ở quy mô nhỏ theo kiểu từng bạn một và thí nghiệm xem cách nào tốt, mức độ tiếp thu của các bạn học sinh ra sao… để có định hướng, giới thiệu ban đầu về công nghệ cho phù hợp. Trong quá trình đó, mình cũng nhận ra rằng, việc dạy STEAM hay STEM cho trẻ con thì nhiều giáo viên là "thợ dạy", có thể chưa phải là người có chuyên môn tốt và có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực đó.
Đặc biệt, với lĩnh vực công nghệ và dạy lập trình thì giáo viên phần lớn không phải là người thực chiến, cũng không phải là những người tốt nhất. Bởi lẽ những người tốt nhất thì đều trở thành kỹ sư phần mềm. Nhiều trường hợp, có những người dạy tiếng Anh, hay dạy Toán bị ép sang giảng dạy STEAM, dạy code nên mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng kết quả cũng sẽ khó mà đột phá được.
Vì thế, STEAM for Vietnam muốn có kết quả tốt hơn thì phải làm khác đi. Và yêu cầu đầu tiên đặt ra khi tuyển giáo viên đó là không dùng "thợ dạy" mà sẽ dùng chuyên gia, người thật việc thật. Đối với những chuyên gia dạy lập trình sẽ là các kỹ sư giỏi ở Silicon Valley, đến từ các công ty như Facebook, Google, Microsoft… Họ không chỉ có kiến thức "thâm hậu" mà còn có khả năng giao tiếp tốt.
Thực tế mà nói, trước khi có STEAM for Vietnam, rất nhiều thành viên trong đội ngũ cũng ít nhiều có kinh nghiệm dạy công nghệ cho các bạn trẻ đang đi học hoặc đi làm ở Mỹ nên ngay lập tức mọi người có thể bắt tay để chuẩn bị dạy học sinh Việt Nam.
Anh đã làm gì để mời được các chuyên gia công nghệ đến từ các công ty như Facebook, Google, Microsoft… dạy miễn phí cho trẻ em – điều được coi là không tưởng ngay cả với các trung tâm dạy online thương mại có tiếng?
Đúng là đối với các trung tâm, để mời được những chuyên gia về công nghệ lương 500-700 nghìn USD/năm, đến từ các tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Facebook… về dạy cho họ, chắc chắn là điều không tưởng.
Đối với các kỹ sư phần mềm người Việt tại Silicon Valley, điều mà họ quan tâm đến STEAM for Vietnam là vì cái tâm, muốn giúp đỡ tụi trẻ con học lập trình thật tốt. Ngoài ra, họ cũng muốn giúp tụi trẻ con học thêm được các kỹ năng mềm và các môn STEAM khác để có định hướng cũng như bước khởi đầu tốt trong quá trình trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường toàn cầu trong tương lai.
Tuy nhiên, quan trọng là bọn mình cùng thích ý tưởng dùng chuyên gia để dạy trẻ em lập trình vì chỉ có các chuyên gia, người thật việc thật thì mới thực sự hiểu và tự tin vì những gì họ nói và dạy. Một điểm quan trọng khác, bọn mình đều coi STEAM for Vietnam là một sản phẩm công nghệ phục vụ người dùng và tụi trẻ con sử dụng thì sẽ học được lập trình. Đây là những điều không giống bất cứ một chương trình dạy STEAM online nào trước đó.
Những chuyên gia đến với STEAM for Vietnam đều là những người làm sản phẩm công nghệ cho các công ty nổi tiếng như Facebook, Google, Microsoft… nên đều quen với khái niệm làm sản phẩm công nghệ cho người dùng nên rất thích ý tưởng này.
Thực tế, phía sau STEAM for Vietnam là cả một nền tảng công nghệ cực "khủng" và có một hệ sinh thái hẳn hoi, chứ không chỉ là một lớp học online thông thường. Công nghệ là yếu tố số 1 trong việc vận hành của STEAM for Vietnam.
Vì mọi thứ đều được xây dựng từ số 0 nên có rất nhiều thứ học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng và vận hành Got It – một startup công nghệ đã có quy trình vận hành đẳng cấp thế giới tại Silicon Valley. Ngoài ra, các thành viên của STEAM for Vietnam đều đến từ những công ty công nghệ khổng lồ với các quy trình và cách vận hành đặc biệt nên cũng có rất nhiều đóng góp vào việc xây dựng và tăng trưởng của tổ chức.
Khi lựa chọn những người tham gia, STEAM for Vietnam căn cứ vào những tiêu chuẩn nào?
Thực tế, mọi người đến với STEAM for Vietnam vốn dĩ đã được chọn lọc tự nhiên, và đều là những người có tâm bởi họ đã quyết định dành thời gian cá nhân của mình để phục vụ cộng đồng, giúp đỡ thế hệ trẻ. Với những chuyên gia công nghệ giỏi, rất bận rộn, lại chọn việc tham gia thì đó cũng là điều đặc biệt rồi. Tuy nhiên, người muốn tham gia đều phải trải qua vòng phỏng vấn để xem họ có thể làm việc tốt với cả team được không.
Sau khi tuyển chọn, những người có "nội công thâm hậu" và có khả năng truyền đạt tốt thì làm giảng viên, bộ phận còn lại thì viết phần mềm, xây dựng hệ thống, làm trợ giảng, vận hành, marketing,... Và đúng như mình dự đoán, khi gia nhập STEAM for Vietnam, mọi người đều rất hăng hái, làm việc không ngừng nghỉ, không nề hà việc gì hay đòi hỏi gì cả.
Suy cho cùng, khi mọi người đã đặt toàn bộ tâm huyết của mình cho dự án, làm việc "muốn làm" chứ không phải việc "phải làm", thì thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc cũng chỉ là "cái đinh". Thế nên STEAM for Vietnam phát triển với tốc độ chóng mặt gây bất ngờ cho rất nhiều người, thậm chí cả các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực.
STEAM for Vietnam mới ra đời nhưng đã có lớp học với hơn 5.000 bạn nhỏ tham gia, hết khóa học nhiều em còn khóc vì chương trình kết thúc… Chương trình dạy trẻ em học lập trình đã được xây dựng như thế nào?
STEAM for Vietnam xét cho cùng không phải là một hội dạy học dạo mà là một sản phẩm công nghệ dành cho trẻ con. Khi sử dụng sản phẩm công nghệ này, các em sẽ học được các kiến thức về STEAM từ những chuyên gia đầu ngành.
Sau khi đã tư duy như vậy thì cả tổ chức sẽ theo đúng quy trình xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghệ ở Silicon Valley thôi. Cụ thể, mình phải biết sở thích, tâm lý của tụi trẻ con là gì, cái gì làm cho bọn trẻ ngán ngẩm như kiểu đi học truyền thống...
Mình phải làm sao để cung cấp điều trẻ em "muốn", chứ không là "phải". "Phải học" và "muốn học" rất khác nhau: phải đi học thì sáng tìm đủ mọi lý do để ở nhà thêm vài phút nữa, nhưng nếu đi chơi thì sáng dậy sớm ngồi chờ sẵn để có thể đi ngay được vì đó là "muốn"…
Bọn mình thấy là tụi trẻ con muốn những thứ mang tính trò chơi, và thấy được kết quả để có thể đem đi khoe với mọi người như bố mẹ, bạn bè, ông bà,... Quan trọng hơn, trẻ em muốn một cái gì đó khiến bản thân cảm thấy được thoải mái, chứ không phải cảm giác bị ép buộc giống như kiểu phải được điểm cao để thi học sinh giỏi, phải học thầy này thầy kia… Cứ từng bước như vậy, chương trình dạy học cho STEAM for Vietnam được hình thành.
Cũng may là đội ngũ của STEAM for Vietnam đều là những người làm về sản phẩm công nghệ ở những công ty lớn như Google, Microsoft, Facebook… nên đã rất quen với khái niệm làm sản phẩm công nghệ cho người dùng. Ngoài ra STEAM for Vietnam tập trung vào mảng công nghệ trước để tận dụng chuyên môn của đội ngũ cũng như có nhiều tài liệu chuẩn chỉnh ở Mỹ có thể dùng tham khảo khi xây dựng chương trình.
Vậy yếu tố nào tạo nên sức hấp dẫn rất đặc biệt với một sản phẩm công nghệ dạy lập trình như STEAM for Vietnam?
Mọi người ở STEAM for Vietnam đều thấy tụi trẻ con thích những gì liên quan đến game, vẽ vời hoặc đồ hoạ, cái gì đấy không dễ quá hoặc khó quá… nên việc lập trình sẽ theo kiểu "kéo, thả" chứ không phải học viết code kiểu truyền thống.
Quan trọng là mình dạy cho tụi trẻ con tư duy "có thể làm được" – I can: chơi vui vẻ nhưng có nỗ lực, nhìn thấy kết quả cụ thể và đem khoe được với mọi người. Khởi đầu như vậy tạo cho các em hứng khởi để tiếp tục học các bài học tiếp theo với độ khó tăng dần.
Bước tiếp theo là cách thức tiếp cận độc đáo. Tại sao cả trẻ con và "trẻ to" (người lớn) có thể chăm chú xem một bộ phim hành động Hollywood 3 tiếng liên tục và rất hào hứng, nhưng học online thì 3 phút đã buồn ngủ? Chán là bởi chương trình đã bê nguyên nội dung dạy offline cũ, vốn đã có những khiếm khuyết về thiết kế, để dạy online nên nó càng tăng thêm độ chán.
Rõ ràng, nội dung, chất lượng video, cách thức giảng dạy… đóng vai trò cực kỳ quan trọng chứ không phải là online hay offline.
Hiểu được điều đó, STEAM for Vietnam đã thiết kế khóa học như một show truyền hình Hollywood, có nhân vật chính, nhân vật phụ, có cốt truyện, nhân vật thiện, nhân vật ác, có các tình huống gay cấn… Mỗi một khóa học sẽ được viết như một câu chuyện, mỗi một bài học sẽ giống một tập phim, và sau mỗi tập phim là một kết quả gì đó và điều này lại là mở đầu cho một tập tiếp theo.
Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới, chưa từng có và những nỗ lực để có thể làm được điều này là khổng lồ. Cả đội ngũ phải làm kỹ càng từng slide bài giảng, từng bài tập, cũng như luyện tập giảng bài thật kỹ trước khi "lên sóng".
Với thiết kế như một chương trình truyền hình của Hollywood, "show diễn" đầu tiên bắt đầu với nội dung gì đặc biệt để có thể tạo sức hút lớn với trẻ em?
Lớp học đầu tiên của STEAM for Vietnam là Computational thinking - hay được gọi là Tư duy Máy tính. Đây là cách tư duy giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, ai cũng cần. Nếu mà nắm vững được, thực hành được và biến nó thành bản năng tự nhiên của mình để áp dụng vào công việc hàng ngày thì hiệu suất có thể tăng 5-10 lần. Cái này sẽ tốt cho cả đời luôn, bất kể là có theo ngành công nghệ hay không.
Cũng vì thế, bọn mình muốn phổ cập lớp học về tư duy máy tính cho tất cả trẻ em tham gia STEAM for Vietnam và cùng kết hợp với các đối tác để phổ biến cho càng nhiều trẻ em ở Việt Nam càng tốt. Nó là một công cụ cực mạnh có thể ví như bí kíp nhà nghề, tụi trẻ con mà có tư duy đó thì sẽ học và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhưng buổi đầu tiên với một lớp học lý thuyết kiểu như vậy làm sao có thể hấp dẫn được trẻ con khiến lớp học tăng nhiệt vào những buổi sau?
Cái tài của đội ngũ trong bộ phận Giáo dục của STEAM for Vietnam là luôn biến những kiến thức khó hiểu lằng nhằng thành các câu chuyện, sau đó thiết kế các tài liệu đi kèm để diễn tả câu chuyện đó một cách rất sinh động. Thế nên ở STEAM for Vietnam, kể cả với kiến thức khó và trừu tượng thì lúc nào cũng vẫn theo nguyên tắc "học như chơi, chơi như học". Nhiều khi làm xong hết, hiểu hết bài rồi thì giảng viên mới nói là chúng ta vừa học cái gì.
Thiết kế buổi học đó và giáo viên đứng lớp là nhân tố then chốt. Ngoài các bài học chính khoá, STEAM for Vietnam luôn tìm kiếm cơ hội để các em được giao lưu với những chuyên gia hàng đầu thế giới.
Trong một buổi giao lưu, khách mời là một khoa học gia NASA – người phụ trách planning và scheduling của chương trình Artemis 2024 (chương trình đưa con người quay trở lại mặt trăng). Ông ấy đến, nói chuyện, trả lời tất cả các câu hỏi không ngừng nghỉ của tụi trẻ con, khiến tụi nó há hốc mồm ra trong 2 tiếng liền (cười).
Sau buổi đó, bọn mình làm survey để xem ước mơ của các học trò thay đổi ra sao thì không thấy cháu nào viết: muốn bố mua cho đồ chơi gì hoặc mẹ cho ăn cái gì nữa… Ước mơ của nhiều bạn nhỏ là được lên mặt trăng! Những thứ như vậy có thể thay đổi cuộc đời một con người.
Và để có thể mời được khoa học gia này đến STEAM for Vietnam, bọn mình phải mất đến 6 tuần làm việc với NASA để có đủ các loại giấy phép cần thiết.
Ngoài khoa học gia của NASA, STEAM for Vietnam có chuyên gia đặc biệt nào khác không giống với các lớp học thông thường dạy trẻ em học về lập trình?
Mình thấy là ở nhà (Việt Nam -PV), thường nhiều ông kỹ sư học khối A cứ hay dúm dó, không nói không rằng kiểu bí hiểm ấy, thực ra là khả năng giao tiếp yếu, nói không ai hiểu. Mình phải làm thế nào cho tụi trẻ con lớn lên bỏ được tình trạng đấy đi. Làm được nhưng phải nói được nữa, nếu không sẽ cực kỳ thiệt hại, thậm chí thiệt thòi. Làm được mới chỉ là một nửa thôi.
Bọn mình muốn tụi trẻ con sẽ có "2 tay 2 kiếm", và không giống mấy ông kỹ sư trước kia có kiểu "suốt ngày chỉ ở trong hang tối làm anh hùng bàn phím thì giỏi, lôi ra nói chuyện thì trốn ngay vào trong góc", "hí hửng khi làm được mấy thứ khó không ai hiểu và đánh đố mọi người và nghĩ kỹ sư là phải thế". Sai!
Phải mời chuyên gia dạy cho tụi trẻ con khi muốn nói cái gì đó, hay muốn trao đổi một ý tưởng, một câu chuyện thì biết cách thức hình thành câu chuyện như thế nào, biết cách thức nói chuyện với người khác như thế nào để tiết kiệm thời gian nhất nhưng vẫn làm người ta hiểu và phấn khích.
Đó là lý do STEAM for Vietnam mời một chuyên gia được đào tạo về Public Narrative từ Harvard (cách kể chuyện truyền cảm hứng) để huấn luyện cho tụi trẻ con. Làm rồi, có sản phẩm rồi thì sau đó sẽ phải nói như thế nào cho hiệu quả. Ngoài ra STEAM for Vietnam còn mời nhiều chuyên gia về các lĩnh vực khác nữa giao lưu với các em để các em có cơ hội tìm ra "role model" cho chính mình.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Forbes điểm danh những startup Việt có thể trỗi dậy thành kỳ lân tiếp theo
Việt Nam đã có 4 kỳ lân, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á và thiết lập kỷ lục vốn đầu tư 1,4 tỷ USD trong năm 2021.