Mùa 7 của chương trình Shark Tank chứng kiến sự xuất hiện của nhiều startup công nghệ Việt. Một trong những cái tên nổi bật, để lại nhiều ấn tượng là Enfarm - startup cung cấp các thiết bị cảm biến thông minh để đo dinh dưỡng trong lòng đất.
Theo nhà đồng sáng lập Enfarm, ông Nguyễn Đỗ Dũng, các dữ liệu về kết quả đo sẽ được cảm biến đẩy về ứng dụng smartphone. Không chỉ cung cấp số liệu về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH…, ứng dụng còn tích hợp tính năng gợi ý cho người nông dân phải làm gì dựa trên các dữ liệu thu được.
“Giờ đây cục đất, cái cây cũng đã biết nói năng, để giúp cho người nông dân thấu hiểu mảnh vườn của mình”, đồng sáng lập Enfarm chia sẻ.
Nói về động lực cho sự ra đời của sản phẩm, ông Nguyễn Đỗ Dũng cho biết, 60% nước và phân bón ở Việt Nam không được cây hấp thụ. Điều này gây ra sự lãng phí lên tới 3,6 tỷ USD mỗi năm. Phân bón dư thừa còn đầu độc đất đai, nguồn nước, tạo ra lượng khí thải lớn, gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
“Không chỉ gây ra những hậu quả về môi trường, việc bón và tưới dư thừa trong nông nghiệp còn làm hạ thấp năng suất cây trồng. Điển hình là cây sầu riêng, phần lớn các vườn sầu riêng mất khoảng 50% sản lượng do cây bị rụng trái vì sốc nước, sốc nhiệt và sốc phân”, ông Dũng nói.
Công nghệ của Enfarm có ưu điểm là độ chính xác cao và chi phí thấp. Chỉ cần bỏ ra từ 600.000 đồng, người nông dân có thể đo được các chỉ số NPK (nitơ, phốt pho, kali) với hiệu quả tương đương phòng thí nghiệm. Trên thị trường quốc tế, hiện có nhiều loại cảm biến đo đất với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đến cả triệu. Chủ yếu các cảm biến này chỉ có thể dùng để đo độ ẩm, độ pH, không đo được các chỉ số NPK. Những thiết bị đo được chỉ số NPK giá thành cao nhưng kết quả chưa chắc đã chính xác.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, nhà sáng lập startup cho hay, để đạt kết quả đo có độ chính xác cao, Enfarm đã sử dụng công nghệ AI, học máy nghiên cứu khoảng 1.000 mẫu đất, tìm ra quy luật kết nối chất dinh dưỡng với độ ẩm, độ pH và các yếu tố khác, từ đó đưa ra công thức đo dinh dưỡng.
Sau 2 năm phát triển công nghệ, Enfarm hiện đã bán thử nghiệm sản phẩm từ đầu năm nay, với khoảng 500 điểm cảm biến, thu về 1,5 tỷ đồng. Ở giai đoạn tiếp theo, nhà sáng lập cho biết muốn phát triển startup theo mô hình thu phí thuê bao, gồm cả chi phí thiết bị và phân bón.
“Ví dụ, người nông dân trồng cà phê thường chi 30 – 40 triệu đồng tiền phân bón/hecta. Enfarm sẽ thu 20 triệu đồng cả tiền dịch vụ và phân bón, đi cùng với đảm bảo cây sẽ có năng suất tương đương hoặc hơn so với khi chưa sử dụng sản phẩm”, founder Nguyễn Đỗ Dũng chia sẻ.