Quay ngược lại thời điểm cách đây gần 20 năm, vào tháng 4/2000, Gabe mua lại toàn bộ cổ phần của Mike Harrington sau khi ông này quyết định rời khỏi công ty. Động thái này đã biến Gabe thành ông chủ duy nhất và cùng là người quyền lực nhất tại Valve.
Tháng 9/2003, Steam chính thức được ra mắt như một cách để Valve kiểm soát quá trình vận hành của trò chơi Counter-Strike. Bên cạnh đó, hãng cũng dùng nền tảng này để kiềm soát gian lận và cung cấp phương thức truy cập dễ dàng hơn cho các sản phẩm khác.
Trong thời gian đầu ra mắt, Steam gặp phải trở ngại lớn khi tốc độ đường truyền Internet của các hộ gia đình Mỹ còn khá chậm. Không những vậy, việc mua game (bản vật lý) từ các nhà cung cấp truyền thống đã trở thành thói quen khó bỏ của đại bộ phận cộng đồng game thủ lúc bấy giờ. Không nói đâu xa, lấy ví dụ như tại Việt Nam, trong những năm đầu của thế kỷ 21, việc ra hàng mua đĩa chơi game đã trở nên hết sức phổ biến. Những tựa game huyền thoại như Diablo, Diablo 2, Half-Life, Đế Chế, Fifa… đều có thể tìm thấy dễ dàng ở bất kỳ hàng game nào. Ở thời điểm đó, việc lên mạng tải game là một hành động hoàn toàn xa lạ. Có thể nói, đây là thực sự là khoảng thời gian khó khăn của Steam.
Trong tình trạng bế tắc đó, sự ra đời của Half-Life 2 được cho là bước ngoặt lớn nhất cho những thành công sau này của Steam. Sự thống trị của tựa game bắn súng huyền thoại này đã phản ánh điều đó. Hàng triệu bản được bán ra và Valve không quên nhắc nhở người chơi rằng để chơi được Half-Life 2, bạn phải đăng ký qua Steam.
Trong năm 2004, Half-Life 2 đã lập một kỷ lục vô tiền khoán hậu khi nhận về 39 giải thưởng game của năm (Game of the Year) tại nhiều cuộc bình chọn lớn nhỏ khác nhau. Cho đến nay, đây vẫn là thành tích mà chưa một tựa game nào có thể xô đổ. Tình đến thàng 12/2008, Half-Life 2 đã bán được hơn 6,5 triệu bản. Con số này được tăng gần gấp đôi lên 12 triệu bản vào tháng 2/2011. Với số vốn đầu tư chỉ 40 triệu USD, Half-Life 2 thực sự là con gà đẻ trứng vàng cho Valve và Gabe.
Đến năm 2006, dáng dấp của Steam đã bắt đầu được hình thành và hoàn thiện. Các khái niệm về gian hàng kỹ thuật số được ra đời và đây được coi là tiền đề để hình thành những phương thức sau nay. Với hơn 100 trò chơi được giới thiệu kèm theo các bản demo và video HD, Steam trở thành một thánh địa thực sự dành cho các fan của game PC.
Không những chỉ là cổng phát hành game lớn nhất thế giới, Steam còn cho phép những người dùng của họ kinh doanh trên nền tảng này. Vào tháng 10/2010, Steam đã cho mở chế độ cửa hàng vật phẩm ảo (Steam Community Market), nơi người chơi có thể thoải mái mua bán các loại trang bị và vật dụng phục vụ chơi game. Bước đi này đã khiến cho sức hút của Steam ngày càng tăng. Không chỉ là nơi để người chơi có thể thoải mái lựa chọn những tựa game yêu thích, Steam còn là một cộng đồng đông đảo với thị trường lớn mạnh mà bất kỳ ai cũng có thể đóng vai nhà đầu tư tài ba.
Với những nhà phát hành game, Steam là một giải pháp cho phép họ tối ưu hóa phần lợi nhuận kiếm được. Nếu như trước đây họ phải mất từ 60 – 70% doanh thu cho việc quảng cáo và phân phối (qua các nhà phân phối truyền thống) thì giờ đây khoản chi phí này chỉ là 25 – 30%. Thậm chí nếu so với Amazon (một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới), Steam còn linh hoạt và hiệu quả hơn nhiều trong thị phần bán lẻ game. Chiều lòng kẻ bán, hài lòng người mua, đây chính là một trong những ưu điểm giúp Steam có thể "bành trướng" và lớn mạnh như ngày hôm nay.
Giờ đây, khi mà thế độc tôn của Steam trên thị trường phân phối game đã không còn như trước. Nhưng dù bất luận như thế nào, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò cũng như tầm quan trọng của Steam trong lịch sử phát triển của làng game thế giới. Nó thực sự đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển rực rỡ của ngành công nghiệp game như chúng ta thấy ngày hôm nay.
Theo GameK