Sau câu chuyện YouTuber làm nội dung ‘rác’ bị lên án, đến lượt các streamer nổi tiếng trở thành tâm điểm gây tranh cãi của cộng đồng. Giữa một bên bênh vực thần tượng và một bên kịch liệt phản đối, đây thực sự là một hiện trạng đáng bàn, nhất là với những bậc phụ huynh đang có con em trong độ tuổi đi học, đến trường. 

Streamer và YouTuber, khác gì nhau?

Streamer và YouTuber đều là những người làm việc trên môi trường Internet, sử dụng tư liệu là các video để lan tỏa tầm ảnh hưởng của mình, qua đó thu hút được người xem (viewer), người theo dõi (follower) hay thậm chí là người hâm mộ trung thành (fan).

Trong khi YouTuber ám chỉ những người làm video dạng tải lên sau thì streamer là những người làm công việc sản xuất video trực tiếp (livestream). Ngoài YouTube, người làm streamer có thể hoạt động trên nhiều nền tảng livestream khác như Facebook, Twitch…

{keywords}

Khác biệt cơ bản ở đây là người làm YouTuber thường xây dựng nội dung đa dạng xoay quanh nhiều chủ đề, trong khi đó các streamer thường được ngầm hiểu là những người chơi game và phát trực tiếp nó trên mạng. Vì thế, các streamer đôi khi cũng đóng vai trò bình luận viên (caster) cho các giải đấu eSports hoặc các công việc khác liên quan đến ngành game.

Thời của streamer nói tục chửi bậy

Từ sự khác biệt nói trên, dễ thấy các streamer có xu hướng nói tục chửi bậy nhiều hơn các YouTuber, kể cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Trong khi YouTuber cố tình làm nội dung ‘rác’, một số streamer sử dụng ngôn ngữ tục tĩu như một thứ vũ khí lợi hại để thu hút người xem.

Lý do rất đơn giản, YouTube nói chung có cơ chế đề xuất nội dung tương tự, giúp video có lượng người xem tăng nhanh hơn khi thời gian xem mỗi video kéo dài. Nghĩa là, càng câu kéo được người xem ở lại lâu, streamer hay YouTuber càng dễ thu hút thêm thật nhiều người xem.

Và nói tục chửi bậy chính là thứ giúp streamer thu hút người xem dễ dàng nhất, trong bối cảnh YouTube bộc lộ sự yếu kém trong việc kiểm duyệt ngôn ngữ tiếng Việt. Còn nhớ những kênh YouTube ngập tràn ngôn ngữ tục tĩu của Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền, chỉ bị xóa bỏ, sau khi cơ quan quản lý yêu cầu. 

Vấn đề khác nhau ở chỗ, streamer đều là những người có ảnh hưởng (KOLs), vì vậy những phát ngôn tục tĩu của họ dễ dàng gây ảnh hưởng tới những người hâm mộ. Thậm chí, ngay cả những người không theo dõi cũng dễ dàng bị ảnh hưởng khi các đoạn clip chửi thề được cắt ghép để chế thành biểu tượng vui (meme) làm độc môi trường mạng. 

Cần có sự kiểm soát

Nói một câu chửi hai câu là thói quen thường gặp của rất nhiều streamer nổi tiếng trong nghề như Độ Mixi, PewPew, Baroibeo, Mimosa hay Bomman... Đến nay, một số đã thay đổi, nhưng một số cái tên vẫn đang trở thành tấm gương xấu cho giới trẻ noi theo.

Việc thay đổi có được là nhờ bản thân nền tảng livestream phải tuân thủ các quy tắc cộng đồng theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật nước sở tại. Do đó, các streamer hiện đang cộng tác với Facebook Gaming đã phải từ bỏ thói quen nói tục chửi bậy trên sóng trực tiếp, nếu không sẽ bị phạt nặng vì vi phạm hợp đồng. PewPew chính là gương mặt tiêu biểu của sự thay đổi tích cực này. 

{keywords}
Độ Mixi nói tục chửi bậy bị phản ánh lại bởi một bản tin của VTV - Ảnh chụp màn hình

Một cái tên khác còn đang gây ra rất nhiều tranh cãi là Độ Mixi. Streamer này vừa xuất hiện trên một bản tin của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) như để mô tả cho thói quen hút vape và chửi bậy trên sóng livestream. 

Thực tế hiện cũng không ít streamer hiện nay đang theo đuổi con đường không nói tục chửi bậy, không sử dụng chiêu trò phản cảm câu view. Đáng buồn là những streamer này có lượng người xem rất ít.

Vì vậy, vấn nạn streamer nói tục chửi bậy hiện nay vẫn còn rất nhiều. Mặc dù, YouTube hiện đã có chế độ giới hạn độ tuổi (age-restricted) để lọc người xem và bắt những streamer làm nội dung 18+ phải tuân thủ luật chơi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ICTNews, rất ít streamer chịu bật chế độ này, lý do là bởi nó sẽ hạn chế đề xuất, tắt kiếm tiền và do đó không đem lại lợi ích gì cho các streamer.

Nhìn chung, bản thân streamer cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, phát ngôn hạn chế tối đa ngôn ngữ không trong sáng gây ảnh hưởng tới giới trẻ. Qua đó, góp phần chung tay cùng cơ quan quản lý làm trong sạch môi trường không gian mạng.

Phương Nguyễn

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'

Hàng trăm nghìn "công nhân số" người Việt đang lao đầu vào làm việc cho "xí nghiệp" nội dung YouTube, tạo ra hàng triệu video mỗi ngày.