Tuần này 10 năm về trước, scandal mà nay chúng ta thường gọi bằng cái tên "Antennagate" đã xảy ra.
Nhiều tuần trước đó, chiếc iPhone mới nhất của Apple - iPhone 4 - đã được bán ra trên toàn cầu, với hàng dãy người xếp dọc theo các tuyến đường và những khách hàng phấn khích khoe thiết bị mới toanh họ vừa mua được. Nhưng gần như ngay lập tức, cũng chính những khách hàng đó bắt đầu để ý thấy "có gì đó sai sai": chiếc điện thoại của Apple dường như mất kết nối di động và bị ngắt cuộc gọi mỗi khi bạn cầm nắm nó bằng tay trái.
Điều có vẻ như chỉ là một lỗi lạ đã nhanh chóng biến thành một trong những scandal lớn nhất trong lịch sử của Apple.
Lỗi này đã xảy ra như thế nào? Apple đã phản ứng ra sao?
Vào ngày 7/7/2010, Apple đã công bố chiếc iPhone 4 tại WWDC thường niên. Họ miêu tả thiết bị này là "chiếc smartphone mỏng nhất từng có", với màn hình Retina độ phân giải cao và lần đầu hỗ trợ FaceTime.
iPhone 4 có giá khởi điểm 199 USD và được bán ra vào ngày 24/7/2010. Giống các iPhone trước đó, sự kiện mở bán đã thu hút những đám đông xếp hàng dọc theo tuyến phố có các cửa hàng Apple trên toàn cầu - chỉ trong 3 ngày đầu, công ty đã bán được 1,7 triệu iPhone.
Nhưng gần như ngay lập tức, người dùng đã để ý thấy có gì đó khá lạ với chiếc iPhone mới của họ: khi cầm trên tay trái, cột sóng - vốn là thứ báo hiệu kết nối đến một mạng không dây - dường như biến mất, và đôi lúc, các cuộc gọi đang thực hiện giữa chừng bỗng sập hoàn toàn.
Những người dùng bực bội đã lần mò trên các diễn đàn internet với hi vọng phán đoán được vấn đề. Một người dùng với nickname FFArchitect dường như là người đầu tiên xác định được vấn đề và đăng tải nó lên trang MacRumors.
Apple nhanh chóng thừa nhận vấn đề, nhưng cho rằng nó không nguy hiểm. "Cầm nắm bất kỳ điện thoại nào cũng sẽ dẫn đến sự sụt giảm hiệu năng ăng-ten của nó, tuỳ thuộc vào vị trí của ăng-ten. Đây là một sự thật đối với mọi điện thoại không dây" - một người phát ngôn của Apple nói vào thời điểm đó.
Sau đó CEO Apple là Steve Jobs đã gạt bỏ vấn đề, đặt trách nhiệm lên người dùng, không phải của Apple. "Mọi điện thoại đều có những khu vực nhạy cảm. Chỉ cần tránh cầm nắm nó theo cách đó" - Jobs viết như vậy trong một email. Phản hồi đậm chất trịch thượng và hợm hĩnh của Jobs về cơ bản như một cú mắng thẳng mặt người dùng rằng "Mấy ông cầm điện thoại sai cách rồi!", và cuối cùng đã được biến thành một meme khá hot trên internet thời điểm đó.
Nhưng trên thực tế, vào giai đoạn đầu của quá trình thiết kế, chuyên gia lão làng nhất về ăng-ten của Apple, Ruben Caballero, được cho là đã cảnh báo các cấp lãnh đạo của công ty rằng có thể sẽ có vài vấn đề với ăng-ten.
Apple đã chọn thiết kế ăng-ten bao quanh viền ngoài của thiết bị, phủ lên trên một dải kim loại nhằm tạo ra một chiếc điện thoại mỏng hơn, nhẹ hơn. Vấn đề cốt yếu ở đây là khoảng hở giữa hai dải ăng-ten ở góc dưới của thiết bị: khi cầm điện thoại mà bàn tay bạn vô tình che mất các đường nối, tín hiệu sóng sẽ bị yếu đi.
Nhưng Apple không chịu thừa nhận vấn đề thực sự. Vào ngày 2/7, họ đưa ra một lá thư gửi đến khách hàng rằng đã phát hiện ra nguyên nhân của việc cột sóng bị giảm đi: "Quá trình điều tra, chúng tôi bất ngờ khi phát hiện ra công thức chúng tôi dùng để tính toán số lượng cột sóng hiện ra là hoàn toàn sai" - Apple nói. Công ty khẳng định lỗi này khiến iPhone 4 hiển thị nhiều hơn 2 cột sóng so với thường lệ và sẽ tung ra bản vá phần mềm để khắc phục.
Nhưng tình hình càng tệ hơn cho hãng. Vào ngày 12/7, Consumer Reports công bố rằng họ không khuyến cáo khách hàng mua iPhone 4 bởi vấn đề với ăng-ten. Dù trang này nhanh chóng phát hiện ra chỉ cần sử dụng một cái ốp dạng bumper (viền bao quanh máy thay vì ốp lưng) giá 29 USD là đủ để giải quyết vấn đề, họ vẫn không rút lại khuyến cáo trên vì lý do: Apple có nghĩa vụ phải cung cấp một sản phẩm hoạt động nhất quán và ổn định từ khi xuất xưởng.
Apple lúc này quyết định tổ chức một buổi họp báo giờ chót vào ngày 16/7, nơi Jobs thừa nhận rằng thiết bị gặp vấn đề phần cứng. "Chúng tôi không hoàn hảo. Chúng tôi biết điều đó. Bạn biết điều đó. Và điện thoại của chúng tôi cũng không hoàn hảo. Chúng tôi đã và đang làm việc hết mình để biết vấn đề thực sự ở đây là gì" - Jobs nói vào thời điểm đó và miêu tả vấn đề bằng từ "Antennagate".
Trong khi giới phê bình lúc đó cho rằng Apple có thể tung ra một phiên bản iPhone 4 tái thiết kế, hoặc triệu hồi máy để sửa chữa, thì Jobs vẫn kiên định với iPhone 4 và hứa hẹn tặng khách hàng một cái ốp bumper miễn phí. Khách hàng nào đã mua ốp lưng sẽ được hoàn tiền, Jobs nói.
Dù nhắc lại chính sách đổi trả hoàn tiền của công ty, Jobs nói rằng chỉ 0,55% số người mua iPhone 4 từng gọi cho Apple để than phiền.
Dẫu vậy, Antennagate vẫn là một trong những scandal lớn nhất của Apple, xét việc nó xảy ra dưới triều đại của Jobs và vạch trần thái độ của công ty đối với công chúng. Câu chuyện cuối cùng cũng êm xuôi vào năm 2012, khi Apple giải quyết xong một vụ kiện tập thể nhằm yêu cầu công ty cấp cho bất kỳ ai từng mua iPhone 4 một ốp bumper miễn phí hoặc 15 USD tiền mặt.
(Theo VnReview, BusinessInsider)
Chê Qualcomm làm ăng-ten không đẹp, Apple tự thiết kế cho iPhone 5G
ictnews Theo Fast Company, Apple tự thiết kế mô-đun ăng-ten dùng trong iPhone 5G vì không hài lòng với phiên bản do Qualcomm đề xuất.