Sau hai lần tổ chức thất bại, ngày 16/8, Công ty Chứng khoán BOS (mã CK: ART) đã tổ chức thành công phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Tại đại hội, Chứng khoán BOS đã thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT và một thành viên Ban Kiểm soát.
Cụ thể, ông Lê Bá Phương được bầu chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 từ ngày 16/8. Tiếp đó, ông Trịnh Văn Nam và bà Phạm Thị Thanh Mai được bầu là thành viên HĐQT từ ngày 16/8.
Về thành viên Ban kiểm soát, bà Bùi Thị Quỳnh Trang được bầu là thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024.
Trước khi nhận chức vụ bổ sung trong ban lãnh đạo BOS, tất cả các nhân vật chủ chốt này chưa từng giữ bất kỳ vị trí quan trọng nào.
Trước đó, các thành viên HĐQT và ban kiểm soát gồm bà Trịnh Thị Thúy Nga, bà Hương Trần Kiều Dung, ông Lê Bá Nguyên, ông Chu Tiến Vượng, bà Nguyễn Quỳnh Nga đều có đơn xin từ nhiệm tại Chứng khoán BOS từ ngày 16/8.
Hồi tháng 4/2022, bà Hương Trần Kiều Dung - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS, bà Trịnh Thị Thúy Nga - Thành viên HĐQT Chứng khoán BOS đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội thao túng chứng khoán.
Ông Lê Bá Nguyên, anh vợ và là người thay ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch FLC, sau đó cũng có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán BOS vì lý do cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ này.
Hiện, BOS vẫn chưa có báo cáo tài chính vì lý do chưa được cấp phép thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi tháng 3 về tội thao túng giá chứng khoán, các DN liên quan đến FLC đều xáo trộn về nhân sự chủ chốt.
Tại “đại bản doanh” FLC, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thay ông Quyết.
Tiếp đến, ngày 2/7, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC, các cổ đông đã thống nhất bầu ra 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, bà Bùi Hải Huyền giữ chức phó chủ tịch thường trực và ông Đặng Tất Thắng giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC.
Ngoài ra, đại hội bầu 3 thành viên HĐQT gồm các ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm. Ông Nguyên chính thức được bầu làm Tân chủ tịch FLC.
Mới đây, ngày 13/8, HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã họp và thống nhất bầu ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức chủ tịch thay ông Đặng Tất Thắng.
Ngoài ra, ông Lê Bá Nguyên, Thái Bá Sâm, Nguyễn Mạnh Quân và Doãn Hữu Đoàn được bổ sung vào HĐQT Bamboo Airways thay cho các thành viên đã miễn nhiệm. Trong đó, ông Doãn Hữu Đoàn giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.
Gần đây nhất, ông Dương Công Minh, Chủ tịch ngân hàng Sacombank được Bamboo Airways mời làm cố vấn cao cấp HĐQT của hãng. Như vậy, ông Minh đã chính thức "về một nhà" với Bamboo Airways.
Việc thay đổi nhân sự tại FLC chưa dừng lại khi hôm nay (18/8), HĐQT Tập đoàn này vừa chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của ông Đặng Tất Thắng kể từ ngày 17/8, đồng thời bầu bổ sung ông Doãn Hữu Đoàn đảm nhiệm vị trí. Ông Đoàn sinh năm 1982, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways.
Không chỉ đảo lộn vị trí quan trong trong HĐQT, hoạt động kinh doanh của FLC và các công ty thuộc “họ” FLC cũng gặp nhiều khó khăn.
Cuối tháng 7, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS thông báo hoãn công bố thông tin về việc Báo cáo Tài chính quý 2/2022 vì lý do đang chờ phê duyệt, cấp phép từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật. Không những vậy, BOS cũng chưa có báo cáo tài chính quý 1/2022.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) đang rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Đó là bởi cổ phiếu này ở trong tình thế trớ trêu: giá cổ phiếu treo ở mức rất cao gần 200.000 đồng/cp, nhưng khoảng gần 6 tháng qua không có nổi một giao dịch.
Trên thị trường, phiên 17/8, nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu nhóm FLC sau khi có thêm thông tin về các trường hợp sắp bị đình chỉ giao dịch. Đó là cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC và công ty liên quan tới hệ sinh thái: CTCP Nông dược HAI (H.A.I) và cả AMD do chưa khắc phục vi phạm về công bố thông tin.
Trước đó, DN khác cùng "họ" FLC là Xây dựng Faros (ROS) cũng bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 vì vi phạm công bố thông tin báo cáo tài chính quý II.
Không chỉ trên thị trường chứng khoán, các hoạt động của Tập đoàn FLC cũng gặp nhiều sóng gió. Kể từ giữa tháng 4, sau khi cựu Chủ tịch tập đoàn Trịnh Văn Quyết bị bắt, có tới 10 địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động loạt dự án của FLC như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi...
Tại Bình Định, nơi được coi như "đại bản doanh" của tập đoàn, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định đã có văn bản về việc chấm dứt hoạt động 2 dự án đầu tư của Tập đoàn FLC là dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại khu quy hoạch Trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực thuộc Khu lõi Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, xã Nhơn Hội và dự án Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió tại xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn.
Chưa kể, tập đoàn cũng bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế, yêu cầu phong tỏa tài khoản của tập đoàn này mở tại 3 ngân hàng gồm: OCB chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh Q.1 - TP.HCM và BIDV chi nhánh Thanh Xuân do tập đoàn có số tiền quá hạn nộp. Tổng số tiền bị cưỡng chế lên gần 224 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của FLC, tập đoàn lỗ ròng 644 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, FLC lỗ luỹ kế tới hơn 1.100 tỷ đồng.