Tây Ninh có đường biên giới dài 240km, giáp Vương quốc Campuchia, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều điều kiện về vị trí địa lý đặc thù, tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, văn hóa đa dạng, độc đáo.
Là cửa ngõ của hành lang Xuyên Á
Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo hướng Bắc - Nam, Tây Ninh cùng với Bình Phước là hai tỉnh của Nam bộ có vị trí cầu nối giữa cao nguyên Nam Trung bộ với đồng bằng Nam bộ.
Tỉnh có khoảng 8.260km đường bộ và hành lang vận tải thuỷ Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa-Vũng Tàu theo sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Theo hướng Đông-Tây, Tây Ninh có vị trí độc đắc là cửa ngõ của hành lang Xuyên Á, cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh (mặc dù toàn Nam bộ có tới 6 tỉnh giáp ranh và kết nối với Campuchia thông qua 28 cửa khẩu).
Có núi cao, có đồng bằng và cảnh quan sông nước
Vừa có núi cao vừa có đồng bằng và cảnh quan sông nước, Tây Ninh có sự đa dạng cao về nguồn lực thiên nhiên.
Tây Ninh cùng với An Giang là hai tỉnh của Nam bộ có núi cao, trong đó, Tây Ninh là tỉnh có núi cao nhất (núi Bà Đen cao 986m), được mệnh danh là nóc nhà của Nam bộ.
Tây Ninh với hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông cùng hồ nhân tạo Dầu Tiếng lại làm thành một hệ sinh thái sông - hồ và rừng đầu nguồn với cảnh quan vùng đệm tạo nên sự đa dạng cao về sinh học, sự đa dạng này đang được bảo tồn tốt tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Dòng sông Vàm Cỏ hoang sơ với cảnh quan làng quê thơ mộng và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát khi được khai thác trong một dự án xây dựng tuyến du lịch sinh thái Vàm Cỏ - Lò Gò - Xa Mát và kết nối với các điểm đến khác thành một chuỗi giá trị du lịch sẽ giúp Tây Ninh lột xác, vươn mình trở thành một hình mẫu phát triển du lịch đặc biệt ở Nam bộ.
Hồ Dầu Tiếng như một hồ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á với những đảo nhỏ trong lòng hồ và thiên nhiên hùng vĩ bên cạnh hồ là địa điểm lý tưởng để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và phát triển các trò chơi, hình thức thể thao trên nước.
Tận dụng tiềm năng lợi thế nguồn lực thiên nhiên, Tây Ninh đã và đang dần phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…
Nơi giao thoa, tích hợp của nhiều luồng văn hoá
Bàn về nguồn lực văn hoá của tỉnh Tây Ninh, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm rất tâm đắc: Một cách vắn tắt, bản sắc độc đáo nhất của Tây Ninh nằm ở sự đa dạng phong phú về nguồn lực, mọi giá trị cơ bản có ở Nam bộ đều có thể tìm thấy ở Tây Ninh. Có thể xem Tây Ninh là một Nam bộ thu nhỏ.
"Tây Ninh thuộc trường hợp rất hiếm hoi là có một giá trị đặc trưng mà chỉ cần dùng một mình cũng đủ để phân biệt nó với tất cả các tỉnh, thành còn lại của cả hai vùng Đông và Tây Nam bộ. Giá trị đặc trưng đó là sự đa dạng phong phú về nguồn lực", Giáo sư Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.
Tây Ninh là nơi giao thoa, tích hợp của nhiều luồng văn hoá theo thời gian - từ cổ đến kim (tháp Bình Thạnh, tháp Chót Mạt; đạo Cao Đài), theo không gian (từ Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, phương Tây) và theo chủ thể (Việt, Khmer, Chăm, bản địa Phù Nam).
Bên cạnh đó, ở Tây Ninh có đủ bốn tộc người chính của vùng Tây Nam bộ là Việt, Khmer, Chăm, Hoa; ngoài ra, Tây Ninh lại có các tộc ít người của riêng Đông Nam bộ như Stiêng, Tà Mun và một số tộc ít người khác.
Tây Ninh còn có 90 di tích được xếp hạng, từ di tích quốc gia đặc biệt đến các di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Những tài nguyên thiên nhiên như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát… là tiềm năng để du lịch phát triển.
Dự án hoàn thiện khu du lịch núi Bà cùng các dự án xây dựng chuỗi giá trị đặc thù nêu trên hỗ trợ cho nhau, liên kết với nhau tạo thành một chuỗi sản phẩm trong một tour du lịch 2 ngày sẽ buộc du khách phải cân nhắc về quyết định lưu trú, khiến Tây Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà với cả du khách quốc tế, không chỉ với du khách bình dân mà với cả du khách mọi đẳng cấp, giúp khắc phục nghịch lý 2
Kế hoạch năm 2023, Tây Ninh dự kiến sẽ đón khoảng 5 triệu du khách, doanh thu ước đạt 1.800 tỷ đồng, đó cũng là những con số kỷ lục từ trước đến nay của tỉnh (năm 2022 đạt 4,5 triệu du khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng).