Khai mạc diễn đàn - triển lãm hạt nhân lớn nhất thế giới
Sau 2 năm ATOMEXPO không được tổ chức trực tiếp do đại dịch Covid-19, sự kiện thường niên năm nay diễn ra sôi động tại Công viên Khoa học và Nghệ thuật Sirius, thành phố Sochi của Nga với sự tham dự của hơn 6.000 đại biểu đến từ 74 nước, trong đó có Việt Nam. Tại ATOMEXPO 2022 có tổng cộng 211 diễn giả, 142 đơn vị triển lãm và 27 hội thảo chuyên ngành và sự kiện hai ngày này dự kiến thu hút hơn 4.100 khách tham quan.
Chủ đề ATOMEXPO 2022 là “Năng lượng hạt nhân – kiến tạo tương lai bền vững”. Ông Egor Simonov, Giám đốc ROSATOM Asia, Phó Chủ tịch ROSATOM International Network (ROSATOM là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga) giải thích rằng, mùa xuân là thời điểm của cơ hội, là khởi đầu của một kỷ nguyên mới, một giai đoạn mới và mọi thứ lớn lên từ gốc, xây cao từ nền tảng vững thì sẽ bền lâu. “Năng lượng hạt nhân có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh ưu tiên toàn cầu là ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngành công nghiệp hạt nhân sở hữu một trong những công nghệ sản xuất điện sạch nhất và đáng tin cậy nhất, cũng như chịu trách nhiệm bảo đảm chuyển đổi năng lượng hiệu quả ở các nước và khu vực trên khắp thế giới. Đó là lý do chủ đề của diễn đàn năm nay là Năng lượng hạt nhân – kiến tạo tương lai bền vững”, ông Simonov nói.
Ngay trước lễ khai mạc ATOMEXPO 2022, một cuộc thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đa dạng hóa các giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh” đã được tổ chức với sự tham gia trực tiếp của 7 diễn giả, trong đó có một Cục trưởng phụ trách nhiên liệu và năng lượng trực thuộc Bộ Công Thương Nga và giám đốc điều hành của công ty Delph Engineering Consulting (Nam Phi). Vị diễn giả duy nhất tham gia trực tuyến là Giám đốc năng lượng của Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn (Việt Nam).
Sau lễ khai mạc ATOMEXO 2022 là phiên toàn thể với chủ đề “Mùa xuân hạt nhân”. Người điều hành phiên toàn thể (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Toàn cầu Sergey Brilyov) và các diễn giả (Bộ trưởng Năng lượng Belarus Viktor Karankevich, Thứ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar, Tổng giám đốc ROSATOM Alexey Likhachev…) nhất trí rằng, trong bối cảnh thị trường nhiên liệu hóa thạch có sự biến động mạnh về nguồn cung và giá cả, cần tích cực thảo luận về việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hiện có và thiết lập các chương trình hạt nhân quốc gia. Đại diện ROSATOM nhận định, chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu mới của thời kỳ phục hưng hạt nhân. Công nghệ hạt nhân đóng vai trò là động lực cho sự phát triển xã hội. Các giải pháp hạt nhân không chỉ giúp giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay mà còn góp phần quan trọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Sử dụng AI để ứng phó với những thách thức của kinh tế toàn cầu
Theo các diễn giả, thực tế địa chính trị mới có tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và phát triển thị trường tài chính. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ và sản xuất, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, khối lượng sản xuất và đầu tư giảm, lạm phát gia tăng cùng những thách thức khác đã để lại nhiều hậu quả với thị trường toàn cầu.
Các đại biểu tập trung bàn luận nhiều chủ đề nóng như nền kinh tế biển, trí tuệ nhân tạo (AI), hợp tác kỹ thuật số… Tận dụng AI cho mục đích công nghiệp và công nghiệp hạt nhân là loại thách thức đặc biệt do sự phát triển nhanh chóng của AI công nghệ. Các diễn giả cũng thảo luận về độ chín của thông tin, tính sẵn có của dữ liệu, bảo mật, mở rộng giải pháp và nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật; phân tích khả năng áp dụng nhiều loại công cụ và cách tiếp cận để loại bỏ rào cản khi thực hiện những dự án AI.
Một số đại biểu, trong đó có đại diện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), mổ xẻ phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm để phát triển bền vững và vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc thúc đẩy công nghệ nguyên tử. Nỗ lực chung của cả chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận sẽ mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công nghệ hạt nhân đối cuộc sống.