Mark Twain là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Mỹ, được biết đến với sự dí dỏm, hài hước và góc nhìn sâu sắc về xã hội Mỹ.
Mặc dù đạt thành tựu viên mãn trong sự nghiệp, cuộc đời của Twain lại là một chuỗi bi kịch, từ việc mất đi tất cả những người thân yêu đến khó khăn tài chính và thất bại trong kinh doanh.
Định mệnh với sao chổi
Mark Twain sinh năm 1835 tại thị trấn Florida, bang Missouri (Mỹ). Người ta quan sát vào đêm đó, sao chổi Halley đã sáng rực trên bầu trời Florida. 75 năm sau, sao chổi lại một lần nữa vẫy cái đuôi sáng lòa trên nền trời vào ngày ông ra đi.
Trong cuốn Mark Twain, một tiểu sử (1912), ông từng nói: "Tôi ra đời cùng lúc với sao chổi Halley vào năm 1835. Nó sẽ quay trở lại vào năm tới và tôi nghĩ rằng mình sẽ ra đi cùng nó. Đấng toàn năng chắc chắn đã nói rằng: 'Đây là hai thứ kỳ quặc không lý giải nổi; chúng đã tới cùng nhau sẽ phải đi cùng nhau".
Đúng như ngôi sao với thứ ánh sáng rực rỡ quệt ngang qua bầu trời, Mark Twain là cây bút nổi bật nhất trên văn đàn Mỹ.
Năm 1851, cha của Twain qua đời, ông phải bỏ học để làm thợ in. Ông cũng từng lái thuyền trên sông Mississippi, một trải nghiệm đã truyền cảm hứng cho sự nghiệp viết lách của ông sau này.
Năm 1865, Mark Twain xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, "Chú ếch nhảy nổi tiếng của Hạt Calavaras", đã gây tiếng vang. Sau thành công này, nhà văn tiếp tục xuất bản một số cuốn sách khác, bao gồm: Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer" và "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn"- các tác phẩm được coi là kinh điển của nền văn học Mỹ và thế giới.
Chuỗi bi kịch liên hoàn
Mặc dù thành tựu trong sự nghiệp, cuộc đời của Twain là một chuỗi bi kịch. Năm 1869, Twain kết hôn với Olivia Langdon và cặp đôi có với nhau 4 người con. Tuy nhiên, con trai lớn của họ, Langdon, chết vì bệnh bạch hầu khi mới 2 tuổi. Việc mất con trai khiến vợ chồng nhà văn này đau đớn tột cùng, tuy nhiên, đó không phải là bi kịch duy nhất mà họ phải đối mặt.
Năm 1896, con gái của ông là Susy qua đời vì bệnh viêm màng não ở tuổi 24. Twain đau buồn trước cái chết của cô và viết trong nhật ký của mình: "Sự cay đắng của cái chết đã qua. Nỗi buồn mãi còn".
Năm 1904, con gái Jean của ông qua đời vì một cơn động kinh ở tuổi 29. Mark Twain rất đau lòng và viết: "Tôi chưa bao giờ yêu bất kỳ đứa trẻ nào khác như tôi yêu con bé".
Cùng năm đó, vợ Olivia Langdon qua đời sau một cơn đau tim. Cái chết của người bạn đời đồng hành 34 năm là mất mát tột cùng đối với Mark Twain.
Tuy thành công trên cương vị là một nhà văn, ông không tránh khỏi những khó khăn về tài chính. Vào những năm 1880, ông đã đầu tư rất nhiều vào máy in đánh chữ với kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng ngành xuất bản. Tuy nhiên, dự án không thành công và nhà văn buộc phải nộp đơn xin phá sản vào năm 1894 và dành phần đời còn lại để làm việc, trả nợ.
Ngoài ra, ông được chẩn đoán viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, chứng đau thắt ngực. Năm 1910, nhà văn tài hoa người Mỹ qua đời ở tuổi 75.
Cuộc đời của Mark Twain là một câu chuyện thăng trầm. Di sản và tác động của ông đối với nền văn học Mỹ và thế giới vẫn tiếp tục được cảm nhận cho đến ngày nay.
Tử Huy (Theo Washingtonpost, Marktwainhouse)