Chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới
Thị trường xuất bản sách, văn học dịch chiếm thị phần không nhỏ nhưng đáng buồn trong khi lực lượng dịch giả dịch sách nước ngoài sang tiếng Việt tương đối lớn thì đội ngũ dịch văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài lại quá mỏng.
Số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài quá ít ỏi bởi nhiều nguyên nhân. Chủ yếu do thiếu nguồn kinh phí đầu tư cho việc dịch và quảng bá văn học, thiếu người đứng đầu dám nghĩ dám làm, thiếu mối quan hệ quốc tế và trong nước...
Hầu hết bạn thơ, bạn văn trên thế giới chỉ biết đến văn học Việt Nam qua một vài tác phẩm của những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Nhà thơ người Italia Laura Garavaglia (Chủ tịch ngôi nhà thơ Como) chia sẻ, nếu không dịch thơ của nhà thơ đương đại Việt Nam thì người dân Italia chỉ biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại thi hào Nguyễn Du, chỉ biết đến Việt Nam thời trước 1954.
Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế là một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh nền văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”. Muốn thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của mỗi dịch giả.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người có nhiều đầu sách được dịch sang tiếng nước ngoài, từng phát biểu về văn học dịch: "Mỗi dân tộc đều treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình, nhà văn có sứ mệnh phải rung quả chuông đó lên bằng văn chương. Nhưng tâm hồn của dân tộc đó phải có người vận chuyển qua biên giới để có thể đến được với tâm hồn của dân tộc khác, giúp hai dân tộc yêu và hiểu nhau. Đó chính là vai trò quan trọng và thiêng liêng của dịch giả".
Sứ mệnh của mỗi dịch giả
Bên cạnh công việc ở báo Xây dựng, tôi dành nhiều thời gian cho sách. Thành công lớn nhất khi dịch sách là tiếng nói, tư tưởng của mỗi tác giả, tác phẩm vượt ra khỏi biên giới, kết nối với những tâm hồn đồng điệu phương xa, là có thêm nhiều người bạn mới, thấu hiểu nhau với tình cảm ấm áp xuyên biên giới. Tên tuổi của dịch giả cũng được bạn đọc nước ngoài biết đến, và đặc biệt là hai tiếng Việt Nam được xướng lên đầy tự hào.
Chính vì thế, mỗi dịch giả hãy là một bông hoa nho nhỏ, từ đó kết thành bó hoa tươi thắm, rồi thành rừng hoa lớn, gom góp những tinh hoa văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới. Trách nhiệm của mỗi người là cần khởi lên một hành động, thực hiện hằng ngày bền bỉ, cùng chung sức tích tiểu thành đại giúp nền văn học nước nhà được tỏa sáng trên trường quốc tế.
Tôi tự hào là một trong những dịch giả thế hệ mới đang nỗ lực để đưa hàng chục tác phẩm và tác giả vươn ra biển lớn. Những tác giả, tác phẩm đó đều được bạn văn, bạn thơ thế giới ủng hộ, cổ vũ. Nhà thơ Eva (Hy Lạp) nhận xét: “Cảm ơn các bạn đã cho tôi hiểu thêm về đất nước con người Việt Nam qua những áng văn thơ miêu tả về quê hương đất nước. Tôi ước mong sớm được đặt chân lên đất Việt để tận mắt chứng kiến núi non hùng vĩ cũng như được hít hà bầu không khí Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tôi cũng ước ao được chiêm ngưỡng bông sen ở Việt Nam”. Còn nhà thơ Sando (Hungary) thốt lên: “Tôi đọc văn thơ hiện đại Việt Nam qua những bản dịch của các bạn và không thể trì hoãn bay ngay sang Việt Nam để được gặp gỡ các bạn”.
Rút kinh nghiệm từ bản thân trong quá trình dịch sách văn học, tôi thấy rằng muốn có được một bản dịch hay, đúng tinh thần của tác giả nguyên gốc phải bao gồm những yếu tố sau đây:
Không ngừng đọc sách
Để trở thành một dịch giả tốt, phải đọc và đọc rất nhiều. Nếu chỉ biết về một lĩnh vực mình yêu thích thì khó đảm bảo có bản dịch chất lượng. Dù bạn giỏi ngôn ngữ đó bao nhiêu cũng cần trau dồi thường xuyên. Điều này giúp ta thêm hiểu những nét tinh tế và phong cách đa dạng của một nền văn hóa.
Không ngừng cải thiện kỹ năng viết
Khi đọc nhiều, sẽ có đa dạng thông tin và văn phong du nhập trong chính tâm trí ta. Đừng copy của ai đó mà chỉ tham khảo, biến nó thành thứ ngôn ngữ và văn phong của bản thân. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác là hãy viết lên những ý tưởng, câu chuyện của riêng mình. Lâu dần theo thời gian, viết và đọc lại, chỉnh sửa, phát triển nó thành văn phong mang hơi thở của chính bản thể.
Nghiên cứu kỹ về tác giả
Nếu chọn dịch một cuốn sách của tác giả nào đó, cần suy tư một điều: đó là tác phẩm ấy đã được viết bởi một tác giả có màu sắc như thế nào. Họ là giáo viên, bác sĩ, người lao động bình thường, lãng mạn hay không, họ dùng ngôn ngữ nào để viết, dùng từ mô phạm hay bay bổng…
Người dịch cần tra cứu và đọc nhiều tác phẩm của cùng một tác giả, tìm ra cá tính riêng để khi dịch tìm từ ngữ chính xác hoặc gần đúng với cái “chất” của người viết. Cố gắng tìm ra sự kết nối của từ ngữ hoặc một cụm từ miêu tả cho ngữ nghĩa theo đúng với tinh thần ban đầu. Điều quan trọng là phải hiểu ý đồ của người viết, vì thế cần sự liên lạc trong quá trình dịch bằng cách đàm thoại, hỏi và đặt câu hỏi. Nếu tác giả đã khuất cần tìm đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm khác của họ.
Cần có sự sáng tạo riêng
Đôi khi tìm một từ ngữ tương đương với ngôn ngữ chuyển dịch là rất khó, thậm chí không thể có kết quả. Nhưng không vì thế mà khô cứng, ép bản thân phải cố tìm cho ra mà dịch giả có quyền phóng tác, biến hóa, chuyển thể và trở thành người đồng sáng tạo với tác giả.
Đôi khi, tác phẩm gốc có thể thiếu sót hoặc chưa đầy đủ về câu từ, ngữ nghĩa và người dịch tìm cách giảm nhẹ sự thiếu hụt này nhưng vẫn duy trì cốt cách nguyên mẫu. Có thể nói đây chính là một trò chơi rất khó nhưng phải dấn thân.
Chuẩn bị một tâm hồn đẹp
Hãy sắp xếp tâm trí thật thoải mái để bắt tay vào việc chuyển ngữ; gác lại những lo toan, tính toán, thị phi… để không bị tác nhân ấy làm ảnh hưởng đến tác phẩm. Bạn có thể nghe bản nhạc không lời du dương hay nhạc thiền. Và sắp xếp nơi làm việc thật lãng mạn, đẹp đẽ, theo đúng tinh thần văn học: một chỗ ngồi thoải mái, đủ ánh sáng, vài bông hoa đồng nội hoặc bất cứ thứ gì mà ta thấy đẹp, ta thích...
Ngày trước khi chưa có điều kiện, tôi thường dùng thứ cỏ cây bất kỳ mua ở ngoài chợ, rất rẻ như hoa hương nhu, hoa nhài, thậm chí hái vài bông hoa dại ven đường bày biện không cần chủ đích gần nơi mình ngồi, những thứ ngẫu nhiên đó giúp ta có thêm ý tưởng trong quá trình làm việc. Sau này khi có điều kiện hơn, tôi đầu tư hệ thống đèn tiffany, đèn chùm, đèn cổ… tự nạp thêm năng lượng tích cực cho bản thân. Từ đó giúp mình thoải mái và thăng hoa hơn trong quá trình đồng sáng tạo với tác giả.
Khánh Phương