Buổi học đầu tiên của một em bé 6 tuổi.
“Ước mơ của con là gì? Các con lên đây nói nhé?”, cô chủ nhiệm nhẹ nhàng động viên.
“Con ước sau này làm bác sĩ”, bạn thứ nhất nói.
“Con ước sau này làm nhà thiết kế thời trang vì như thế, sẽ được may nhiều váy đẹp”, bạn nhỏ thứ hai hồn nhiên.
“Con ước sau này làm Tổng giám đốc vì oách ạ”, bạn nhỏ thứ ba rất tự tin.
Có một “rừng” ước mơ lần đầu tiên được thổ lộ trước đám đông, từ những những cô bé, cậu bé thậm chí còn chưa nói tròn vành rõ chữ. Đó là buổi học đầu tiên ở lớp 1 của con gái tôi.
Lớp 1, bài học đầu tiên là học ước mơ. Bởi vì, ước mơ chính là cái đích lớn nhất để đi đến. Mơ những giấc mơ đẹp, những giấc mơ lớn và tìm cách thực hiện nó là một hành trình hấp dẫn nhất trong cuộc đời mỗi người.
Buổi học đầu tiên của lớp năm thứ nhất Đại học.
“Tôi sẽ không bao giờ điểm danh các em. Các em có thể đi học muộn hoặc không đến lớp. Điều đó thật sự chỉ liên quan đến quyền học của các em. Học phí là do bố mẹ các em trả. Các em không đến lớp thì nghĩa là các em từ chối quyền lợi của mình rồi”!
Những lời lẽ thẳng thắn và lạnh lùng, nhưng lại luôn được anh bạn tôi - một giảng viên đại học nói với sinh viên mỗi khi bắt đầu dạy một khóa mới.
Buổi học đầu có thể vắng, nhưng buổi học thứ hai thường sẽ đông và đầy đủ. Những lớp học trò sau này của anh ra trường vẫn luôn coi thầy mình như một người bạn lớn và tin cậy.
Bài học đầu tiên ở năm nhất Đại học là học cách có trách nhiệm với chính mình, là học để thực sự là người trưởng thành.
Ngày hôm nay, những người thầy đang thực sự đổi mới.
“Dạy chữ” đã khó, “dạy người” khó gấp bội. Tri thức là vô hạn. Những tri thức thầy cô có để truyền đạt sẽ chỉ là hữu hạn và không bao giờ đủ.
Các thầy cô mà tôi biết thường nhận mình là người đồng hành, người dẫn dắt, là người truyền cảm hứng chứ không phải "người dạy dỗ".
Đó mới chính là công việc khó khăn nhất của người thầy. Tri thức thôi không đủ! Một thế hệ tương lai được đào tạo làm chủ đất nước phải là những con người biết ước mơ, biết sống có lý tưởng, có khát vọng cống hiến và hiểu được trách nhiệm của mình với đất nước. Mỗi một ước mơ nhỏ của từng lớp học trò hôm nay sẽ là gắn với sự cường thịnh của dân tộc mai sau.
Tôi nghĩ công việc ấy là vĩ đại. Khi mà hơn 20 năm tới, thế hệ tương lai sẽ lĩnh sứ mệnh hoàn thành mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng.
Thế mà, một con số thật đáng suy ngẫm mới được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Lương và phụ cấp của thầy cô có thâm niên 5 năm ở các trường công lập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Sứ mệnh thì lớn lao. Xã hội luôn kỳ vọng nhiều ở những người thầy đổi mới. Toàn ngành giáo dục vẫn đang nỗ lực cải cách và đổi mới giữa muôn vàn khó khăn.
Tri ân thầy cô ý nghĩa nhất lúc này không phải chỉ là nhớ ơn, mà hãy chia sẻ, thấu hiểu và hành động, cùng thầy cô gánh sứ mệnh dạy người vinh quang ấy.