Tesla vào tâm bão

Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cổ phiếu Tesla đã tăng vọt 91%, đạt đỉnh ngay trước Giáng sinh, khi các nhà đầu tư kỳ vọng Musk và Tesla sẽ hưởng lợi lớn từ nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump – người mà Musk đã hỗ trợ tài chính mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử.

Với vai trò là nhà tài trợ lớn nhất cho Trump, Elon Musk đã nhanh chóng trở thành nhân vật có ảnh hưởng nhất trong chính quyền mới, vượt xa mọi cố vấn khác.

Ông được giao nhiệm vụ đứng đầu bộ phận Quản lý Hiệu quả Chính phủ (DOGE), nơi ông thúc đẩy các cắt giảm chi tiêu mạnh tay đã được Quốc hội phê duyệt trước đó, dẫn đến việc hàng nghìn công nhân liên bang mất việc.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tính đến phiên giao dịch ngày 6/3, cổ phiếu Tesla đã giảm 5,6% và hiện đã mất 45% giá trị so với mức đỉnh tháng 12, xóa sạch 96% mức tăng hậu bầu cử.

thedriven.jpeg
Phong trào biểu tình "TeslaTakeDown" phản đối Elon Musk đang nhen nhóm tại Mỹ. Ảnh: The Driven

Kể từ khi Trump chính thức nhậm chức và Musk nắm quyền điều hành chính sách tại DOGE, cổ phiếu Tesla đã giảm tổng cộng 38%. Sự sụt giảm này không chỉ phản ánh những khó khăn nội tại của Tesla mà còn cho thấy sự thay đổi trong cách các nhà đầu tư nhìn nhận vai trò của Musk trong chính quyền Trump.

Ban đầu, nhiều người kỳ vọng ông sẽ là một cố vấn kín đáo, không trực tiếp dấn thân vào các chính sách gây tranh cãi. Tỷ phú này trước đó đã đủ “bận bịu” với công việc điều hành từ Tesla, SpaceX, Neuralink cho đến X.

Sự sụt giảm giá cổ phiếu không chỉ bắt nguồn từ vai trò chính trị của Musk mà còn từ những thách thức mà Tesla đang đối mặt trên thị trường. Cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là từ Trung Quốc, đang đe dọa vị thế của Tesla.

Các công ty Trung Quốc không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn ghi dấu ấn tại châu Âu, nơi doanh số xe điện tăng 34% trong tháng 1, nhưng doanh số Tesla lại giảm tới 50%.

Tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ hai của Tesla sau Mỹ – doanh số hai tháng đầu năm giảm 29%. Ở Mỹ, doanh số Tesla giảm 16% từ tháng 12 đến tháng 1, dù đây có thể là xu hướng thường thấy sau đợt đẩy mạnh bán hàng cuối năm để đạt mục tiêu tài chính.

“Doanh số toàn cầu của ông ấy đang sụp đổ,” Gordon Johnson, một nhà phân tích nổi tiếng với quan điểm chỉ trích Tesla, nhận định. Ông cho rằng sự suy giảm tại Trung Quốc là do cạnh tranh, trong khi ở các nước phương Tây, sự bất mãn với Musk có thể là nguyên nhân. “Dù lý do là gì, ông ấy không thể đảo ngược tình thế. Chúng ta có thể thấy Musk sẽ không thể đạt được xe tự lái hoàn toàn. Năm nay có thể là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của cổ phiếu Tesla”.

Ngay cả những nhà đầu tư lạc quan cũng bắt đầu lung lay niềm tin. Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, cho biết: “Các nhà đầu tư đang dần điều chỉnh kỳ vọng về doanh số giao hàng trong năm nay”.

Cách đây vài tháng, Musk từng dự báo mức tăng trưởng giao hàng từ 20% đến 30% cho năm 2025. Nhưng gần đây, CEO hãng xe không còn nhắc lại mục tiêu đó, khiến giới phân tích và nhà đầu tư hiểu rằng nó đã không còn khả thi.

Ngã rẽ quan trọng

Hiện tại, không ai rõ điều gì có thể giúp Tesla vực dậy doanh số. Sự sụt giảm giá cổ phiếu là minh chứng rõ ràng cho những khó khăn mà công ty đang đối mặt, từ cạnh tranh khốc liệt đến hình ảnh công chúng ngày càng gây tranh cãi của Musk.

Dù là một thiên tài kinh doanh hay một nhân vật quyền lực trong chính trị, Musk dường như đang đứng trước ngã rẽ quan trọng: tập trung cứu Tesla hay tiếp tục tham gia sâu vào chính quyền Trump. Với các nhà đầu tư, câu trả lời không còn đơn giản như những ngày Tesla còn ở đỉnh cao.

politico.jpeg
CEO Tesla đứng trước bài toán cân bằng giữa cuộc chơi chính trị và lợi ích thương mại của những doanh nghiệp mà ông đang điều hành.
Ảnh: Politico

Ngoài những lo ngại về việc những người theo chủ nghĩa tự do có thể tránh mua xe Tesla để phản ứng với quan điểm chính trị của Musk, Munster cho biết còn có một mối quan ngại khác: Musk dường như đang bị phân tâm khỏi việc điều hành Tesla – công ty đóng vai trò nền tảng cho phần lớn tài sản của ông.

“Musk thực sự đã viết lại cuốn sách về khả năng của các nhà lãnh đạo trong việc đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Trước đây, điều đó thường bị coi là không nên”, Munster nói, đề cập đến việc Musk không chỉ là CEO của Tesla mà còn của SpaceX, chủ sở hữu chính của nền tảng mạng xã hội X, đồng thời là người sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo xAI và Neuralink – nơi đang nỗ lực cấy ghép chip máy tính vào não người để điều khiển máy tính. “Tôi nghĩ rằng có những giới hạn tự nhiên đối với những gì ông ấy có thể làm. Ông ấy đang ôm đồm rất nhiều thứ".

Ngoài ra, còn có thể xuất hiện những lo ngại ngày càng tăng rằng khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, phía Trung Quốc có thể nhắm đến Tesla để thực hiện các biện pháp trả đũa vì vai trò của Musk trong chính quyền Trump.

“Bắc Kinh có thể ban phát đặc ân hoặc từ chối đặc ân”, Isaac Stone Fish, CEO của Strategy Risks – một công ty tình báo kinh doanh, nhận định. “Họ có nhiều đòn bẩy để tác động lên Elon Musk và Tesla”.