Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam (VIDW) năm 2023 đã khai mạc tại tỉnh Quảng Ninh sáng ngày 12/12, với sự tham gia của các lãnh đạo, quan chức cấp cao từ nhiều nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế và tập đoàn công nghệ đến từ 22 quốc gia.
Chuỗi các sự kiện trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023 gồm: Hội nghị bàn tròn về trí tuệ nhân tạo, Hội nghị Asean về 5G, Hội thảo Asean về kinh nghiệm phát triển và khai thác nền tảng số cho chính phủ số, Hội thảo Asean về chuyển vùng di động, Hội thảo khu vực về hạ tầng CNTT an toàn và đa dạng.
Điểm nhấn của Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023 là Hội nghị bàn tròn về phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo diện hẹp trong nền kinh tế số (Narrow AI Application), chủ đề thu hút sự quan tâm lớn nhất hiện nay từ giới công nghệ đến các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Trọng tâm của hội nghị là chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển các ứng dụng Narrow AI.
Hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế kết nối, thiết lập quan hệ đối tác, cùng nghiên cứu và phát triển Narrow AI, đồng thời, giới thiệu 15 sản phẩm điển hình về Narrow AI do Việt Nam phát triển tới bạn bè quốc tế.
Đây cũng là dịp trưng bày và quảng bá các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng AI nổi bật từ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Nhiều sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ đã thay thế sản phẩm nước ngoài và được ứng dụng rộng rãi như trợ lý ảo pháp luật Viettel, trợ lý giọng nói tiếng Việt Kiki và ViGPT - "ChatGPT phiên bản Việt", AICLIP - ứng dụng tạo video và MC ảo…
"Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI"
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 50 năm qua đã chứng kiến cuộc cách mạng máy tính, cuộc cách mạng Internet, cuộc cách mạng di động và cuộc cách mạng đám mây.
Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này tin rằng cuộc cách mạng AI sẽ mang tính biến đổi nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng nói trên trong 50 năm qua cộng lại.
Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc cách mạng AI và một số quốc gia đã có chiến lược AI quốc gia.
Liên Hợp Quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế đã xác định AI là lĩnh vực hợp tác quan trọng và đã tổ chức nhiều hội nghị về chủ đề “AI for Good”. Sự phát triển của AI mang lại cả cơ hội và thách thức cho tất cả. Các quyết định về cách sử dụng và điều chỉnh AI sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai.
Về vấn đề này, Việt Nam đã chọn chủ đề của Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam lần thứ 2 là “Ứng dụng AI diện hẹp”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, AI diện hẹp là AI chuyên biệt và tập trung. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và đào tạo cho một nhiệm vụ cụ thể hoặc một nhóm nhiệm vụ hẹp.
"AI diện hẹp hiện đã sẵn sàng để áp dụng rộng rãi. AI diện hẹp cho phép chúng tôi tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của AI trong các ứng dụng cụ thể. Việc này đưa AI đến với mọi người, mọi nơi, mọi quốc gia ở các mức độ phát triển khác nhau, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cuộc cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thích ứng nhanh, sẵn sàng thay đổi và đón nhận sự thay đổi. Trong thời đại cách mạng AI, tương lai không phải là một đường nối dài của quá khứ. Các nước đang phát triển nếu biết nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả lợi ích của AI sẽ có tiềm năng phát triển đột phá, bắt kịp các nước phát triển. Cuộc cách mạng AI cũng đòi hỏi phải tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro. Cuộc cách mạng AI cũng là một hành trình rất dài nên các nước cần phải đi cùng nhau.
Tại hội nghị, ông Nomura Eigo, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Toàn cầu Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, cho biết AI hiện đang phát triển và lan rộng nhanh chóng, trách nhiệm của chúng ta, với tư cách thành viên của cộng đồng quốc tế, là tối đa hóa lợi ích của công nghệ đồng thời giảm thiểu rủi ro vì lợi ích chung. Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy Al an toàn, bảo mật và đáng tin cậy trên toàn thế giới.
Còn theo bà Atsuko Okuda, Giám đốc Văn phòng Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trí tuệ nhân tạo đã được triển khai nhanh chóng trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính, tác động của Al đối với kinh tế Đông Nam Á có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh này, ITU đã triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, thúc đẩy kết nối kỹ thuật số giữa các cộng đồng chưa được kết nối. ITU gần đây đã mở văn phòng Khu vực và trung tâm đổi mới tại New Delhi, Ấn Độ với hy vọng sẽ thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số. ITU hy vọng rằng những biện pháp can thiệp này sẽ thúc đẩy việc triển khai Al toàn diện và bền vững.