Vào cuối những năm 1990, hai doanh nhân là Steven Abramson và Sidney Rosenblatt đã trình diễn cho một hãng điện tử khổng lồ công nghệ màn hình phẳng mới của họ. Nhưng nó hoạt động không được tốt.
Điều này làm hãng điện tử cũng băn khoăn về khả năng tồn tại lâu dài của nó. “Các anh muốn chúng tôi đặt cược tương lai của công ty mình vào công nghệ của các anh ư?” Vị khách hàng tiềm năng đặt câu hỏi sau bài thuyết trình. “Steve và tôi nhìn nhau và nói, ‘Ông ấy nói cũng có lý’.” Rosenblatt cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Nhưng ông không cho biết nhà sản xuất mà ông nói đến.
Sau gần 20 năm và khoảng nửa tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển, cuối cùng thành quả đã được đền đáp. Hãng Apple sẽ ra mắt chiếc iPhone mới, sử dụng màn hình OLED, công nghệ do cả Abramson và Rosenblatt đã làm việc về nó từ lâu. Hiện công ty họ đang điều hành, Universal Display Corp, được định giá đến 5,4 tỷ USD, gần gấp đôi một năm trước – chủ yếu nhờ vào một khách hàng của họ là công ty giá trị nhất thế giới, Apple.
Khi Apple chiến đấu để duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ trên smartphone, họ đang tìm đến các nhà cung cấp ít tên tuổi, những người đã dành nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để phát triển các thành phần với hy vọng một ngày nào đó, nó sẽ được chấp nhận rộng rãi. Cũng như Universal Display, các công ty khác như Lumentum Holdings Inc. và AMS AG đều đang hưởng lợi từ phiên bản kế tiếp của thiết bị bán chạy nhất Apple.
Chiếc iPhone 8 sẽ là bản nâng cấp đáng kể nhất cho dòng thiết bị này của Apple từ năm 2014 cho đến nay. Các smartphone đã chuyển đổi vai trò từ một thiết bị liên lạc sang một trung tâm thông tin di động, dùng để xác định danh tính, thanh toán, giả trí và cả các trải nghiệm mới như thực tế tăng cường AR. Điều đó đòi hỏi các nâng cấp lớn về phần cứng, buộc Apple phải tìm kiếm chuỗi cung cấp toàn cầu cho các công cụ và dịch vụ vốn thường có ít nhu cầu sử dụng cho đến thời điểm này.
Đưa công nghệ laser dẫn đường tên lửa vào điện thoại
Theo nguồn tin từ Bloomberg News, bên cạnh việc sử dụng màn hình OLED, chiếc iPhone mới còn có cảm biến 3D phía trước để nhận diện khuôn mặt và mở khóa màn hình. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh ứng dụng một công nghệ cho đến nay mới chỉ thành công trên hệ thống cảm biến chuyển động của máy chơi game cầm tay Microsoft Xbox. Với iPhone, thị trường sẽ tăng trưởng bùng nổ.
Theo Alex Henderson, một nhà phân tích của Needham & Co, Lumentum đang làm ra các laser sử dụng trong những cảm biến 3D này và kiểm soát 75% thị trường đó. Nhà cung cấp tại Milpitas, California này đang kỳ vọng sẽ xuất xưởng lượng máy laser trị giá 200 triệu USD trong năm nay, phần lớn trong số đó sẽ được dùng trên những chiếc iPhone. Theo Henderson, đến trước tháng Bảy này, tổng doanh thu của Lumentum từ thị trường đó chỉ khoảng 5 triệu USD.
“Lumentum đã làm việc trên lĩnh vực này trong ít nhất một thập kỷ nay.” Henderson cho biết. Ông kỳ vọng thị trường laser 3D sẽ có giá trị 2 tỷ USD vào năm 2020. Cổ phiếu của Lumentum đã tăng 65% trong năm qua. Phát ngôn viên của Lumentum từ chối bình luận về thông tin trên.
Theo một nguồn tin của Bloomberg, Viavi Solutions Inc., phần còn lại của JDS Uniphase sau khi tách Lumentum ra thành một doanh nghiệp riêng, sẽ cung cấp các bộ lọc laser 3D cho iPhone. Các bộ phận này chủ yếu được sử dụng trên hệ thống dẫn đường tên lửa bằng laser, nhưng khi những nhà sản xuất smartphone nghiên cứu chúng cho hệ thống nhận diện gương mặt, Viavi đã thiết kế ra một phiên bản nhỏ hơn. Họ kỳ vọng sẽ thu được từ 35 triệu đến 45 triệu USD doanh thu liên quan đến cảm biến 3D trong năm tài chính 2018. Cổ phiếu của Viavi đã tăng 38% trong năm qua.
Công nghệ cảm biến 3D
Các công ty cảm biến khác cũng được hưởng lợi từ điều này. Công ty AMS tại Áo nhận ra tiềm năng của các cảm biến quang học vào năm 2011 khi họ thâu tóm lại công ty Texas Advanced Optoelectronic Solutions Inc.. Thỏa thuận này cho phép họ có được các thành phần thích ứng với độ sáng màn hình iPhone theo những điều kiện ánh sáng xung quanh nhằm phát hiện liệu thiết bị có được đặt ở sát tai hay không, để vô hiệu hóa màn cảm ứng.
Thương vụ Apple mua lại công ty PrimeSense ở Israel vào năm 2013 đã cho thấy họ rất nghiêm túc về công nghệ cảm biến 3D. AMS đáp lại mối quan tâm đó bằng cách tăng tốc nỗ lực của họ khi tiến vào lĩnh vực này. Họ chi ra 600 triệu USD để thâu tóm Heptagon Micro Optics Pte và Princeton Optronics Inc., bổ sung các cảm biến nhằm nhận tín hiệu từ laser Lumentum và các công ty khác.
Theo nguồn tin từ các nhà phân tích của Bloomberg, 20% doanh thu của AMS đến từ Apple. Các nhà phân tích kỳ vọng những đơn đặt hàng sắp tới từ Cupertino sẽ giúp doanh thu của công ty tăng gấp đôi tới hơn 1 tỷ Euro (khoảng 1,2 tỷ USD) trong năm nay.
“Giờ họ đang có toàn bộ điều kiện cần thiết.” Guenther Hollfelder, nhà phân tích của Baader Bank cho biết. “Ngay cả trong ngắn hạn, mảng kinh doanh cảm biến 3D sẽ gia tăng đáng kể nhờ vào mối quan hệ với Apple.”
Trước khi tham gia vào các thương vụ thâu tóm trong năm 2011, cổ phiếu của AMS, với các sản phẩm tập trung vào ứng dụng công nghiệp và ngành tự động, chỉ xoay quanh mức 10 franc Thụy Sỹ (khoảng 10,26 USD) trong nhiều năm. Giờ đây cổ phiếu của họ đang ở mức giá 70 franc Thụy Sỹ.
Đầu tư vào các cơ sở sản xuất mới để đáp ứng nhu cầu của Apple có nghĩa là một số nhà cung cấp đang chi tiêu trong khi doanh thu vẫn chưa hề gia tăng. Điều này sẽ tạo ra một rủi ro, khi Apple có thể quyết định từ bỏ các công nghệ mới sau một hay hai năm, để lựa chọn các nhà cung cấp khác hoặc sử dụng các hệ thống tự phát triển. Nhà thiết kế chip Imagination Technologies Group Plc đã học được bài học đó theo cách khắc nghiệt nhất trong năm nay, khi họ tiết lộ thông tin về việc đang mất đi mối quan hệ với Apple.
Chờ đợi sạc không dây
Một sáng tạo cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện là sạc không dây. Thay vào đó, chiếc iPhone kế tiếp sẽ sử dụng tính năng sạc cảm ứng từ (inductive charge) tương tự như Apple Watch, với bộ phận sạc phải ở sát bên cạnh thiết bị thay vì truyền năng lượng trong không gian.
Vào năm 2016, công ty tại San Jose, California, Energous Corp cho biết họ đang phát triển một loại sạc không dây mới với “một đối tác chiến lược”, mà theo các nhà phân tích và đầu tư, đó chính là Apple. Cổ phiếu của công ty năm đó đã tăng gấp đôi, nhưng đến năm 2017, giá cổ phiếu công ty đã sụt giảm một phần do sự trì hoãn trong việc có được sự chấp thuận từ Cơ quan quản lý liên lạc Liên bang (FCC) cho thiết bị của mình.
Apple thường thiết kế và thử nghiệm các tính năng cho những chiếc iPhone mới khoảng một năm trước khi thiết bị được bán ra. Theo ông Ilya Grozovsky, nhà phân tích của hãng National Securities, điều đó có nghĩa là tính năng sạc không dây sẽ không có mặt trên chiếc iPhone sắp ra mắt bởi vì công nghệ này vẫn chưa sẵn sàng từ 12 tháng trước.
Grozovsky cho biết, “Có lẽ công nghệ này sẽ có mặt trong một hay hai năm nữa.” Vào tháng Năm vừa qua, FCC đã chấp thuận một hệ thống của Energous cho phép truyền năng lượng qua khoảng cách ngắn và họ vẫn đang tìm kiếm sự chấp thuận cho các khoảng cách xa hơn.
Phần thưởng cho sự kiên trì
Cho đến nay, kinh nghiệm của Universal Display cho thấy sự kiên nhẫn đôi khi sẽ mang lại phần thưởng. Công ty cho biết, giờ họ đang nhận được “một vài xu” doanh thu cho mỗi inch vuông màn hình OLED được bán cho khách hàng của mình.
Công ty chuyên về màn hình OLED này có hai nhánh trong mảng kinh doanh của mình. Kể từ khi được thành lập vào năm 1994, bộ phận R&D đã làm việc về công nghệ OLED với màu sắc sống động hơn và tiêu thụ năng lượng thấp hơn. Sau đó từ hàng ngàn bằng sáng chế của mình, họ cấp phép tài sản trí tuệ này cho các nhà sản xuất màn hình như Samsung Display Co. Ltd, công ty chuyên sản xuất tấm nền OLED và công ty chị em với nó, Samsung Electronics Co. khi họ sử dụng màn hình này cho smartphone của mình.
“Ban đầu, chúng tôi có các vật liệu thắp sáng trong 10 giây và chết.” Rosenblatt nói. Giờ chúng có thể tồn tại trong 20 năm, với độ sáng màn hình chỉ bị suy giảm rất ít. Bộ phận thứ hai của công ty bán các vật liệu phát lân quang, sản xuất khi hợp tác với PPG Industries Inc., sử dụng để sản xuất các tấm nền OLED.
Khi Universal Display niêm yết công khai vào năm 1996, Rosenblatt, Abramson và nhà sáng lập Sherwin Seligsohn kỳ vọng công nghệ này sẽ được chấp nhận rộng rãi trong vòng 5 năm.
“Vào năm 1999, chúng tôi nhận ra rằng, khi chúng tôi thuê 5, 6 hay 7 nhân viên kỹ thuật, nó sẽ mất nhiều thời gian hơn.” Rosenblatt cho biết. “Chúng tôi không kiếm được nhiều tiền, không được trả quá nhiều cho việc đó. Nhưng chúng tôi biết chắc một điều rằng, OLED là công nghệ của tương lai và chúng tôi không bao giờ thay đổi trọng tâm của mình.”
Vào tháng Hai, công ty sẽ thông báo lần chia cổ tức đầu tiên của mình sau khi có đủ lợi nhuận để trang trải cho khoản chi phí 500 triệu USD cho việc R&D trong suốt 20 năm qua.
Theo GenK