Sát Tết luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm. Người người nhà nhà "chạy" lo chuyện Tết. Và cũng bởi sự bận rộn ấy, vô số chuyện bi hài, nan giải đã xảy ra như tìm người giúp việc, sửa chữa nhà cửa... VietNamNet mở diễn đàn "Chuyện bi hài ngày Tết". Mời độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình về vấn đề này tại địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn
Thấy chiếc xe hơi sang trọng đỗ trước cổng, bố mẹ chồng tôi rạng rỡ chạy ra, miệng không ngớt lời khen: “Con trai giỏi quá, mới đây mà đã mua xe đẹp thế này rồi. Chúc mừng các con”.
Tôi nghe mà buồn thắt ruột gan nhưng cũng cố gắng cười để bố mẹ chồng vui lòng. Chúng tôi bước xuống xe, các con ôm chầm ông bà. Ở quê, bố mẹ cũng chỉ mong có ngày này, đợi con cháu về sum vầy, nhìn thấy các con thành đạt.
Đó là lý do chồng tôi dù không có công ăn việc làm suốt 2 năm nay vẫn không nói với bố mẹ một lời. Anh sợ ông bà buồn rồi lại suy nghĩ, ảnh hưởng sức khỏe.
Anh nỗ lực xin việc nhưng ở công ty nào cũng chỉ làm được 2-3 tháng lại nghỉ. Chán cảnh làm thuê, anh vay vốn tự làm chủ nhưng rồi nợ không đòi được, đơn hàng không có khiến anh càng nản chí.
Suốt 2 năm nay, tôi một mình gồng gánh gia đình, có lúc kiệt sức muốn buông xuôi.
Anh hứa lần này ra Tết sẽ tu chí làm ăn, dù là công việc lương bèo bọt cũng chấp nhận. Thế nên, để bố mẹ có cái Tết ấm no, vui vẻ, anh quyết định thuê xe, “đánh bóng” bản thân, giúp bố mẹ tự hào với hàng xóm.
Thấy con trai "giàu có", ông bà liên tục đề nghị mua thứ này, sắm thứ kia. Chồng tôi không từ chối vì sợ bố mẹ thất vọng. Mỗi lần anh gật đầu là mỗi lần tôi cảm thấy ruột gan rối bời.
Tôi biết rõ tài chính gia đình hiện thế nào. Tiền tiết kiệm đã hết, tiền nợ ngân hàng vẫn còn đó. Vậy mà anh vẫn cố làm hài lòng tất cả. Anh còn bảo tôi: “Ở nhà ngoại cũng phải giấu, lỡ lộ ra, bố mẹ biết, bà con biết, anh còn mặt mũi nào?”.
Nhưng tôi hiểu, sự thật không thể che giấu được. Tết đến, tiền biếu ông bà, quà cáp cho họ hàng, những khoản chi tiêu lớn nhỏ cứ chất chồng. Tôi đã nghĩ đến việc bán đi mấy chỉ vàng tiết kiệm để lo cho cả hai bên nội ngoại.
Nhưng tôi nhận ra rằng sự hy sinh âm thầm của mình sẽ không giải quyết được điều gì nếu chồng không cố gắng, cứ sĩ diện hão. Phải làm cho anh cảm thấy xấu hổ mà có động lực cố gắng.
Cuối cùng, không hỏi ý kiến chồng, tôi quyết định nói thật với bố mẹ chồng. Khi biết con trai thất nghiệp, ông bà buồn lắm.
Bố chồng tôi hỏi: “Tại sao thất nghiệp mà không nói? Bố mẹ có đòi hỏi gì đâu? Bố mẹ muốn tự hào về các con nhưng không phải vì thế mà các con phải mượn danh này danh kia hay đi thuê xe làm hài lòng bố mẹ. Con làm thế bố mẹ càng buồn”.
Những lời của bố khiến chồng tôi tủi thân. Anh giận tôi vì tôi không chịu nghe lời anh, để anh không còn sĩ diện. “Anh đã hứa ra Tết kiếm việc, sao em không tin anh? Em làm vậy, giờ anh còn mặt mũi nào nhìn ai nữa”, anh oán trách.
Tôi im lặng, không cãi lại. Tôi thực sự đã quá mệt mỏi. Tôi chỉ muốn người trong nhà sống thật với nhau, không cần phải màu mè hình thức. Nếu tiếp tục che giấu sẽ làm tất cả không thể cởi mở, vui vẻ thực sự.
Tôi biết anh giận nhưng tôi không bận lòng. Có thể anh không hiểu tôi lúc này nhưng rồi có lúc anh sẽ hiểu vì sao tôi làm vậy.
Tôi cũng mong anh vì sự thật này mà cố gắng, không mơ tưởng hão huyền, nghĩ đến việc làm giàu nhanh chóng. Khi chưa đủ năng lực để làm ăn lớn như người ta thì hãy “tích tiểu thành đại”.
Độc giả Mai An