Ngay trước kỷ niệm 50 năm ngày lần đầu tiên con người bay vào khoảng không vũ trụ (12-4-1961 – 12-4-2011), Ủy ban điều tra chính phủ về tai nạn thảm khốc làm phi công vũ trụ số 1 của hành tinh Yuri Gagarin tử nạn đã công  bố kết quả điều tra sau 43 năm giữ kín.

 

Nguyên nhân cái chết của hai phi công đã được... bảo mật

 

Xin nhắc lại là vào ngày 27-3-1968, Gagarin cùng huấn luyện viên bay Vladimir Seregin bay tập trên chiếc máy bay huấn luyện MIG 15. Máy bay đang bổ nhào thì bị rơi đâm đầu xuống đất tại khu rừng gần Kirdzach. Cú đâm mạnh đến mức chiếc máy bay nặng 5 tấn đã vỡ tan hệt như một cái lọ thủy tinh bị đập vào bức tường bê tông.


Ngay lập tức, một Ủy ban điều tra của chính phủ đã được thành lập để điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của Yuri Gagarin và bạn của ông. Công việc đã được tiến hành cực kỳ cẩn trọng, với sự hỗ trợ của hàng trăm chuyên gia. Người ta đã dò tìm từng li từng tí một khu vực có bán kính 3 cây số quanh cái hố hình phễu mà chiếc MIG 15 để lại khi lao xuống. Từng mảnh vụn bé nhất của chiếc máy bay được nghiên cứu kỹ lưỡng. Và... 

Các kết luận của Ủy ban điều tra được đóng dấu mật. Cho đến trước ngày 7-4-2011, chỉ có một tài liệu chính thức duy nhất về cái chết của Gagarin và Seregin được công bố là cáo phó của Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô: “... Do tai nạn khi đang thực hiện chuyến bay tập...”. Trong cáo phó không có một chữ nào về nguyên nhân cái chết của hai phi công. 

Liệu có thể nói rằng giờ đây, sau 43 năm, rốt cuộc chúng ta được biết sự thật về cái chết của Gagarin?

Gagarin chuẩn bị bay vào vũ trụ

 

Vì động tác bổ nhào quá gấp!

 

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do Gagarin thực hiện động tác cơ động quá gấp. Ủy ban điều tra kết luận: “Xuất phát từ phân tích các tình tiết của chuyến bay và các vật chứng điều tra, nguyên nhân nhiều khả năng nhất của tai nạn là việc thực hiện quá gấp động tác cơ động để tránh một bóng thám không. Hoặc là, ít khả năng hơn, để tránh việc máy bay lao vào mép cao của lớp mây thứ nhất” - ông A. Stenanov, người đứng đầu cơ quan bảo đảm hoạt động lưu trữ của tổng thống Nga trích dẫn từ văn bản kết luận. 

Kết quả là động tác bổ nhào quá gấp đã dẫn tới máy bay lao xuống đất trong điều kiện thời tiết phức tạp. Tuy nhiên, liệu có không chứng cứ chính Gagarin là người thực hiện động tác cơ động quá gấp? Có thể là Seregin thực hiện động tác cho máy bay tránh nguy hiểm? 

Hơn nữa, theo ý kiến của các chuyên gia thì người điều khiển máy bay cuối cùng là Seregin: Góc phá hủy trên miếng đệm chân ga máy bay trùng với góc phá hủy đế giày của Seregin. Trên đế giày của Gagarin không có dấu vết đó. 

Và một câu hỏi thông thường: tại sao cả nước phải đợi lâu như vậy để tài liệu được giải mật? Lãnh đạo của Đảng (nơi báo cáo của Ủy ban điều tra được gửi tới) có thể đã quyết định rằng không nên làm hoen ố hình ảnh của một anh hùng nhân dân (đã phạm sai lầm trong điều khiển máy bay) và cho báo cáo vào tủ mật.

Đây được coi là bức ảnh cuối cùng của Gagarin

 

Nhưng, nếu nghĩ cho kỹ thì đến hôm nay câu hỏi ai là người cuối cùng điều khiển máy  bay không còn quan trọng nữa. Bởi vì sau nhiều chục năm, kết tội các phi công thiếu chuyên nghiệp là ngu ngốc và thiếu tử tế. Seregin là một phi công cực kỳ kinh nghiệm. Ông rất nghiêm túc trong nỗ lực khôi phục các kỹ năng bay của Gagarin. Điều quan trọng hơn là cuối cùng biết được sự thật. Bởi hậu quả của việc “im lặng” ngần ấy năm là sự xuất hiện của không dưới hàng chục giả thiết về cái chết của người anh hùng.

 

Vẫn cần một cuộc điều tra khác

 

Ngay từ những năm 70 thế kỷ trước, phi công vũ trụ số hai của hành tinh là German Titov đã nêu giả thuyết tương đối giống với kết luận vừa được công bố của Ủy ban điều tra của chính phủ. Ông cho rằng máy bay có thể đã va phải một trong các bóng thám không do các nhà khí tượng đưa lên không trung. Có một thiết bị được treo trên bóng thám không này, có thể nó đã va vào cánh hoặc ca bin máy bay. Nhưng người ta đã không lắng nghe Titov. 

Một chuyên gia khác về thiết bị hàng không là I.I. Kuznetsov trong một nghiên cứu trước đây đưa giả thuyết là ca bin máy bay đã bị hở khiến các phi công trong khoảnh khắc bị mất tri giác. Ông cũng cho rằng máy đã bổ nhào gấp. Theo ông, khi Gagarin và Seregin tỉnh lại thì đã quá muộn: máy bay chỉ còn cách mặt đất vài mét. 

Có thể các chuyên gia sẽ không bị thuyết phục đến cùng bởi kết luận của Ủy ban điều tra. Còn có quá nhiều điểm chưa rõ. “Cá nhân tôi không khẳng định dứt khoát sai lầm của phi công - Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm vũ trụ Nga A. Dzeleznyakov nói - Có một loạt nguyên nhân, khi phi công nhìn thấy phía trước có một vật thể, anh ta sẽ phản ứng theo bản năng để tránh va chạm”. 

Chúng tôi nghĩ rằng chỉ một cuộc điều tra khác mới có thể đặt dấu chấm cuối cùng cho việc giải mã nguyên nhân tai nạn của chiếc MIG 15 của Gagarin. Rất may là mảnh vụn của chiếc máy bay xấu số hiện vẫn còn giữ tại một trong các viện nghiên cứu hàng không ở gần Mátxcơva.

 

Theo Tiền Phong/ Sự thật Thanh niên - Nga