Đó là mộ công chúa Lê Thị Mai Hoa, đời nhà Lê, hiệu diệu Thái Thành công chúa, mất ngày 16 tháng 3 năm Thìn!

Đủ thứ đồn đại ở Lăng Cô

Ninh Hiệp nổi tiếng cả trăm năm nay với nghề thuốc và nghề buôn vải. Giờ cả Hà Nội và các tỉnh lân cận nhập vải từ Ninh Hiệp nên vùng đất làng Nành cổ xưa này biến thành chợ đầu mối cung ứng nguyên liệu thuốc Bắc và vải vóc, quần áo.

Trục đường chính sầm uất như phố thị. Tôi tạt vào một cửa hàng quần áo, hỏi đường về thôn 1, tức thì chị hỏi lại: “Đến mộ công chúa Mai Hoa hả. Anh đi thẳng, đến bờ mương thì rẽ phải. Còn vòng vèo lắm, nên cứ vừa đi vừa hỏi”.

Khai quật mộ xác ướp.

Đến thôn 1, tôi dừng xe, chưa kịp hỏi, người dân đã hỏi ngược lại: “Hỏi mộ công chúa Mai Hoa hả?”.

Nghĩa địa của làng nằm giữa cánh đồng. Giữa trưa chang chang nắng mà xe cộ xếp hàng dọc con đường bê tông dẫn ra mộ dài tới cả trăm mét.

Ngôi mộ nằm ngay đầu nghĩa địa. Mấy cây trứng cá trồng quanh mộ tốt um tùm tỏa bóng mát. Dưới tán hàng trứng cá, nam thanh nữ tú ngồi hóng mát, trò chuyện đủ thứ liên quan đến ngôi mộ và cô công chúa bí ẩn.

Phía trong khu mộ có tới cả trăm người, đủ cả nam nữ, già trẻ, gái trai xì xụp cúng bái, hương khói mù mịt quanh ngôi mộ được xây cất tử tế.

Tôi ghé chiếc ghế đá ngồi, người phụ nữ dáng dấp sang trọng, xinh đẹp bắt chuyện. Chị tên Trang, có cửa hàng quần áo thời trang ở phố Trần Xuân Soạn.

Rồi chị thao thao kể về công chúa Mai Hoa, như thể nàng công chúa ấy có họ hàng với chị.

Ngôi mộ được cho là của công chúa Mai Hoa nằm giữa cánh đồng làng Ninh Hiệp.

Chị Trang ngước nhìn ngôi mộ với đôi mắt thành kính bảo: “Các cụ bảo có thời có thiêng, có kiêng có lành. Em là dân kinh doanh buôn bán, nên càng tín tâm. Thú thực với anh, tháng nào em cũng đi lễ một vài lần. Chưa có ngôi đền, chùa nào nổi tiếng ngoài Bắc mà em chưa đến. Nhưng quả thực, Cô ở đây là thiêng nhất”.

Theo chị Trang, năm 2009, một người bạn rủ chị viếng mộ công chúa Mai Hoa. Chẳng tự dưng đi viếng mộ người lạ bao giờ, nhưng chị cũng đi cho cô bạn vui lòng.

Đến ngôi mộ, thấy người đến viếng tấp nập, ai ai cũng tỏ vẻ thành kính, tự dưng chị Trang cũng thấy xúc động.

Chị bày lễ trước mộ, thắp hương thành tâm khấn vái, xin công chúa phù hộ. Chẳng biết có phải “công chúa” phù hộ hay do sự thay đổi trong tư tưởng của chị, mà từ đó chị trở nên vui vẻ, hoạt bát, thấy cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa.

Lăng Cô.

Công việc kinh doanh của chị cũng suôn sẻ. Cửa hàng thời trang của chị đông nườm nượp. Tuy nhiên, dù bận rộn thế nào đi chăng nữa, thì tuần nào chị cũng dành ít nhất một buổi đến lễ bái Cô, bất kể trời mưa hay nắng.

Không chỉ chị Trang, mà rất nhiều người thân, bạn bè của chị cũng đến viếng công chúa Mai Hoa, cầu tài cầu lộc. Nói rồi, chị Trang chỉ cặp vợ chồng đang xì xụp cúng bái trước ngôi mộ.

Theo chị Trang, cặp vợ chồng đó là bạn chị, lấy nhau đã ngót 10 năm, đã khám chữa đủ các bệnh viện mà vẫn chưa có được mụn con. Nghe lời chị, vợ chồng cô bạn này cũng đến cầu cạnh Cô.

Dù đã theo việc cầu cúng gần một năm nay, nhưng vẫn chưa có kết quả. Mặc dù vậy, vợ chồng bạn chị vẫn không nản lòng, quyết tâm theo đuổi việc thờ phụng nàng công chúa nằm dưới mộ kia, những mong nàng phù hộ “tặng” cho đứa con.

Lại có cặp vợ chồng, cũng là bạn buôn bán với chị Trang, đã sinh được một quý tử, giờ suốt ngày cầu cạnh, cúng bái trước ngôi mộ này, với mong ước sẽ sinh được bé gái kháu khỉnh, đẹp như… công chúa.

Người dân ùn ùn kéo đến ngôi mộ không chỉ cầu tài, cầu lộc, mà còn tìm sự thanh thản trong tâm hồn, lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống.

Những ngôi mộ tròn được cho là người hầu của công chúa.


Công chúa Mai Hoa?


Sau khi kể hàng loạt câu chuyện ly kỳ về công chúa Mai Hoa, chị Trang chỉ người đàn bà đang luôn tay gói những túi hoa quả nho nhỏ để ra lộc cho những người tín tâm.

Bà Nguyễn Thị Lộc có khuôn mặt hiền từ, chất phác của người nông dân. Bà bảo rằng, từ ngày hương khói cho Cô, bà thấy tâm mình thanh thản, bệnh tật như tan biến đâu hết. Bà Lộc bảo rằng, chẳng rõ cô linh thế nào, nhưng nhiều người tìm đến Cô và coi Cô là chỗ dựa tinh thần.

Bà Lộc dẫn tôi đến trước lăng mộ. Đó là một ngôi mộ xây giản dị bằng gạch, sơn vàng, với 2 tầng, 8 mái. Cạnh ngôi mộ này còn có 12 ngôi mộ xây tròn, đặt thành hai hàng.

Trên những ngôi mộ tròn này cũng tầng tầng lớp lớp chân hương, khói tỏa nghi ngút. Theo bà Lộc, đó chính là người hầu của công chúa, được chôn cạnh công chúa (?!).

Bà Lộc thắp hương, khấn vái, rồi kể cho tôi rất nhiều chuyện ly kỳ liên quan đến ngôi mộ này.

Hàng ngày có rất nhiều người đến cúng vái trước Lăng Cô.

Theo bà Lộc, bà là chị gái anh Trung, người đào móng nhà và phát hiện ngôi mộ. Khi em trai cải táng Cô ra đồng, bà săn sóc, hương khói cho ngôi mộ như nghĩa cử bình thường của người dương thế với người âm.

Thế nhưng, chẳng hiểu tin đồn ở đâu lan ra, rằng nhiều người trong làng Ninh Hiệp, làm ăn buôn bán khó khăn, đã đem lễ lạt, hương khói ra mộ cầu khấn, không ngờ, nhiều người được phù hộ, đã vượt qua khó khăn, làm ăn khấm khá. Tin đồn cứ thế lan xa và ngày càng có nhiều người đến chiêm bái.

Bà trông coi, săn sóc mộ, thu được chút công đức nào, bà đầu tư cả vào việc xây xướng ngôi mộ. Mộ khá to, nên mọi người gọi là Lăng Cô.

Khi người dân đến đông quá, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người, không có chỗ trú mưa, trú nắng, nên bà Lộc tiến hành lợp tôn che ngôi mộ, xây một ban thờ nhỏ và một gian nhà cấp 4. Xã cũng đổ bê tông cho con đường dẫn ra nghĩa địa, để mọi người đi lại thuận tiện.

Lăng mộ xây rồi, người đến chiêm bái rất đông, nhưng người nằm dưới mộ là ai? Đó là câu hỏi cứ thôi thúc bà Lộc.

Được mọi người chỉ dẫn, bà Lộc đã xuống Hải Dương, đăng ký rồi xếp hàng mấy ngày trời để gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên.

Bà Lộc ngước ánh mắt thành kính về ngôi mộ nghi ngút khói kể: “Thầy Liên siêu lắm chú ạ. Tôi đến gặp thầy và bảo “thầy ơi, con nhờ thầy…”, tức thì thầy Liên quát: “Bà không cần phải nói, tôi biết ý định của bà rồi. Bà định hỏi tên người nằm dưới ngôi mộ mà bà đang chăm sóc, hương khói phải không? Đó là mộ công chúa Lê Thị Mai Hoa, đời nhà Lê, hiệu diệu Thái Thành công chúa, mất ngày 16 tháng 3 năm Thìn”.

Thầy Liên nói thế, thì tôi ghi chép lại như vậy, chứ có biết năm Thìn là năm nào đâu. Không những thế, thầy Liên còn tả kỹ lưỡng ngôi mộ của công chúa, thậm chí trong mộ có gì thầy cũng biết hết.

Tôi là người chứng kiến từ đầu đến đuôi vụ khai quật mộ, rồi cải táng mộ. Công chúa là người thế nào, quan quách ra sao, tôi nắm được hết, nên thấy lời thầy phán đều chuẩn”.

Còn nữa...

(Theo VTC)