Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: "Sửa Luật Điện lực lần này có chống được độc quyền hay không, Nhà nước độc quyền tới đâu, đến khi nào hết độc quyền?".
Sáng 29/8, tại hội nghị đại biểu chuyên trách, các đại biểu thảo luận về Luật Điện lực (sửa đổi).
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là Điều 5 của dự thảo luật quy định Nhà nước giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện; đầu tư các dự án điện hạt nhân, thủy điện đa mục tiêu, các nguồn, lưới điện khẩn cấp và lưới truyền tải điện quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên.
Nhà nước cũng độc quyền vận hành lưới truyền tải điện, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng.
Đến khi nào hết độc quyền?
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường nhất trí bổ sung các nội dung về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực.
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, làm rõ những chính sách đưa ra để đảm bảo tạo điều kiện thu hút nhà đầu tham gia vào lĩnh vực năng lượng. Trong đó cần cân nhắc việc, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư xây dựng.
Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, Nhà nước không nên độc quyền toàn bộ phần truyền tải, chỉ nên độc quyền với các đường dây cao áp, siêu cao áp (từ 35kV trở lên).
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nhà máy thuỷ điện đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, do phạm vi quá rộng. Bởi điều này sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề: "Sửa Luật Điện lực lần này có chống được độc quyền hay không, Nhà nước độc quyền tới đâu, giao lại đầu tư cho các ngành kinh tế khác thế nào?".
Lấy dẫn chứng từ thực tiễn ngành viễn thông đã bỏ độc quyền "rất xuất sắc", đại biểu Minh nhắc lại cách đây mấy chục năm, gọi một cuộc điện thoại mất mấy ngàn đồng. Một tháng lương dùng điện thoại cũng hết, còn hiện giờ dùng rất thoải mái.
Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật hiện nêu quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, nhưng chưa nêu cụ thể ở cấp độ nào.
"Đến khi nào hết độc quyền, đến khi nào người dân ít phép tắc hơn, tham gia vào thị trường nhiều hơn, và mọi thứ phải minh bạch", Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế nói.
Nhà nước sẽ phải độc quyền một số lĩnh vực xương sống
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Điều 5 dự thảo luật đã quy định rõ Nhà nước sẽ độc quyền ở khía cạnh nào, khâu nào trong phát triển điện lực.
"Nhà nước sẽ chủ yếu độc quyền trong điều độ hệ thống điện. Còn đầu tư, Nhà nước độc quyền với những dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện quốc gia, như các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...", ông Hoài nêu rõ.
Liên quan tới độc quyền trong truyền tải điện, Thứ trưởng Công thương giải thích, Nhà nước chỉ độc quyền lưới điện cao áp, siêu cao áp (trên 35kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa.
Để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, một số lĩnh vực xương sống sẽ phải độc quyền Nhà nước, còn lại sẽ xã hội hóa.
Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: “Giảm độc quyền tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng theo định hướng của Đảng và Nhà nước".
Thứ trưởng Công thương nêu thực tế nguồn điện EVN chỉ còn 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Việt Nam đang từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch. Từ đầu tháng 8, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chuyền từ EVN về Bộ Công Thương, EVN và các tập đoàn tham gia thị trường điện như một chủ thể thông thường.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận và sẽ góp ý hoàn chỉnh dự án luật của các tài liệu theo đúng quy định, trình Quốc hội thảo luận xem xét quyết định.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương với 121 điều được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình 1 kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15 với 6 chính sách lớn:
- Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước
- Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới
- Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực
- Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường
- Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện
- An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia.