“Chính quyền huyện tự nhiên dựng biển cấm xe tải, làm chúng tôi đến nông nỗi này”, ông nói.
Năm 2016, ông Đôn, sau 41 năm phục vụ quân đội với quân hàm đại tá, cùng một số bạn bè đến tỉnh Hòa Bình để tìm cơ hội đầu tư, sản xuất gạch. Ông còn nhớ, lãnh đạo tỉnh hồ hởi, mời chào nhiệt liệt đến thế nào vì xã Cao Sơn, như tên gọi của nó, chỉ có đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt.
Họ thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu xây dựng Thuận Hòa Phát và đầu tư 200 tỷ đồng cho dự án sản xuất gạch với công nghệ tiên tiến nhất. Việc sản xuất, kinh doanh trôi chảy, thuận lợi, như lãnh đạo tỉnh cam kết.
Nhưng, đánh đùng một cái, cách đây vài tháng, chính quyền huyện đặt biển cấm xe tải 10 tấn để chặn con đường ngắn nhất, chỉ khoảng 2km, từ công ty ra quốc lộ. Như vậy, họ chỉ còn một cách duy nhất là đi theo chiều ngược lại cũng trên chính con đường ấy, giờ đã dài 8km và phải qua trạm thu phí BOT.
Ông Đôn tính, cả tiền dầu, tiền phí BOT làm cho mỗi chuyến xe chở gạch tăng thêm ít nhất 1 triệu đồng. Mỗi ngày công ty chở 20 lượt xe là tốn thêm 20 triệu đồng. Nhưng đó chưa phải là vấn đề chính. Các bạn hàng, các lái xe tải không đến chở gạch của công ty nữa vì đường quá xa, lại xấu.
“Cũng là một con đường mà lãnh đạo huyện cho đi bên này thì mới được đi, cấm bên kia là không được đi. Chính sách bất nhất như vậy, trước thì lãnh đạo tỉnh mời gọi, nay thì lãnh đạo huyện giăng biển cấm xe, làm chúng tôi lâm vào ngõ cụt, thua lỗ kéo dài”, ông nói.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi tìm đến trụ sở công ty của ông một ngày gần đây với mong muốn viết về chân dung một doanh nhân 70 tuổi, có hàng chục năm phục vụ trong quân ngũ rồi về hưu thì lập doanh nghiệp sản xuất. Đó có thể là một chân dung hấp dẫn của người đã trải qua những giai đoạn đầy ắp các thay đổi ngoạn mục của đất nước trong hàng chục năm qua.
Nhưng tình thế ông và các bạn đang trải qua là một câu chuyện buồn. Tôi hỏi ông, sao ông không xin đối thoại với lãnh đạo huyện vì chính sách không thể bất nhất như vậy. Ông lắc đầu buồn bã, họ không muốn nghe. Và nay thì quanh cái biển cấm xe đó diễn ra biết bao chuyện khác, nào công an vào canh, phạt; nào các tổ tự phong ‘báo chí công dân’ vào quay phim, chụp ảnh tung lên mạng…
Câu chuyện của ông Đôn, thực tế, là không xa lạ. Tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” như có đại biểu Quốc hội từng phát biểu, đã được VCCI đúc kết. Trong hàng chục năm qua, chỉ có khoảng 5-8% số doanh nghiệp dự đoán được việc thực thi pháp luật của chính quyền cấp tỉnh. Có nghĩa, tỷ lệ lớn gần như tuyệt đối còn lại không biết chính sách thay đổi như thế nào mà với ông Đôn là cái biển cấm xe tải được dựng lên “đùng một cái”, phá vỡ các kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một nhận định rất đáng chú ý: khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, “đã đến mức tới hạn”.
Nhận định này thật sự rất cô đọng, thẳng thắn nhưng lại rất đa dạng, muôn màu, muôn vẻ mà doanh nghiệp đang đối mặt, từ việc mất đơn hàng, không tiếp cận được vốn, đất đai đến sự thờ ơ, vô cảm của chính quyền cơ sở.
Xin họp để xin chủ trương xin
Câu chuyện của một doanh nhân, mà anh không muốn nêu danh tính, kể với tôi để mô tả cho tình trạng trên.
Sau một thời gian khảo sát thị trường, vị doanh nhân quyết định đầu tư 200 tỷ đồng xây nhà máy sản xuất mặt hàng tiêu dùng. Họ tìm đến một khu công nghiệp đã hoàn thành và chọn 2 ha để xây dựng nhà xưởng. Giá đất và nhiều vấn đề khác đã thỏa thuận xong với chủ đầu tư khu công nghiệp.
Vì dự án sản xuất mặt hàng tiêu dùng không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện nên thông thường giấy phép chứng nhận đầu tư và một số giấy chứng nhận khác do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp.
Lần gặp đầu tiên với Ban quản lý, vị doanh nhân được thông báo: “Trước thì thế nhưng nay khác. Nay chúng tôi thấy cần phải có văn bản “Xin chủ trương” của Tỉnh ủy và Ủy ban cho phép thì chúng tôi mới cấp cho chắc. Nếu không sau này có tội gì mà lúc ấy mới biết thì chết”.
Đến lần gặp thứ hai, doanh nghiệp lại được Ban thông báo: “Để cho chắc nữa, trước khi có văn bản “Xin chủ trương” chúng tôi cần tổ chức cuộc họp mở rộng của Tỉnh ủy, Ủy ban với các ban, ngành để họ nghe các anh báo cáo. Họ bật đèn xanh chúng tôi mới dám có văn bản xin”.
Nhưng cuộc họp “Xin chủ trương cho phép xin bằng văn bản” đó không diễn ra dù từng được lên kế hoạch. Kể từ lần gặp đầu tiên đến giờ đã hơn một năm trôi qua mà mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Đó mới chỉ là một trong nhiều rào cản mà vị doanh nhân gặp phải.
Ông nói đầy mỉa mai: “Tôi không biết sẽ cần bao nhiêu cuộc họp Xin họp để xin chủ trương cho phép xin. Mà các cuộc gặp đó không phải là giấy phép chắt, chút, chít không thể kiểm soát hay sao?”.
Đầu tư 200 tỷ đồng là không nhỏ, tạo bao công ăn việc làm, đóng góp bao nhiêu cho ngân sách, mà sao lại thờ ơ, vô cảm như vậy?
Sức chống chịu phi thường
Những câu chuyện như trên và hơn nữa phản ánh những khó khăn muôn hình vạn trạng của doanh nghiệp hôm nay, mà các báo cáo của Ban IV hay VCCI đã từng chỉ ra.
Hòa Bình đang nối cao tốc với Hà Nội để thu hút thêm đầu tư; tỉnh cũng được xếp hạng là địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới năm sao cao hơn năm trước, có tốc độ tăng mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân cao nhất, có tốc độ thu hút vốn của doanh nghiệp tăng cao hơn bậc nhất cả nước, theo VCCI. Lẽ ra tỉnh cần nuôi dưỡng, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đang làm ăn như của đại tá Đôn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023 số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 165.240 doanh nghiệp, cao hơn so với 135.105 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vấn đề là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng của cả năm 2022 là 143.198.
Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy sức khỏe của khu vực doanh nghiệp đáng báo động, bên cạnh hàng loạt các chỉ báo khác như suy giảm đơn hàng, xuất nhập khẩu, tiêu dùng điện và sa thải người lao động.
Những con số trên thể hiện phần nào bức tranh khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong giai đoạn gần đây. Thực tế này có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, trong nước từ thể chế, chính sách đến đơn giản là hành động của cơ quan quản lý.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức, sau gần 40 năm đổi mới, vẫn mãi chỉ chiếm vỏn vẹn 9-10% GDP. Họ không lớn lên được nếu so với khu vực FDI hiện chiếm hơn 20% GDP. Còn khu vực kinh tế hộ gia đình chiếm tới 33% GDP, cho thấy nền kinh tế còn manh mún, ti ti thế nào.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao thì nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, của chính sách đang cản trở sự phát triển, như Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân năm 2017 đã chỉ ra rất rõ.
Ông Đôn, vị doanh nhân ẩn danh trên và nhiều doanh nhân khác đã trải qua quá nhiều biến động của thị trường, của chính sách. Sức chống chịu của họ là dẻo dai phi thường mà ít người có thể chịu đựng được.
Khi chia tay tôi, ông Đôn năm nay 70 tuổi, nói rằng, ông chỉ cầu mong lãnh đạo tỉnh giúp qua được khó khăn này để yên ổn làm ăn, giữ được công ăn việc làm cho người lao động.
Tư Giang