Việc chênh lệch số lượng bé trai - gái khi sinh ở Việt Nam nếu tiếp tục tăng sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên ra đời sau năm 2005. Bởi khi bước vào độ tuổi lập gia đình ở những năm 2030, dự báo, tỷ lệ thừa đàn ông tại Việt Nam là 10%.
LỜI TÒA SOẠN
Tại buổi lễ được tổ chức nhân Ngày Dân số thế giới 11/7, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết mức sinh ở nước ta còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; xu hướng mức sinh thấp; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Cùng với đó, Việt Nam chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với già hóa dân số trong khi già hóa dân số là xu thế tất yếu của các quốc gia.
Điều này đặt ra những thách thức lớn, cần được đánh giá và thay đổi trong chính sách tiếp cận vấn đề, bởi dân số là câu chuyện của tương lai đất nước. Tuyến bài "Thách thức dân số ở Việt Nam" sẽ cung cấp một phần số liệu, thực trạng và nhận định xu hướng về tình hình dân số ở nước ta.
Trong khi mức sinh có xu hướng giảm, một vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam đang phải đối mặt trong vấn đề dân số là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang "neo" cao. Bộ Y tế đánh giá đây là vấn đề "nóng" bởi hậu quả và những hệ lụy khôn lường nó để lại, trong khi để giảm nhanh tỷ số này không dễ dàng.
Chênh lệch giới tính khi sinh 18 năm 'neo' cao, chưa có dấu hiệu dừng lại
Mức thông thường của tỷ số giới tính khi sinh là 104-106 bé trai/100 bé gái. Tại Việt Nam, chênh lệch giới tính khi sinh xuất hiện và có xu hướng tăng đáng kể từ năm 2006. 18 năm trôi qua, "vấn nạn" này chưa có dấu hiệu dừng lại, bỏ xa mốc tự nhiên cần có.
"Khó đạt được mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2025", Bộ Y tế nhận định trong báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số đang lấy ý kiến rộng rãi.
Bộ Y tế đánh giá tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn "neo" ở mức cao. Số liệu do Bộ Y tế cung cấp
Việt Nam đang là quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ 3 ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Một báo cáo năm 2020 cho thấy 24 tỉnh/thành có tỷ số này dưới 109; 18 địa phương có tỷ số từ 109-112; 21 tỉnh còn lại có tỷ số trên 112.
Lãnh đạo Cục Dân số (Bộ Y tế) nhiều lần nhấn mạnh tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam dù xuất hiện muộn nhưng tăng rất nhanh, lan rộng, ở mức nghiêm trọng và có những điểm khác biệt. Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, cho biết ngay từ lần sinh đầu tiên, mức chênh lệch số lượng trẻ trai và gái khi sinh đã rất cao. Con số này tăng cao hơn ở những lần sinh con tiếp theo.
Tại Hưng Yên, trung bình trong 8 năm từ 2016-2023, tỷ số giới tính khi sinh là 119,3/100. Riêng năm 2023, có hơn 14.700 em bé sinh ra sống, tỷ số giới tính khi sinh là 120 bé trai/100 bé gái; trong đó, tỷ số bé trai/bé gái đối với số trẻ em sinh ra là con thứ 1 là 109/100, đối với trẻ là con thứ 2 là 114/100, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 156/100.
Các nhà khoa học từng đưa ra các kịch bản dự báo về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam trong 50 năm, từ 2019-2069.
Ở kịch bản tỷ số giới tính khi sinh giảm, khoảng 1,3 triệu nam giới độ tuổi 20-39 sẽ bị dôi dư vào năm 2044. Mức dư đó tăng lên đến 1,7 triệu vào năm 2049 ở nhóm tuổi rộng hơn từ 20-49 tuổi. Con số này sẽ giảm dần sau đó, nhưng dự báo vẫn cho thấy có 1,3 triệu nam giới ở nhóm tuổi 20-49 bị dôi dư vào năm 2069.
Ở kịch bản bi quan tỷ số giới tính khi sinh "không đổi", vẫn ở mức 111 bé trai/100 bé gái, đến năm 2069, tình trạng thừa nam giới sẽ tiếp tục tăng.
Không chỉ có "sức ép hôn nhân"
Việc thiếu hụt trẻ em gái lúc sinh tất yếu dẫn đến sự thiếu hụt phụ nữ trong tương lai. Tương tự, số lượng trẻ nam dư thừa sẽ dần chuyển thành nam giới trưởng thành dư thừa.
Tỷ số giới tính khi sinh nếu cứ tiếp tục tăng sẽ có tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên được sinh ra sau năm 2005. Đó là bởi khi bước vào độ tuổi lập gia đình vào những năm 2030, nhóm này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi khoảng 10%. Nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050. Dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA)
Bộ Y tế nhận định cấu trúc dân số trong những thập kỷ tiếp theo sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, tạo nên một tình trạng nhân khẩu - xã hội chưa từng có tiền lệ với quy mô nam giới vượt trội trong một thời gian dài, đặc biệt là tình trạng nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với mức độ giảm dần của nữ giới trong cùng một thế hệ.
"Sức ép hôn nhân" (số lượng chú rể tương lai nhiều hơn cô dâu) là hậu quả của xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam nếu không được khống chế.
Nam giới có thể phải đối mặt khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời; buộc phải trì hoãn thậm chí từ bỏ việc kết hôn do không kiếm được vợ, làm gia tăng tỷ lệ sống độc thân.
Dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ không chỉ là câu chuyện thiếu vợ để kết hôn, các chuyên gia nhấn mạnh tình trạng này có thể dẫn đến bạo lực giới, nạn buôn người, mại dâm, bất ổn chính trị và thiệt hại kinh tế.
Cấp bách phải giải quyết vấn đề gốc rễ và cốt lõi
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng cho rằng gốc rễ và cốt lõi của lựa chọn giới tính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh là do định kiến giới, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu vào từng người dân Việt; xuất hiện từ khi chuẩn bị kết hôn đến khi có con, lúc về già.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từng nhận định một bộ phận người dân còn tâm lý muốn có nhiều con, nhất là vẫn còn tư tưởng 'trọng nam, khinh nữ' dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn còn ở mức cao, tuy đang có xu hướng giảm nhưng không bền vững. Hết năm 2023, tỷ số này của Hà Nội là 111,2/100.
Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh cũng được Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra. Không chỉ trước và trong lúc thụ thai mà thậm chí, khi đã có thai, nếu chẩn đoán là thai trai thì nhiều gia đình để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi...
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo Dự luật Dân số là Bộ Y tế, việc tổ chức, thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh chưa hiệu quả trên thực tế, chưa giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, nên mức độ hiểu biết và mức độ chấp hành pháp luật, khả năng chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh còn có hạn chế.
Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số đang lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 năm 2025, Bộ Y tế đề xuất các hành vi cấm gồm: Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi; lựa chọn giới tính thai nhi; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Ngoài đề xuất tăng chế tài xử phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng việc lạm dụng các công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh, trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện. Cùng đó, đề xuất đưa nội dung xóa bỏ phân biệt và định kiến giới lồng ghép vào chương trình giáo dục quốc dân, hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố...
"Quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi sẽ có tác động lớn trong việc giảm phá thai và giảm tình trạng lựa chọn sinh con trai trong xã hội", báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Dân số nêu.