Theo cáo buộc, từ 2007- 2014, một số cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) gồm: Trần Phương Bình (cựu TGĐ); Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó TGĐ); cựu Giám đốc DAB Chi nhánh Hà Nội và các cán bộ tín dụng DAB Chi nhánh Hà Nội đã vi phạm quy định trong việc xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty CP đầu tư và du lịch An Phát và 2 công ty khác vay số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng DAB.
Bị cáo Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc công ty An Phát) đã lợi dụng quan hệ thân thiết với TGĐ Ngân hàng DAB Trần Phương Bình và Phó TGĐ Nguyễn Thị Kim Xuyến, vận động để 2 sếp ngân hàng này chỉ đạo Chi nhánh DAB giải ngân nhanh, làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn.
Tại CQĐT, các cán bộ ngân hàng thuộc DAB Chi nhánh Hà Nội khai, bà Mai là khách hàng VIP, có quan hệ với Ban Tổng giám đốc, được các sếp giới thiệu và chỉ đạo chi nhánh tạo điều kiện giải ngân nhanh cho Công ty An Phát.
Việc giải ngân khi chưa hoàn tất thủ tục về tài sản đảm bảo đều có sự đồng ý, chỉ đạo của ông Trần Phương Bình. Bản thân các cán bộ chỉ hướng dẫn bà Mai làm các thủ tục và không được hưởng lợi gì của bà Mai.
Dù là lần đầu có quan hệ giao dịch tín dụng giữa DAB Chi nhánh Hà Nội và Công ty An Phát, nhưng với sự ảnh hưởng của mình, bà Xuyến đã gây sức ép cho các cán bộ DAB Chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh cho bà Mai.
Trong khi đó ông Trần Phương Bình bị cáo buộc đã đồng ý phê duyệt việc giải ngân khi chưa làm thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo đối với tài sản thế chấp, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện để giải ngân nhanh chóng cho Công ty An Phát.
Việc này do ông Bình nể nang bà Mai đã thực hiện hồ sơ vay vàng khống, giúp ông Bình che giấu khoản âm quỹ vàng của Ngân hàng Đông Á...
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Minh Hoàng (cựu cán bộ tín dụng DAB, Chi nhánh Hà Nội) bị xác định là người lập hồ sơ tín dụng và tờ trình phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty An Phát; lập các chứng từ giải ngân, thu lãi, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát khách hàng sau vay. Hành vi của bị cáo bị coi là đồng phạm với các lãnh đạo của mình.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Hoàng trình bày, mình là nhân viên tín dụng, công việc trong giai đoạn tập sự, được phân công một số nghiệp vụ. Với vị trí nhân viên tập sự, non kinh nghiệm, bị cáo làm theo bổn phận của mình, cấp trên yêu cầu như nào bị cáo làm thế đó.
“Việc có sức ép, bị cáo cảm nhận cả chi nhánh có sức ép từ bà Xuyến, bị cáo không được hưởng lợi gì từ các hợp đồng này... Những ngày tạm giam là hình thức răn đe, đủ để bị cáo nhận ra sai sót, chủ quan của bản thân. Bị cáo mong được HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm”, lời bị cáo Hoàng.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Phương (nhân viên DAB Chi nhánh Hà Nội) khai, giữa năm 2008, bị cáo được giao hồ sơ Công ty An Phát. Cũng giống như bị cáo Hoàng, thời điểm đó, nghiệp vụ của bị cáo chưa vững. Khi nhận hồ sơ, với trình độ của bị cáo khi đó, cơ bản là kiểm tra đầu mục...
Bản thân bị cáo khi thực hiện hành vi của mình không hề biết đó là việc làm trái pháp luật, bị cáo chỉ làm theo mệnh lệnh, không được hưởng lợi gì khi đề xuất cho Công ty An Phát vay vốn.
Chấp nhận trả tiền vay hợp pháp
Tại tòa, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty An Phát) cho rằng, theo cáo trạng, các bị cáo thực hiện nhiều hành vi như lập các tài liệu giả mạo, chiếm dụng 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty, thiết lập nhiều hợp đồng tín dụng vay và cho vay trái quy định.
Bị cáo Phan Thúy Mai lợi dụng danh nghĩa giám đốc công ty, sử dụng vốn vay sai mục đích, dẫn đến không có khả năng thu hồi 184 tỷ đồng. CQĐT kết luận, “số dư nợ bà Mai sử dụng cho công ty là hơn 108 tỷ đồng”.
Theo luật sư, Công ty An Phát nhận thức có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay đã sử dụng chi dùng hợp pháp cho công ty. Tuy nhiên, trong tổng số 108 tỷ đồng có một số khoản tiền chưa được chi dùng hợp lệ, nên đề nghị HĐXX xem xét số tiền công ty sử dụng thực tế là 89,4 tỷ đồng để trả cho ngân hàng.
Luật sư cho rằng, trong vụ án này, Công ty An Phát được xác định là người liên quan, nhưng về bản chất, công ty còn có “vai trò bị hại”.
Bởi lẽ, Công ty An Phát đã bị mất quyền quản lý, sử dụng 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty có quyền yêu cầu được nhận lại tài sản mà các bị cáo đã vi phạm pháp luật chiếm dụng (được xác định là tang vật chứng vụ án).
Thực tế, Công ty An Phát đang phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề của vụ án, chỉ riêng tiền sử dụng dất, tiền thuế… đang còn tồn đọng đến vài trăm tỷ đồng. Trong khi đó, công ty không có các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất hạn chế để khai thác lợi nhuận và đến nay dự án vẫn đang bị ngưng trệ, không thực hiện được như mục tiêu đã đề ra.
Chiều 20/6, HĐXX sẽ tuyên án.
T.Nhung