“Thủ tướng Sunak đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Sunak trong cuộc điện đàm đã vạch ra tham vọng của Anh trong việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm việc thông qua viện trợ xe tăng Challenger 2 cùng nhiều hệ thống pháo bổ sung”, phát ngôn viên Số 10 phố Downing nói với tờ The Guardian hôm 14/1.
Theo trang quân sự Military Today, Challenger 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments), một tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Anh nghiên cứu và phát triển trong những năm 1980. Tới năm 1994, loại khí tài này chính thức được đưa vào biên chế trong quân đội Anh.
Challenger 2 dài 11,5m (tính cả nòng pháo); rộng 3,5m (chiều rộng khi được lắp thêm giáp Chobham/Dorchester là 4,2m); cao 2,49m và nặng hơn 62,5 tấn. Kíp chiến đấu của xe có 4 người, gồm trưởng xe, lái xe, điện đàm viên và xạ thủ.
Xe được trang bị một động cơ diesel CV12-6A V12 với sức kéo 1.200 mã lực. Nhờ vậy, Challenger 2 có thể di chuyển với vận tốc 56 km/h trên địa hình bằng phẳng với phạm vi hoạt động lên tới hơn 500km.
Tháp pháo xe tăng Challenger 2 được trang bị pháo L30A1 cỡ nòng 120mm cùng hai súng máy đồng trục sử dụng cỡ đạn 7,62 x 51mm NATO. Để tăng thêm uy lực cho pháo chính L30A1, tập đoàn BAE Systems Land & Armaments đã chế tạo 10 loại đạn dành cho pháo này, một vài loại trong số đó sử dụng uranium nghèo có khả năng xuyên thủng các lớp giáp phản ứng nổ được lắp bên ngoài xe tăng đối phương.
Theo BBC, Challenger 2 khi tham chiến ở Iraq đã chứng tỏ được sự chắc chắn của lớp giáp Chobham/Dorchester được trang bị cho xe này, khi toàn bộ các loại tên lửa vác vai hoặc vũ khí chống tăng quân đội Iraq sở hữu khi đó không thể xuyên phá và bắn hỏng được bất kỳ chiếc Challenger 2 nào.
Thậm chí trong một trận đánh ở ngoại vi thành phố Basra, một chiếc Challenger 2 đã bị trúng 14 phát đạn RPG-7 và 1 tên lửa chống tăng MILAN ở tầm gần, nhưng toàn bộ kíp lái đều sống sót.