Theo Sputnik, hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Nga đủ mạnh để khiến các nhà hoạch định chiến tranh ở Lầu Năm Góc phải đau đầu.
Lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo
Khoảng 576/1.588 đầu đạn, tức khoảng 1/3 tổng số đầu đạn hạt nhân chiến lược đang triển khai của Nga hiện được lắp đặt trên dàn tàu ngầm tên lửa đạn đạo của nước này.
Số đầu đạn nói trên được trang bị cho các tên lửa sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng có thể tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) trên 10 tàu ngầm hạt nhân. Chúng bao gồm 5 tàu ngầm thuộc lớp Borei và Borei-A mới (tên chính thức là Dự án 955 và Dự án 955A, NATO gọi là Dolgorukiy), được đưa vào hoạt động trong những năm 2010 và đầu những năm 2020, cùng 5 tàu ngầm Dự án 667BDRM Delfin (NATO gọi là Delta IV) cũ hơn, được hoàn thiện trong giai đoạn 1981 - 1992.
Các tàu lớp Borei và Borei-A được trang bị 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 Bulava với 6 -10 đầu MIRV cho mỗi quả tên lửa. Những tên lửa này bắt đầu được sử dụng vào năm 2018 sau gần hai thập kỷ phát triển, với sức công phá tương đương 100 - 150 tấn thuốc nổ TNT, gấp gần 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật năm 1945 với sức công phá khoảng 15 - 20 tấn thuốc nổ TNT. Bulava có phạm vi hoạt động được xác nhận lên tới 9.300km.
Cả 5 tàu ngầm Delfin đều thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga, trong khi những chiếc Borei và Borei-A được phân bổ cho Hạm đội Thái Bình Dương (3 tàu) và Hạm đội phương Bắc (2 tàu).
Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân
Ngoài các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, Hải quân Nga còn sở hữu 15 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 10 tàu ngầm mang tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân cùng một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đặc biệt, được thiết kế để mang ngư lôi vũ trang thế hệ tiếp theo.
Hạm đội tàu ngầm tấn công của Nga bao gồm 2 chiếc Dự án 945A Kondors (NATO định danh là Sierra II), 2 chiếc Dự án 671RTMK Shchukas (NATO gọi là Victor III) và 11 chiếc Dự án 971 Shchuka-B (NATO định danh là Akula). Các tàu ngầm này được phân bổ cho Hạm đội phương Bắc (10 chiếc) và Hạm đội Thái Bình Dương (5 chiếc). Tất cả, trừ 2 tàu trong số chúng, được đóng trong giai đoạn 1990 – 1996 và đều đã trải qua các đợt tái trang bị, kể cả ngư lôi, tên lửa đất đối không, thiết bị quét thủy âm, các hệ thống tác chiến điện tử và mồi nhử nâng cấp mới.
Theo Sputnik, các tàu ngầm tấn công của Nga, cả chạy bằng năng lượng hạt nhân và bằng diesel - điện đều là "nỗi đau đầu" đối với các chỉ huy NATO, vì đôi khi chúng đột ngột biến mất khỏi phạm vi giám sát ngoài biển của các hạm đội thuộc liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.
Hạm đội tàu ngầm mang tên lửa hành trình của Nga gồm 7 chiếc Dự án 949A Antey (NATO định danh là Oscar II) và 3 chiếc Dự án 885, 885M Yasen và Yasen-M (NATO gọi là Severodvinsk) mới hơn. Các tàu Yasen mãi đến giai đoạn 2014 – 2021 mới được đưa vào sử dụng, với 2 chiếc trong Hạm đội phương Bắc và một chiếc thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Ngoài các ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn để chống hạm và diệt tàu ngầm, chúng còn mang theo các tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất, được thiết kế để tập kích vô số mục tiêu, từ toàn bộ nhóm tàu sân bay đến những căn cứ nằm sâu trong đất liền.
Tàu ngầm lớp Yasen chở theo tới 32 tên lửa hành trình chống hạm Oniks có tầm bắn từ 600 - 800km hoặc tên lửa đa năng Kalibr. Trong đó, Kalibr, vốn được phát triển vào giữa những năm 1980, có tầm bắn từ 50 - 2.500km, tùy thuộc vào sửa đổi và cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Những chiếc Antey mang theo 24 tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit với mỗi quả được trang bị 750kg thuốc nổ thông thường và có khả năng bay xa tới 625km.