Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga đã điều động một số hệ thống phòng không như SA-15 và SA-22 tới Đảo Rắn nằm ở phía tây Biển Đen, nhằm cung cấp khả năng phòng không cho các tàu chiến Nga hoạt động ở khu vực này.
Hệ thống tên lửa SA-15
Hệ thống có tên đầy đủ là SA-15 Gaunlet. Đây là tên gọi mà khối quân sự NATO dùng để chỉ hệ thống tên lửa Tor-M2, một hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn dùng tiêu diệt các mục tiêu bay độ cao thấp đến trung bình như máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí điều khiển chính xác như AGM-86 của Mỹ, tên lửa đường đạn…
Nguyên bản của hệ thống (Tor) được Tập đoàn Almaz Antey phát triển năm 1975, đưa vào sử dụng từ năm 1986. Đến nay, hệ thống tên lửa này đã có các phiên bản Tor-M, Tor-M1, Tor-M1T, Tor-M2, Tor-MTA, Tor-MTB.. Một phiên bản trang bị cho tàu hải quân đã được phát triển với tên gọi 3K95 Kinzhal, phương Tây gọi là SA-N-9 Gauntlet.
Phiên bản Tor-M1 có khối lượng 34 tấn, dài 7,5m, rộng 3,3m, cao 5,1m (radar xếp xuống), kíp chiến đấu 3 người, trang bị tên lửa 9M330 hoặc 9M331. Xe khung gầm MZKT lắp động cơ V-12 diesel công suất 830 mã lực, tốc độ 65 km/h, tầm hoạt động 500km.
Tor-M2 là phiên bản nâng cấp của hệ thống Tor-M1, lần đầu ra mắt trong cuộc Triển lãm Hàng không Moscow năm 2007, được quân đội Nga chính thức sử dụng từ tháng 3/2017.
Hệ thống Tor-M2 được trang bị tên lửa đánh chặn 9M338, kích thước nhỏ hơn so với tên lửa 9M331 cho phép tăng số tên lửa mang theo lên gấp đôi, từ 8 lên 16 quả. Loại tên lửa này có thể đánh chặn các máy bay ở khoảng cách 1-12km, độ cao tới 10km; tên lửa có cánh và máy bay không người lái có thể bị hạ gục ở khoảng cách từ 1,5 đến 7km; vũ khí điều khiển chính xác có thể bị đánh chặn từ khoảng cách dưới 50m cho tới tối đa 6km. Tốc độ tối đa của mục tiêu là 700 m/giây.
Hiện bệ phóng di động của Tor-M2 phải dừng từ 2-3 giây mới phóng được tên lửa, song theo các nhà lãnh đạo Tập đoàn Almaz Antey, với việc nâng cấp tiếp theo, hệ thống sẽ có khả năng khai hỏa khi đang di chuyển.
Phiên bản xuất khẩu của Tor-M2 (Tor-M2E) được xuất khẩu sang Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Venezuela và Iran.
Hệ thống tên lửa SA-22
Tên đầy đủ là SA-22 Greyhound. Đây là cách phương Tây gọi hệ thống tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1 do Phòng thiết kế KBP Tula phát triển trên cơ sở hệ thống 9M311 Tunguska (SA-19/SA-N-11).
Pantsir-S1 là hệ thống phòng không có tầm tác chiến từ ngắn tới trung bình, đặt trên khung gầm xe bánh xích, bánh lốp hoặc các trụ, bệ đỡ cố định, có kíp chiến đầu 2 đến 3 người. Hệ thống gồm các khẩu pháo phòng không tự động và các tên lửa đất đối không, cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến.
Hệ thống tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1 dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu trên không (máy bay phản lực, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất...) với diện tích phản xạ radar nhỏ nhất là 2-3cm² và tốc độ lớn nhất lên tới 1300 m/giây; bảo vệ các khu quân sự, khu hành chính, khu công nghiệp, đội hình hành quân đến cỡ trung đoàn hoặc các hệ thống phòng không khác như S-300, S-400...
Với tầm bắn tối đa 20km và đạt trần bắn 15km ngay cả khi đang di chuyển, hệ thống Pantsir-S1 có nhiều ưu điểm, được đánh giá là hệ thống phòng không chiến thuật chưa có đối thủ trên thị trường vũ khí. Hệ thống được trang bị: 12 tên lửa loại 576E, 2 pháo tự động 2A38M 30mm với 1.400 viên đạn. Hai radar có thể cùng lúc bám theo 20 mục tiêu, cả trên không và mặt đất.
Trong cabin được trang bị hai màn hình đa năng LCD và hệ thống máy tính trung tâm công suất rất lớn, tốc độ xử lý dữ liệu mạnh nhằm giảm thời gian đáp ứng. Do ứng dụng các công nghệ mới, nên thể tích của hệ thống giảm 1/3, trong khi trọng lượng giảm 1/2. Đặc biệt, Pantsir-S1 vừa có thể độc lập, vừa có thể phối hợp tác chiến với các tổ hợp tên lửa khác, tạo khả năng phòng thủ rất hiệu quả.
Hiện nay, hệ thống tên lửa Pantsir-S1 đã được xuất khẩu cho Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Syria, Algeria, Iran, Jordan, Trung Quốc, Hy Lạp.
Nguyên Phong