Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 do Viện thiết kế Almaz (KB-1) - nay nằm trong Tổ hợp doanh nghiệp phòng không Almaz-Antei và Phòng thiết kế chế tạo máy Fakel nghiên cứu phát triển.
Được triển khai lần đầu vào năm 1978, hệ thống có chức năng phòng thủ đường không cho các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận chống lại máy bay, tên lửa hành trình; các biến thể sau đó được phát triển để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo của đối phương.
Cho đến nay, hệ thống tên lửa S-300 đã được cải tiến, hiện đại hóa với 3 hệ chủ yếu là S-300V đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo; S-300P phòng không mặt đất ; và S-300F dùng cho tàu hải quân. Trong đó, hệ lớn nhất là S-300P với những phiên bản nổi tiếng và thông dụng như S-300 PT, S-300PS (chính là phiên bản Slovakia chuyển cho Ukraine), S-300 PMU, S-300 PMU2, S-400.
Ngoài Nga, hệ thống tên lửa S-300 hiện có trong trang bị khoảng 20 nước như Síp, Hi Lạp, Slovakia, Bulgaria, Ukraine, Belarus, Armenia, Trung Quốc, Ấn Độ, Syria, Iran, Venezuela…
Trong đó, theo ước tính, Ukraine sở hữu khoảng 10 hệ thống S-300PT và S-300PS, một số hệ thống S-300V cùng khoảng 40 xe chở đạn kiêm bệ phóng ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.
Hệ thống S-300PT và S-300PS
Thành phần một hệ thống tên lửa S-300PT gồm radar giám sát mạng pha 36D, radar thám sát tầm thấp 76N6, hệ thống kiểm soát bắn 30N6, và phương tiện phóng 5P85-1, thực chất là xe tải MAZ-7910 8x8 mang được 4 quả đạn. S-300PT sử dụng tên lửa 5V55K/KD, dài 7m, đường kính 450mm, tầm bắn tối đa 47km. Một trong những hạn chế của phiên bản S-300PT là phải mất hơn một giờ để chuẩn bị cho hệ thống sẵn sàng khai hoả.
Phiên bản S-300PS (ra đời năm 1985) về cơ bản giống S-300PT. Điểm khác biệt là S-300PS sử dụng tên lửa 5V55R với tầm chiến đấu tối đa lên tới 93km; hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6E2 (radar bán chủ động/SARH) có thể dẫn 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ. Thời gian chuẩn bị chiến đấu giảm xuống còn 30 phút (ngang với hệ thống Patriot PAC-2 của Mỹ).
Hệ thống S-300PMU
Hệ thống S-300PMU có khả năng đồng thời đối phó, tiêu diệt nhiều mục tiêu đường không từ tầm thấp đến tầm cao (tên lửa hành trình, tên lửa đường đạn chiến thuật và một số kiểu tên lửa đường đạn chiến lược...). Hệ thống có hai kiểu SA-10A và SA-10B.
S-300PMU kiểu SA-10A gồm tổ hợp tên lửa, trạm chỉ huy, trung tâm kiểm soát tác chiến, radar bắt mục tiêu 3 chiều, radar mạng pha đa năng I FLAP LID với chùm tia số hóa để quét vào những mục tiêu kiên cố.
Phương tiện kéo là xe tải 6x6 KrAZ-260V, vận tốc di chuyển của xe trên đường nhựa 60 km/giờ, đường dã chiến 30 km/giờ, khả năng hành trình liên tục 500km. Số tên lửa dẫn đường đồng thời 12; kíp trắc thủ 6 người.
S-300PMU kiểu SA-10B được phóng thẳng đứng trên khung gầm xe tải 8x8 MAZ-7910. Khi cơ động, hệ thống phóng đặt ở vị trí nằm ngang, khi phóng được nâng lên một góc 900. Radar tác chiến kết hợp FLAP LID-B có ăng-ten mạng phẳng với diện tích 2,75m2; khi di chuyển, ăng-ten này ở tư thế ngang, khi triển khai nó được nâng lên một góc khoảng 600. Đây là loại radar có khả năng đồng thời bắt được 6 mục tiêu, với 2 tên lửa cho mỗi mục tiêu để tăng khả năng tiêu diệt.
Tên lửa 48H6E, 48H6E2 của S-300PMU nặng 1.480kg, dài 7m, đường kính 0,45m, tốc độ bay 50-120 m/s, thời gian triển khai 5 phút, thời gian thu hồi khoảng 5 phút. Đầu đạn tên lửa là loại nổ mảnh, đương lượng nổ 100kg với ngòi nổ cận đích, độ cao tác chiến 25-30.000 m, cự li tác chiến tối đa 90.000m.
Hệ thống S-300PMU2
S-300PMU2 dùng để tiêu diệt các phương tiện tập kích đường không như máy bay, tên lửa có cánh, tên lửa đạn đạo, bảo vệ các căn cứ quân sự, cảng biển và mục tiêu quan trọng của quốc gia.
So với S-300PMU1, S-300PMU2 có nhiều ưu điểm vượt trội nhờ sử dụng loại tên lửa mới 48N6E2, có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo từ cự li 40km, máy bay ở cự li 200km; tăng khả năng phát hiện mục tiêu nhờ sử dụng thiết bị chỉ thị mục tiêu độc lập mới RLS 96LE.
Điểm độc đáo là thiết bị RLS 96LE có thể bắn được cả các loại đạn tên lửa 48H6E, 48H6E2 của hệ thống S-300PMU1, đảm bảo khả năng kết nối vào bất kỳ hệ thống phòng không nào.
Nguyên Phong