Cách đây gần 20 năm, vào sáng 27/9/2005, sau khi vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 7 (tên quốc tế là Damrey) đã tiến thẳng vào các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão là cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 9 năm đổ bộ vào nước ta tính đến thời điểm đó.
Bão đổ bộ trực tiếp vào ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng… khiến nhiều tuyến đê biển ở Nam Ðịnh và Thanh Hóa bị vỡ, các tuyến đê biển khác bị sạt lở nghiêm trọng. Nước tràn vào nhà dân phá hủy nhiều ngôi nhà và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Đến nay, đi dọc theo bờ biển Thịnh Long (huyện Hải Hậu, Nam Định) vẫn thấy thấp thoáng những ngôi nhà cấp bốn hoang tàn cũ kỹ. Nhiều nhà chỉ còn trơ trụi mấy khung tường phủ đầy rêu phong, xung quanh không có người ở. Đó là tàn tích của một tổ dân phố đã bị phá huỷ sau trận bão khủng khiếp năm xưa.
Cả một đống đổ nát, người dân không nhận nổi vị trí nhà
Khoảng 9h30 sáng 27/9/2005, bão số 7 vào đến vùng biển của Nam Định. Hệ thống đê biển không có khả năng chống đỡ gió mạnh kết hợp triều cường, nên đã bị vỡ sau đó khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Từng là một tổ dân phố ven biển nhộn nhịp với khoảng 65 hộ dân sinh sống, giờ đây, tổ dân phố số 23 của thị trấn Thịnh Long, tỉnh Nam Định chỉ còn là một khu vực bị bỏ hoang với những tàn tích còn sót lại sau cơn bão Damrey.
Bà Phạm Thị Toan (SN 1954) kể lại, trong cơn bão ngày ấy, từng con sóng dựng đứng cao hàng mét đập liên tục vào bờ, giật đổ nhiều cây cối ven đê. Rất nhanh sau đó, nước biển tràn qua đê chắn, gây vỡ đê, tàn phá nhà cửa…
Ông Nguyễn Minh Tiến (Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long, thời điểm đó là Trưởng công an thị trấn Thịnh Long) cho biết, trước khi cơn bão đổ bộ, bà con thuộc tổ dân phố số 23 chủ yếu sống bằng nghề trồng hoa màu và đánh bắt, nuôi, trồng thủy hải sản.
Năm đó, khi Trung tâm Khí tượng thuỷ văn thông báo có bão lớn đổ bộ trực tiếp vào vùng biển Nam Định, nhân dân cùng các lực lượng công an, quân đội đã trải bạt, gia cố những tuyến đê biển có nguy cơ bị vỡ. Trước ngày bão ập đến, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, huyện đã tập trung hết ở trung tâm đo sóng để sẵn sàng ứng cứu. Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, nhanh chóng hoàn tất công tác di dân vào sâu trong đất liền.
“Khi đấy tôi là Trưởng công an thị trấn Thịnh Long, khi bão về chúng tôi được phân công theo cung, theo tuyến để đi tuần. Mỗi cung, tuyến gồm 3, 4 người. Nhóm của tôi phụ trách đi tuần trên đê để đảm bảo an ninh trật tự, trông coi tài sản cho bà con, đồng thời kiểm tra toàn bộ tuyến đê, nếu có sạt lở thì thông báo kịp thời.
Khi đi trên đê, không ít lần nhóm đi tuần chúng tôi bị những cơn gió bão khủng khiếp ấy xô ngã. Lúc đó, chúng tôi phải dùng những cây gậy to để chống. Nếu không có điểm tỳ thì gió thổi bay cả người đứng trên mặt đê”, ông Tiến nhớ lại.
Vì sống ở ven biển, năm nào cũng hứng chịu bão nên người dân ở tổ dân phố số 23 năm xưa đã chủ động gia cố nhà cửa chống bão. Tuy nhiên, sự càn quét khốc liệt của cơn bão Damrey vẫn gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.
Ông Vũ Duy Hiền (nguyên Tổ trưởng tổ dân phố số 23) cho biết, khoảng hơn 9h ngày 27/9/2005, khi tâm bão đến, tiếng mưa, tiếng gió rít bỗng nhiên im bặt. Sau đó chỉ khoảng 1 tiếng, mưa to, gió lớn ập xuống, nước biển dâng lên nhanh chóng, sóng vỗ rất cao. Khi tiếng súng lẫn tiếng kẻng báo động sơ tán dân vang lên dồn dập, tất cả mọi người đều biết là đê chắn sóng đã bị vỡ, xác định tài sản mất trắng.
Sau khi bão tan, người dân từ nơi tránh bão trở về nhà, ai nấy đều bàng hoàng khi trước mặt chỉ là 1 bãi đổ nát hoang tàn, diện tích lớn hoa màu, nhà cửa, vật nuôi đã bị sóng biển cuốn trôi. Khoảng hơn 30 căn nhà tại tổ dân phố số 23 bị đánh sập hoàn toàn. Có nhà bị đất, cát vùi lấp, người dân không biết chính xác nhà mình ở chỗ nào. Số còn lại thì bị hư hại nặng nề. Tổ dân phố ven biển gần như đã bị “xoá sổ”.
“Tôi chẳng thể nào quên được cái ngày định mệnh ấy. Đứng từ đê bên kia, tôi nhìn thấy rõ nhà mình bị gió bão, sóng biển đánh sập mà bất lực. Đêm hôm đó, sau khi hết gió, tôi mới dám về nhà, mấy ngày hôm sau nước mới rút hẳn”, ông Hiền nói.
Sức sống được hồi sinh mãnh liệt
Sau bão, cuộc sống của người dân tại tổ dân phố số 23 hoàn toàn bị đảo lộn. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản là không thể đong đếm. Nhiều hộ gia đình mất trắng chỉ sau 1 ngày, nhà cũng không còn để ở, “màn trời chiếu đất”, phải dắt díu nhau đi ở nhờ. Nhà nào chưa sập hẳn thì chắp vá ở tạm bợ.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long cho biết, ngay sau khi cơn bão “lịch sử” ấy đi qua, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện tới thị trấn đã kịp thời quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân để nhanh chóng ổn định đời sống. Vị trí đê chắn sóng bị vỡ cũng đã được kè kiên cố lại ngay sau đó.
Người dân tổ dân phố số 23 được Nhà nước cấp đất để xây nhà, an cư lạc nghiệp tại tổ dân phố số 18 và 19 cách đó khoảng chừng 4 - 5km.
Ông Tiến cho biết thêm, thời gian đầu, khi bão mới đi qua, đất nhiễm mặn, rất khó để trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng nhờ những trận mưa, đất nhanh chóng được “rửa mặn”. Những năm sau đó, canh tác hoa màu rất tươi tốt.
Dù năm đó bị nước biển cuốn trôi, mất hết tài sản nhưng với tâm niệm “còn người còn của”, người dân tổ dân phố số 23 đều rất lạc quan, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, ấm no hơn.
Đến nay, sau gần 20 năm, đời sống của người dân đã ổn định. Tuy nhiên, để an cư lạc nghiệp được như ngày hôm nay, người dân khi ấy đã trải qua không ít khó khăn vì toàn bộ của nả trong nhà mất trắng.
Như gia đình ông Hiền, sau bão vẫn phải bám trụ lại mảnh đất cũ, nhà bị sập nên ông gia cố lại nhà ông bà bên cạnh để ở. Đến năm 2012, ông mới xây được nhà ở khu đất mới và năm 2013 chuyển đi hẳn.
Tại tổ dân phố số 23 cũ, sau trận bão lịch sử ấy, duy chỉ có ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nhung (83 tuổi, tên thường gọi là bà Dinh) không bị phá hỏng, nhưng tất cả hoa màu, của cải, vật dụng đều bị cuốn trôi.
Bà Dinh tâm sự: “Nhà tôi cũng hoàn cảnh, 2 vợ chồng đi thanh niên xung phong về rồi chuyển ngành làm hải sản. Mảnh đất này là của cơ quan, sau khi tôi về hưu thì được cơ quan cho. Trong trận bão năm ấy, nước ngập đến mái nhà, nhưng nhà tôi lúc bấy giờ mới xây nên không bị phá hỏng”.
“Sau trận bão đó, gia đình tôi cũng được Nhà nước cấp cho 1 mảnh đất ở tổ dân phố số 18 nhưng tôi mới xây nhà ở đây, không đủ điều kiện xây nhà ra chỗ mới nên đã bán mảnh đất đó đi, để mua sâu vào bên trong 2 mảnh cho 2 người con trai. Chỗ ở cũ này, Nhà nước không thu hồi sổ đỏ, nên ở được thì tôi vẫn cứ ở thôi vì đã quen sống ở đây rồi”, bà Dinh chia sẻ.
Hiện chỉ có nhà bà Dinh sống tại khu tổ dân phố số 23 cũ, nhưng điện, nước sinh hoạt vẫn được cấp đầy đủ.
Đất của các hộ dân chuyển đi đã trở thành đất nông nghiệp để canh tác các loại hoa màu theo mùa như đỗ, lạc, rau, dưa... Trung bình mỗi hộ dân ở đây đều sở hữu từ 3-5 sào ruộng màu.
Những ngôi nhà cũ đổ nát cũng được người dân tận dụng, sửa sang lại để chăn nuôi lợn, gà hoặc làm nhà trông coi, nghỉ tạm khi xuống sản xuất.
Khác với sự tan hoang, đổ nát sau khi bị bão quét năm xưa, giờ đây, con đê bị sóng đánh vỡ đã được kiên cố vững chãi, an toàn. Mảnh đất từng bị bão lũ càn quét tan hoang đã được phủ xanh bởi hoa màu, căng tràn sức sống mới.
Người dân đã có chỗ ở an toàn, ổn định để yên tâm sản xuất, canh tác, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển hơn.