Hoàng Nam cao 1m3, nặng 36kg cởi trần bước đi trong sân nhà, nếu không tính chiều cao, nhìn từ đằng sau nhiều người sẽ lầm tưởng cậu bé là một thanh niên đã tập thể hình trong thời gian dài, với những khối cơ nổi lên cuồn cuộn.
Nhưng ít ai biết thân hình giống lực sĩ ấy lại không phải do tập luyện... mà phát triển tự nhiên.
Cậu bé được người dân địa phương ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai gọi là một "Gymer nhí" hay "cậu bé Superman nhí" bởi sở hữu thân hình như lực sĩ.
Nam là con trai đầu lòng của chị Phạm Thị Kim Uyên, 29 tuổi, buôn bán nước tại nhà, bố em là một tài xế. Cậu bé sinh ra với cân nặng 3,6kg, "lớn nhanh như thổi" trong một năm đầu tiên. Da thịt trông chắc chắn hơn so với những em bé sơ sinh khác.
"Lúc con được một tháng tuổi, tôi "hết hồn" khi thấy bé tăng đến 2,5 kg, trong khi một đứa trẻ bình thường chỉ tăng khoảng 1kg. Nhưng tôi nghĩ mình có sữa mát nên con phát triển tốt", chị Uyên nhớ lại.
Thuở bé, Nam khỏe mạnh, ít khi ốm vặt và không có biểu hiện gì bất thường khác. Ngoại trừ việc có thể uống được rất nhiều sữa. Mỗi đêm, thường không dưới 4 lần Nam thức giấc để uống sữa, mỗi lần em uống hơn 200ml, tổng cộng hơn một lít sữa trong đêm.
Nhưng đến năm 6 tuổi, khi cậu bé bắt đầu tự lập hơn trong việc ăn uống, chị Uyên bắt đầu phát hiện con mình ăn rất nhiều, đặc biệt là các món giàu chất đạm.
Có lần trong một bữa ăn, khi cả nhà đang mải nói chuyện, Nam ăn hết nửa con gà lúc nào không hay. Những món như trứng, chuối, Nam có thể ăn không biết ngán và ăn đến khi nào không ăn nổi nữa thì thôi.
"Thằng nhỏ thích ăn nhưng nếu mẹ không mua hoặc không cho phép em cũng không đòi hỏi", mẹ cậu bé chia sẻ.
Thấy những khối cơ trên cơ thể con ngày càng lộ rõ, người săn chắc, cứng cáp, đi lại chậm chạp hơn so với các bạn nên chị Uyên dẫn bé đi khám. Bác sĩ chẩn đoán em bị một bệnh liên quan đến phì đại cơ bẩm sinh làm giảm mỡ và phát triển cơ nhiều, nhanh hơn so với người bình thường.
Bệnh này rất hiếm gặp, trên thế giới hiện chỉ có vài ca. Bệnh không gây đau đớn, không cản trở sinh hoạt, cũng như không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não nên bác sĩ khuyên chị Uyên theo dõi, nếu có dấu hiệu khác thường thì tái khám.
"Thấy bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ của con nên gia đình an tâm hơn. Mấy năm học tiểu học, con cũng đạt học sinh khá giỏi. Nhưng do ở Việt Nam tôi chưa thấy trường hợp nào như con nên đôi khi cũng lo lắng, không biết mình đã chăm sóc con đúng cách chưa", chị Uyên trăn trở.
Theo tìm hiểu, chị Uyên biết những món khoái khẩu của Nam là thịt gà, chuối, trứng đều rất có lợi cho sự phát triển cơ. Sợ con có những sự phát triển cơ quá mức, khoảng 2 năm nay, chị hạn chế cho Nam ăn những món đó. Thay vào đó, chị thường gợi ý cho con trai ăn thêm rau xanh và những loại trái cây khác.
Năm ngoái, qua giới thiệu của người quen, cô Nguyễn Lê Minh Hải, huấn luyện viên môn cử tạ, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Đồng Nai đã đón em lên để tập luyện, thử sức với bộ môn này.
"Khi thấy Nam lần đầu tiên tôi nghĩ em sẽ có khả năng về bộ môn cử tạ, khung người và tỷ lệ cơ trên cơ thể rất tốt. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người ở trung tâm đều đánh giá Nam có một hình thể "trời cho". Nam là một cậu bé nghị lực. Trong những bài tập ép dẻo người, tôi yêu cầu em giữ tư thế trong 20 giây, em tuy có khóc nhưng cũng cố giữ và đếm 20 giây. Em đếm rất chậm chứ không đếm nhanh để được nghỉ. Do Nam còn nhỏ, gia đình cũng muốn em tập trung và việc học nên Nam chỉ có 3 tháng trải nghiệm ở trung tâm. Với hình thể của em tôi nghĩ cậu bé phù hợp với bộ môn thể dục thể hình nhất", cô Hải chia sẻ.
Từ nhỏ, cậu bé Nam thường bắt chước bố nâng những quả tạ, hít đất và gập bụng nên sức khỏe cậu bé rất tốt. "Ở trường các bạn thường rủ em thi vật tay và em là người thắng hầu hết các bạn", Nam khoe.
Biết cậu bé có một thân hình đặc biệt nên trước đây nhiều người quen hễ gặp em là bảo Nam gồng lên để được thấy những khối cơ. Lúc đi bơi hay đi tắm biển, nhiều người lạ cũng tò mò muốn Nam "trình diễn" và chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, chị Uyên thấy việc thường xuyên gồng người, đặc biệt là không đúng kỹ thuật có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con thể nên khuyên con nên hạn chế.
Gần đây, chị Uyên cho con đi bơi để phát triển thêm về chiều cao, cơ thể dẻo dai hơn. Cậu bé Nam cũng đang tham gia một lớp võ cổ truyền ở gần nhà.
"Tạm thời tôi cố gắng tạo điều kiện để con sống và phát triển một cách bình thường. Biết con lợi thế về hình thể nhưng gia đình không ép. Một vài năm nữa khi con lớn hơn, con sẽ quyết định tương lai của mình", chị Uyên nói.
Theo Dân trí
Diện mạo sau 21 năm của cậu bé có cơ bắp cuồn cuộn gây 'sốt' khắp thế giới
Khi trưởng thành, Richard Sandrak từ bỏ chế độ tập luyện nghiêm ngặt và chọn cách sống một cuộc sống bình thường, từ bỏ ánh hào quang có được trong quá khứ.