Tháp Thần Nông được đặt tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh với diện tích 20.000m2. Với thiết kế hình hạt lúa, dựng theo chiều thẳng đứng, Tháp Thần Nông cao 15m, chia thành 5 tầng. Đây là điểm đến độc đáo, thu hút khách đến tham quan của tỉnh Bắc Ninh vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm.
Chia sẻ về ý tưởng làm Tháp Thần Nông, anh Trần Văn Toản cho biết, với mong muốn phục dựng không gian xưa cũ của làng quê Bắc Bộ, sau gần 20 năm sưu tầm những chiếc cối đá cũ trên khắp mọi miền đất nước, anh đã quyết định cùng đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư thiết kế và xây dựng tháp.
"Tại nhiều vùng quê, khi sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại thì những chiếc cối đá, trục đá, cối xay lúa… bị vứt bỏ ở lề đường. Vì vậy, tôi đã dành thời gian, công sức để sưu tầm chúng và xây dựng thành khu trưng bày, để các thế hệ sau biết được lịch sử của những chiếc cối mà cha ông để lại", anh nói.
Anh Toản cho biết, đây là khu trưng bày cối đá và văn hóa lúa nước đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh hướng tới sự phát triển dịch vụ trải nghiệm, du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Lương Tài và tỉnh Bắc Ninh; đồng thời, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa Kinh Bắc và văn hóa lúa nước.
“Tôi mong muốn khu trưng bày này sẽ lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê, mang nền văn hóa nông nghiệp, lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử miền quê Bắc Bộ. Đây sẽ là địa chỉ để thế hệ học sinh được trải nghiệm, biết đến những vật dụng gắn với đời sống của thế hệ trước”, anh Toản nói.
Việc xây dựng tháp bằng cối đá là thách thức rất lớn trong quá trình thi công. Đơn vị thi công phải lựa chọn những cối đá có kích thước tương tự nhau và vận chuyển lên cao.
Với sự trợ giúp của kiến trúc sư Nguyễn Sánh – một nghệ nhân nổi tiếng trong việc khảo cứu, phục dựng các không gian văn hoá xưa cũ, ý tưởng xếp những chiếc cối đá nặng nề thành Tháp Thần Nông – vị thần của nền nông nghiệp lúa nước đã thành hiện thực.
“Việc xây dựng tháp bằng cối đá là thách thức rất lớn trong quá trình thi công. Đơn vị thi công phải lựa chọn những cối đá có kích thước tương tự nhau và vận chuyển lên cao. Đặc biệt, những cối đá này ở ngoài rất hiếm, phải chờ thời gian sưu tầm nên phải mất khoảng hơn 2 năm hoàn thành”, kiến trúc sư Nguyễn Sánh nói.
Bên trong Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, thiết kế với hình hạt thóc được dựng theo chiều thẳng đứng. Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc/gạo… được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Đại diện đơn vị cho biết đang hoàn thiện hệ thống âm thanh và màu sắc để giúp tháp biến đổi màu sắc sống động theo quá trình hạt lúa từ lúc xanh đến khi chín vàng.
Cuối tháng 11 vừa qua, Hội đồng Xác lập tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã tổ chức Lễ công bố kỷ lục châu Á đối với Tháp Thần Nông - tháp cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất Việt Nam.
Trong quan niệm của người dân, Thần Nông là ông tổ nông nghiệp, người dạy con người biết trồng lúa từ xa xưa và ban phúc cho những người làm nghề nông để đảm bảo cho cuộc sống an lành, đầy đủ từ mùa màng bội thu.