Người ta nhận thưởng Tết, mình mất ngủ
Nguyễn Văn Đăng, 28 tuổi - nhân viên tại một công ty phát hành sách ở TPHCM - chia sẻ, mấy ngày nay anh đã cố gạt đi mối bận tâm về chuyện thưởng Tết vì càng nghĩ chỉ càng thêm đau đầu.
Mọi năm, tiền thưởng Tết của Đăng được một tháng lương, tính ra gần 10 triệu đồng. Năm nay, theo báo cáo, công ty sụt giảm doanh thu mạnh, rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ.
Chưa kể, hồi giữa năm, công ty đã cắt giảm nhân sự nên những người còn ở lại như Đăng cũng phần nào đoán được số phận... thưởng Tết.
Đăng nghe thông tin nội bộ, tiền thưởng năm nay sẽ mang tính tượng trưng khoảng 2-3 triệu đồng nên anh nhắc mình "gác chuyện thưởng Tết sang một bên".
"Thưởng đã ít thì 2 hay 10 triệu cũng không làm mình giàu hay nghèo thêm được nên quan tâm làm gì, cứ an yên mà sống", Đăng nói với đồng nghiệp.
Vậy mà, Đăng thở dài, muốn an yên cũng không được. Đồng nghiệp, bạn bè liên tục gửi cho Đăng thông tin về tình hình thưởng Tết năm 2024. Giờ trưa, anh em văn phòng xôn xao trước con số thưởng Tết cao nhất năm nay hơn 5,6 tỷ đồng ở Long An.
Đăng lại cuốn theo câu chuyện... thưởng Tết. Anh đổ trạng thái "Có một tỷ tiền thưởng thì phải làm gì nhỉ, chứ chưa nói đến 5,6 tỷ?" lên mạng xã hội để đi tìm "cảm giác lạ". Nhiều người ào ào vào bình luận, bày tỏ về việc không hình dung nổi cảm giác đó. Có người vào khuyên: "Bớt ảo tưởng ông ơi, người ta thưởng theo... định mệnh".
Suốt đêm nghĩ đến chuyện thưởng của người ta mà anh trằn trọc, suy sụp không ngủ nổi. Giống như mơ trúng số, Đăng tưởng tượng có từng đó tiền anh sẽ mua một căn hộ, sửa nhà cho bố mẹ, tặng anh chị em trong gia đình... Hoặc là anh sẽ nghỉ việc mà không phải suy nghĩ mai lấy gì trả tiền nhà, hóa đơn điện nước, tiền ăn.
Nam nhân viên bày tỏ, anh biết thân biết phận, hiểu mọi so sánh đều khập khiễng nhưng con số thưởng Tết tiền tỷ vẫn "ám" lấy anh. Nghĩ nhiều, Đăng quay sang chê trách bản thân kém cỏi, đến tuổi này vẫn chưa làm được gì "ra ngô ra khoai".
Chung tâm trạng, chị Lê Thanh Thanh - nhân viên văn phòng ở quận 1, TPHCM - kể, mấy hôm nay, chị và đồng nghiệp bị cuốn vào câu chuyện thưởng Tết. Từ "tám" chuyện trực tiếp trong giờ làm, giờ ăn trưa cho đến trao đổi trong các nhóm online.
Nhìn người lại ngẫm đến mình, mong mỏi được thưởng Tết 1,5 tháng lương như năm vừa rồi với chị Thanh năm nay cũng đã là một giấc mơ.
"Tôi chưa dám đặt vé về quê vì đang phải xem tình hình thưởng Tết thế nào. Có thể năm nay, cả gia đình ở lại ăn Tết ở thành phố để tiết kiệm", người mẹ hai con quê ở Quảng Ngãi thở dài.
Tâm lý "so đo" tiền thưởng Tết: Chuyện thường!
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, mức tiền thưởng bình quân trên địa bàn tỉnh là 7 triệu đồng/người, mức tiền thưởng thấp nhất 500.000 đồng/người đối với người lao động mới vào làm việc dưới 12 tháng.
Mức thưởng Tết cao nhất là hơn 5,68 tỷ đồng/người thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên về thiết kế và sản xuất các thiết bị tự động hóa và các bộ phận cơ khí.
Ông Nguyễn Ngọc Mạnh - Giám đốc nhân sự công ty phần mềm đóng ở quận 3, TPHCM - nêu quan điểm, người lao động quan tâm đến vấn đề thưởng Tết của mình, của người khác là chuyện rất bình thường. Chính bản thân ông cũng không khỏi nôn nao, xót xa ruột gan trước thông tin nơi nào đó thưởng Tết tiền tỷ.
Ông Mạnh nên quan điểm, giờ đến chiếc áo, chiếc xe, bữa ăn... mọi người còn có tâm lý so sánh thì việc "so đo" tiền thưởng Tết không lạ.
Nhân viên sẽ khó tránh được sự cảm thán, so sánh giữa tiền thưởng của mình với người khác, của công ty mình với công ty khác và lớn nhất chính là so sánh giữa đồng nghiệp cùng công ty.
Để tránh tâm lý này, tại Trường Đại học Công thương TPHCM, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Chủ tịch Hội đồng trường - cho biết, nhiều năm qua, trường thưởng Tết "đồng giá" mức 20 triệu đồng/người từ lao công đến hiệu trưởng, không phân biệt vị trí, chức danh, bằng cấp.
Điều này tạo tâm lý công bằng cho tất cả người lao động vì ai cũng ăn Tết như ai nên rất được mọi người ủng hộ. Còn hằng tháng, cán bộ quản lý, giảng viên làm việc tại trường tùy chức danh, vị trí, bằng cấp đã có mức thu nhập cao hơn những nhân viên khác.
Ông Nguyễn Ngọc Mạnh cho rằng, các doanh nghiệp cần hiểu được tâm lý so sánh này để xây dựng những quy chế, chính sách thưởng rõ ràng, hợp lý tránh những bất mãn không đang có dẫn đến ảnh hưởng công tác nhân sự.
Trên thực tế, không ít nhân sự đã chọn rời đi sau khi nhận thưởng Tết.
Khía cạnh mỗi cá nhân, ông Mạnh nhấn mạnh, việc nắm thông tin thưởng Tết nơi này nơi kia chỉ mang tính tham khảo, không có chuẩn nào để so sánh. Có nơi không có thưởng Tết, có nơi thưởng 100.000 đồng, có nơi lại tiền tỷ.
Điều cần nhất là mỗi người tự xem xét công việc mình có ổn không, công ty đối đãi thế nào, môi trường phù hợp ra sao, làm sao để phát huy tốt nhất năng lực hay làm cách nào để cải thiện thu nhập...
Theo Dân Trí